Theo một nghiên cứu mới từ YouGov, mức độ sử dụng phương tiện truyền thông ở Việt Nam đã tăng vọt khi ngày càng có nhiều người sử dụng các dịch vụ giải trí trực tuyến trong năm 2021. Báo cáo dựa trên phỏng vấn với 2.369 người trên khắp cả nước, dự báo rằng mức độ sử dụng sẽ tiếp tục tăng vào năm 2022, với các dịch vụ phát trực tuyến và theo yêu cầu sẽ làm thay đổi các phương thức truyền thông truyền thống.
Hơn 2/3 số người được phỏng vấn đã sử dụng thường xuyên hơn các nền tảng kỹ thuật số như Mạng Xã Hội (69%) hoặc các trang Web và Ứng dụng (66%) trong 12 tháng qua. Trong khi đó, khoảng một nửa trong số này nghe nhạc nhiều hơn (49%) và đọc nhiều báo hoặc tạp chí hơn (47%). Các dịch vụ phát trực tuyến như Netflix và Amazon Prime (41%) cũng trở nên phổ biến hơn trong 12 tháng qua. Tuy nhiên, các kênh truyền thông truyền thống như truyền hình trực tiếp (36%) lại tăng trưởng chậm hơn vào năm 2021.
Những xu hướng này sẽ tiếp tục được duy trì vào năm 2022, kỷ nguyên kỹ thuật số góp phần đáng kể cho sự tăng trưởng nhu cầu xem, nghe, nhìn trên tất cả các kênh và phương tiện truyền thông đại chúng. Video theo yêu cầu (catch up TV/replay TV/VOD) được nhận định là một trong những lĩnh vực tăng trưởng mạnh mẽ nhất, với mức tăng dao động khoảng 10% so với năm 2021.
Tuy nhiên, có sự khác biệt rõ rệt giữa các nhóm tuổi về mức độ tiêu thụ phương tiện truyền thông kỹ thuật số. Những người sinh sau năm 1997 – được gọi là ‘Gen Z’ – đang là nhân tố thúc đẩy cho sự phát triển của mảng phát nhạc trực tuyến (music streaming), với khoảng một nửa dự định xem nhiều hơn vào năm 2022. Con số này cao gấp đôi so với ‘Boomers’ – những người sinh trước năm 1965. Trong khi đó, những người sinh từ năm 1981 đến năm 1996 – còn được gọi là ‘Millennials’ – đứng sau sự phát triển của video phát trực tuyến (video streaming).
Sự gia tăng của các phương tiện truyền thông kỹ thuật số cũng đang thúc đẩy số lượng độc giả của báo và tạp chí. Ngoài ‘Boomers’, tất cả các nhóm tuổi đều được dự đoán có mức độ xem tin tức tăng cao hơn vào năm 2022. Con số này dao động từ mức tăng 39% đối với Gen Z, đến mức tăng 45% đối với thế hệ X và đến 49% đối với nhóm Millennials.
Tuy nhiên, trong một thị trường truyền thông ngày càng cạnh tranh, với số lượng ngày càng nhiều các trang web thông tin dành cho độc giả, các nhà sản xuất truyền thống phải đối mặt với những thách thức mới trong việc thu hút khán giả và giữ họ lâu dài.
Nhận xét về báo cáo, Thue Quist Thomasen, CEO YouGov Việt Nam, cho biết:
“Bối cảnh chung của truyền thông Việt Nam đã trở nên đa dạng hơn trong 12 tháng qua. Dữ liệu của chúng tôi cho thấy rằng người tiêu dùng đang xem, nghe và duyệt web nhiều hơn bao giờ hết. Và quá trình chuyển đổi số đang thúc đẩy sự tăng trưởng này trên nhiều kênh và nền tảng khác nhau. Tuy nhiên, có sự phân hoá trong thói quen sử dụng các phương tiện truyền thông của các nhóm dân số khác nhau – từ podcast đến âm nhạc và từ tin tức đến video theo yêu cầu. Nhưng việc có lựa chọn nhiều hơn đồng nghĩa với việc cạnh tranh hơn. Nhờ số hóa, các phương tiện truyền thông truyền thống hiện đang cạnh tranh với các nền tảng mới để thu hút sự chú ý của khán giả và thị phần. Vì vậy, các nhà sản xuất cần phải đổi mới để giữ cho mọi người được giải trí và tương tác. Điều đó đòi hỏi họ phải hiểu được sở thích, thái độ và hành vi của người tiêu dùng để tiếp cận họ với nội dung phù hợp.”
Nguồn: https://marketinsider.vn/