Trang chủ » Yếu tố cản trở kinh tế Hàn Quốc phục hồi giai đoạn hậu COVID-19

Yếu tố cản trở kinh tế Hàn Quốc phục hồi giai đoạn hậu COVID-19

bởi unexpress

BNEWS Ngân hàng trung ương Hàn Quốc có thể sẽ tăng lãi suất bất chấp những lo ngại mới về triển vọng phục hồi kinh tế ở nước này có khả năng bị suy yếu do sự xuất hiện của biến thể Omicron.

Tờ Thời báo Hàn Quốc (The Korea Times) dẫn lời các chuyên gia kinh tế nước này cho rằng sự chuyển hướng sang chính sách thắt chặt tiền tệ “đáng kinh ngạc” của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell dự kiến sẽ tạo động lực để Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BoK) triển khai một đợt tăng lãi suất quan trọng khác vào đầu năm 2022.

Việc tăng lãi suất có thể diễn ra bất chấp những lo ngại mới về triển vọng phục hồi kinh tế ở Hàn Quốc có khả năng bị suy yếu do sự xuất hiện của biến thể Omicron.
Sau khi tăng lãi suất cơ bản lên 1% vào tuần trước, Thống đốc BoK Lee Ju-yeol cũng đã bóng gió đề cập đến một đợt tăng lãi suất khác trong những tháng tới bằng cách nhấn mạnh rằng lãi suất cơ bản của Hàn Quốc “vẫn còn phù hợp”.

Mới đây, ông Powell thông báo Fed có thể sẽ đẩy nhanh việc cắt giảm các nỗ lực hỗ trợ kinh tế trong bối cảnh sức ép lạm phát tăng cao. Bên việc thu hẹp chương trình mua trái phiếu, Fed có thể sớm tăng lãi suất cơ bản, các nhà kinh tế Hàn Quốc nhận định BoK dường như đã được “nới lỏng hơn” trong việc cân nhắc bình thường hóa chính sách tiền tệ.
Các quan chức tài chính ở Hàn Quốc đang theo dõi chặt chẽ cách biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 sẽ tác động đến thị trường tài chính và nền kinh tế. Đây cũng chính là điều mà các nhà kinh tế tin rằng sẽ ảnh hưởng đến quyết định chính sách tiền tệ tiếp theo của BoK khi Hàn Quốc đặt mục tiêu đạt mức tăng trưởng kinh tế 4% trong năm 2021. 
Theo kế hoạch, Ban chính sách tiền tệ của BoK dự kiến sẽ tổ chức cuộc họp ấn định lãi suất tiếp theo vào ngày 14/1/2022. Tuy nhiên, hiện có một sự đồng thuận chung trên thị trường là BoK sẽ tăng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm chậm nhất vào ngày 24/2/2022, thời điểm diễn ra cuộc họp chính sách thứ hai.
Mặc dù kỳ vọng ngày càng lớn về việc BoK tăng lãi suất cơ bản sớm hơn dự kiến, một số nhà phân tích ở Hàn Quốc vẫn cho rằng rủi ro liên quan đến sự lây lan (có thể có) của biến thể Omicron có thể ảnh hưởng đến tốc độ bình thường hóa chính sách tiền tệ của BoK. 
Nhà kinh tế Kim Yong-koo của công ty chứng khoán Samsung cho rằng “yếu tố Omicron” sẽ tiếp tục gây thêm áp lực khiến thị trường chứng khoán trong nước đi xuống trước khả năng Fed theo đuổi các đợt tăng lãi suất sớm theo lịch trình. Ông nói: “Trọng tâm nên tập trung vào việc kiểm soát sự lây lan của biến thể Omicron và giảm bớt lo ngại về việc Fed tăng lãi suất sớm hơn.

Bên cạnh đó, các nhà đầu tư cũng  giác với những biến động ngày càng lớn trên thị trường chứng khoán bởi chỉ số KOSPI dễ bị ảnh hưởng bởi những bất ổn bên ngoài”. Điều này đặc biệt đúng khi chính phủ các nước có thể áp dụng các quy tắc kiểm dịch chặt chẽ một lần nữa vào thời điểm nền kinh tế toàn cầu đang phải sống chung với các chiến lược đối phó với COVID-19.
Sự lây lan bất ngờ của biến thể Omicron, lần đầu tiên được phát hiện ở Nam Phi, đã và đang làm chao đảo thị trường tài chính toàn cầu và sàn giao dịch chứng khoán Seoul cũng không ngoại lệ. Chỉ số KOSPI giảm 70,31 điểm, tương đương 2,42% và đóng cửa ở mức 2.839,01 điểm vào ngày 30/11 vừa qua.

Do đó, nếu loại biến thể này trở nên phổ biến hơn thì tác động của nó đối với nền kinh tế Hàn Quốc cũng sẽ tàn khốc hơn. Điều này có thể dẫn đến việc nước này tái áp dụng nhiều biện pháp phong tỏa và giãn cách xã hội nghiêm ngặt hơn trước, từ đó làm gián đoạn chuỗi cung ứng và làm trầm trọng thêm lạm phát…
Ngoài ra, hiện có một chỉ số kinh tế quan trọng khác đang làm dấy lên lo ngại rằng sự phục hồi kinh tế của Hàn Quốc có thể chậm lại trong bối cảnh những thách thức trong và ngoài nước đang gia tăng.

Cơ quan Thống kê Hàn Quốc ngày 30/11 vừa qua cho biết sản lượng công nghiệp của nước này trong tháng 10/2021 đã giảm 1,9% so với tháng trước và là mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 4/2020 với mức 2%.

Điều đáng lo ngại nữa là lĩnh vực sản xuất, trụ cột cho tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc, cũng đã ghi nhận mực giảm trong 4 tháng liên tiếp. Sản lượng sản xuất giảm 3,1% trong tháng 10 so với tháng 9 chủ yếu do sự tắc nghẽn của chuỗi cung ứng toàn cầu. Số ngày làm việc giảm sau những ngày nghỉ lễ cũng góp phần làm giảm sản lượng.
Tờ Thời báo Hàn Quốc đi đến kết luận rằng chính quyền của Tổng thống Moon Jae-in nên huy động tất cả các nguồn lực và biện pháp có thể để ngăn chặn biến thể Omicron xâm nhập vào Hàn Quốc.

Bên cạnh việc nỗ lực hết mình để đảm bảo ổn định kinh tế và tài chính, Chính phủ Hàn Quốc cũng cần tham gia vào các hoạt động ngoại giao tích cực để đối phó với bất kỳ rủi ro địa chính trị nào. 
Hơn bao giờ hết, việc vạch ra các phương án dự phòng để tránh xảy ra những hậu quả khó lường là điều bắt buộc và theo đó, tất cả các ứng cử viên tổng thống cũng nên tập trung thảo luận về cách vượt qua khó khăn và vực dậy nền kinh tế./.

Theo BNews/

Có thể bạn quan tâm