Trang chủ » Xây dựng vùng nguyên liệu lúa gạo đạt chuẩn tại 2 tỉnh An Giang và Kiên Giang

Xây dựng vùng nguyên liệu lúa gạo đạt chuẩn tại 2 tỉnh An Giang và Kiên Giang

bởi unexpress

BNEWS UBND tỉnh An Giang tổ chức Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác về việc phối hợp xây dựng vùng nguyên liệu lúa gạo đạt chuẩn và phát triển liên kết theo chuỗi giá trị tại 2 tỉnh An Giang và Kiên Giang.

Sáng 8/2, tại An Giang, UBND tỉnh An Giang tổ chức Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác về việc phối hợp xây dựng vùng nguyên liệu lúa gạo đạt chuẩn và phát triển liên kết theo chuỗi giá trị trên địa bàn 2 tỉnh An Giang và Kiên Giang với Công ty cổ phần Tập đoàn Tân Long (Tập đoàn Tân Long).
Chương trình hợp tác giữa Tập đoàn Tân Long và 2 tỉnh An Giang, Kiên Giang là bước thực hiện quan trọng cho các mục tiêu lớn của nền nông nghiệp hai tỉnh, bao gồm: phát huy lợi thế của các địa phương có năng lực sản xuất tốt để xây dựng vùng nguyên liệu lúa gạo bền vững theo mô hình hợp tác xã kiểu mới; canh tác có hiệu quả trên quy mô lớn các giống lúa chất lượng cao, từng bước xây dựng thành công thương hiệu gạo quốc gia; gia tăng thu nhập và cải thiện đời sống cho người nông dân.
Phát biểu tại lễ ký kết, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam hoan nghênh Tập đoàn Tân Long đẩy mạnh đầu tư vào nông nghiệp và liên kết hợp tác với 2 tỉnh An Giang, Kiên Giang; đặc biệt là xây dựng vùng nguyên liệu và mô hình hợp tác xã kiểu mới tại hai địa phương. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu 50.000 ha lúa tại An Giang và Kiên Giang đạt quy chuẩn xuất khẩu, được cấp mã số vùng trồng, gắn với doanh nghiệp tiêu thụ.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam khẳng định, việc đầu tư vùng nguyên liệu cùng những chính sách hỗ trợ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng tỉnh An Giang, Kiên Giang đối với doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, xây dựng liên kết sản xuất theo hướng quy mô lớn, hiện đại sẽ giúp xây dựng hình mẫu phát triển mới trong nông nghiệp, từ đó nhân rộng ra vùng Đồng bằng sông Cửu Long cũng như cả nước.
Theo thỏa thuận hợp tác giữa Tập đoàn Tân Long với tỉnh An Giang: Tập đoàn Tân Long tham gia liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa hàng hóa với tổ chức sản xuất quy mô lớn trên địa bàn các huyện Tri Tôn, Tinh Biên, Châu Phú, Châu Thành, Thoại Sơn… để hình thành chuỗi giá trị lúa gạo bền vững, với diện tích canh tác tăng dần qua các năm. Cụ thể, trong năm 2022 đạt 10.000ha, năm 2023 đạt 15.000ha, năm 2024 đạt 20.000ha và năm 2025 đạt 30.000ha.
Ngoài diện tích liên kết trực tiếp, Tập đoàn Tân Long tổ chức thu mua sản lượng lúa ổn định của nông dân trên địa bàn tỉnh An Giang khoảng 100.000 tấn/vụ. Phía UBND tỉnh An Giang tạo điều kiện để Tập đoàn Tân Long tổ chức sản xuất theo kế hoạch tại các vùng nguyên liệu; cùng tham gia tuyên truyền, thiết lập vùng liên kết sản xuất; hỗ trợ xây dựng vùng liên kết sản xuất mẫu…
Thỏa thuận hợp tác giữa Tập đoàn Tân Long với tỉnh Kiên Giang xác định: Phía Tập đoàn Tân Long tham gia liên kết sản xuất và tiêu thụ với tổ chức đại diện nông dân gồm hợp tác xã, tổ hợp tác trên địa bàn tỉnh Kiên Giang trong năm 2022 là 10.000 ha, sản lượng dự kiến 70.000 tấn và đến năm 2025 đạt 30.000 ha với sản lượng dự kiến đạt 150.000 tấn. Ngoài diện tích liên kết, Tập đoàn Tân Long tổ chức phối hợp các hợp tác xã, tổ hợp tác thu mua lúa cho nông dân trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.
Phía tỉnh Kiên Giang tạo điều kiện để Tập đoàn Tân Long tổ chức sản xuất theo kế hoạch tại các vùng nguyên liệu; chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp cùng tham gia tuyên truyền và xây dựng vùng liên kết sản xuất, tiêu thụ theo kế hoạch, phát triển các hợp tác xã, tổ hợp tác tại vùng nguyên liệu, chú trọng nằm trong vùng nguyên liệu liên kết tiêu thụ của Tập đoàn Tân Long; chỉ đạo tăng cường các hoạt động về khuyến nông, ứng dụng công nghệ cao, xây dựng điểm trình diễn…tại các điểm có sự tham gia của Tập đoàn Tân Long….
Phát biểu tại lễ ký kết, ông Trương Sỹ Bá – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Tân Long khẳng định, kế hoạch xây dựng vùng nguyên liệu lúa gạo đạt chuẩn và phát triển liên kết chuỗi giá trị theo định hướng mô hình hợp tác xã kiểu mới được đánh giá là cơ hội thuận lợi giúp người trồng lúa đảm bảo được đầu ra nhờ cơ chế nông dân canh tác theo đơn đặt hàng và định hướng thị trường từ doanh nghiệp. Từ đó, giúp giảm chi phí vật tư nông nghiệp đầu vào; ứng dụng đồng bộ công nghệ – khoa học kỹ thuật tạo nên những cánh đồng thông minh và sản phẩm lúa gạo đạt chất lượng tốt nhất nhờ hệ thống xử lý sau thu hoạch hiện đại. Đây là những điều kiện quan trọng giúp tạo nên những sản phẩm gạo sạch, truy suất nguồn gốc, giá trị cao và từ đó gia tăng lợi nhuận cho nông dân.
“Hợp tác với tỉnh An Giang và Kiên Giang, Tập đoàn Tân Long ưu tiên canh tác quy mô lớn các giống lúa giá trị cao như: ST21, ST24, ST25 của tác giả – Thạc sĩ, Kỹ sư Hồ Quang Cua và các giống lúa khác của Viện giống đồng bằng sông Cửu Long theo xu hướng canh tác xanh, canh tác gạo hữu cơ và cận hữu cơ trên cánh đồng lúa – tôm, phù hợp với điều kiện của từng địa phương cụ thể nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ xuất khẩu và nội địa, từng bước hình thành thương hiệu gạo quốc gia”, ông Trương Sỹ Bá, phát biểu tại lễ ký kết thỏa thuận hợp tác./.
Theo BNews/

Có thể bạn quan tâm