Trang chủ » Xây dựng đô thị thông minh Tp. Hồ Chí Minh – Bài 1: Dấu ấn trong tâm dịch

Xây dựng đô thị thông minh Tp. Hồ Chí Minh – Bài 1: Dấu ấn trong tâm dịch

bởi unexpress

BNEWS Sau 3 năm triển khai Đề án đô thị thông minh, Tp. Hồ Chí Minh đã đạt nhiều kết quả tích cực.

Đặc biệt, trong giai đoạn vừa qua, các ứng dụng công nghệ đã góp phần quan trọng trong điều hành, phòng chống dịch COVID-19. Hiện thành phố đã phê duyệt bổ sung Đề án với Chương trình triển khai đề án xây dựng Tp. Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh đến năm 2025.

Thời gian qua, thành phố cũng đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch để triển khai, thúc đẩy xây dựng đô thị thông minh như Chương trình chuyển đổi số; Nghiên cứu và phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) giai đoạn 2020 – 2030; Chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và sản phẩm công nghệ thông tin – truyền thông 2020 – 2030. Đây là những chương trình quan trọng được thành phố rất kỳ vọng; trong đó, mong muốn đưa AI trở thành công cụ cốt lõi, nền tảng để thực hiện chuyển đổi số và xây dựng đô thị thông minh.
Bài 1: Dấu ấn trong tâm dịch
Được ban hành từ cuối năm 2017, Đề án xây dựng Tp. Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017 – 2020 đã đạt nhiều kết quả tích cực.

Nhiều địa phương như quận 12, thành phố Thủ Đức cũng như một số ngành giao thông, y tế, giáo dục, môi trường… đã ứng dụng nhiều giải pháp công nghệ giúp nâng cao hiệu quả quản lý. Trong năm 2021, nền tảng công nghệ đã giúp Thành phố giải quyết nhiều bài toán trong phòng chống dịch COVID-19.
* Điểm sáng phòng chống dịch
Đề án xây dựng Tp. Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017 – 2020, tầm nhìn 2025, được triển khai với 4 trụ cột chính: Kho dữ liệu dùng chung và hệ sinh thái dữ liệu mở; Trung tâm điều hành đô thị thông minh; Trung tâm mô phỏng và dự báo kinh tế – xã hội; Trung tâm an toàn an ninh thông tin. Từ nền tảng bước đầu này, các đơn vị đã nhanh chóng ứng dụng công nghệ vào phòng chống dịch thời gian qua.

Cụ thể, Tp. Hồ Chí Minh đã triển khai Hệ thống thông tin An toàn COVID áp dụng mã QR; xây dựng Cổng thông tin COVID-19 và hệ thống bản đồ số COVID-19 phục vụ cộng đồng theo dõi trực quan thông tin dịch tễ; thiết lập, vận hành, triển khai kết nối Hội nghị trực tuyến phục vụ công tác chỉ đạo điều hành phòng, chống dịch.

Nổi bật là Tổng đài 1022 của thành phố trong thời điểm chống dịch được mở rộng 7 kênh bao gồm các kênh tư vấn chăm sóc sức khỏe cho người dân phòng, chống bệnh COVID-19 và các kênh tiếp nhận phản ánh liên quan phòng chống dịch. Hệ thống tổng đài của Trung tâm cấp cứu 115 được mở rộng kịp thời, đáp ứng kịp thời nhu cầu hỗ trợ cấp cứu trong tình hình dịch căng thẳng…
Theo ông Lê Quốc Cường, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Tp. Hồ Chí Minh, Tổng đài 1022 đã mở rộng 7 kênh với ứng dụng AI trong giai đoạn dịch bệnh căng thẳng nhất. Các kênh này tiếp nhận hơn 80.000 cuộc gọi/ ngày; tỷ lệ đáp ứng khoảng trên 70%.

Trung tâm ứng cứu khẩn cấp 113 – 114 – 115, mỗi ngày tiếp nhận hơn 4.000 cuộc gọi; bản đồ COVID-19 với 218 triệu lượt truy cập. App Y tế Hồ Chí Minh phục vụ khai báo y tế, giám sát, truy vết phục vụ phòng chống dịch được triển khai tại hơn 26.000 đơn vị, với gần 46 triệu tờ khai.
Đặc biệt, trong giai đoạn giãn cách xã hội, Sở Giao thông Vận tải Tp. Hồ Chí Minh cũng đã nhanh chóng xây dựng phần mềm thực hiện công tác cấp Giấy ưu tiên phương tiện có mã QR.

Đây là mô hình đầu tiên được triển khai, sau đó được Bộ Giao thông Vận tải mở rộng, triển khai áp dụng trên toàn quốc. Điều này giúp tạo luồng xanh đường bộ và đường thủy cho vận chuyển hàng hóa thiết yếu, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, đảm bảo lưu thông trong nội đô và vận tải liên tỉnh thông suốt.
Ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Tp. Hồ Chí Minh cho biết, đối mặt với vô vàn khó khăn trong năm 2021, các đơn vị đã cùng chung sức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách triển khai chủ đề năm, tiếp tục thực hiện các chương trình, kế hoạch, đề án và tập trung công tác phòng, chống dịch COVID-19.

“Những khó khăn chồng chất do đại dịch COVID-19 cũng là bối cảnh khách quan đòi hỏi và đồng thời là nhu cầu tự thân càng phải thúc đẩy chuyển đổi số, xây dựng đô thị thông minh trên địa bàn Thành phố”, ông Thắng chia sẻ.
* Đa dạng các lĩnh vực
Trong nhiệm kỳ 2020 – 2025, Tp. Hồ Chí Minh đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) hằng năm đạt từ 8 – 8,5%; tỷ lệ đóng góp năng suất tổng hợp (TFP) vào GRDP bình quân hàng năm là 35% trở lên… Tuy nhiên, do dịch COVID-19 nên mục tiêu bị ảnh hưởng.

Tp. Hồ Chí Minh có mật độ dân số lớn, với nhiều thách thức. Với công nghệ và phương pháp truyền thống, việc giải quyết các thách thức gặp nhiều hạn chế.

Đề án đô thị thông minh đã và đang giúp các ngành, địa phương triển khai ứng dụng mạnh mẽ các giải pháp công nghệ để từng bước tháo gỡ những vướng mắc trong các lĩnh vực, nhất là trong giai đoạn vừa đảm bảo phòng, chống dịch vừa phục hồi và phát triển kinh tế.
Phó Chủ tịch UBND Tp. Hồ Chí Minh Dương Anh Đức cho biết, thành phố xây dựng đô thị thông minh gắn với phát triển bền vững là mục tiêu để nâng câng cao hiệu quả đầu tư, duy trì mức sống tốt hơn, cung cấp dịch vụ tốt hơn cho người dân, giảm ô nhiễm môi trường và nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước.
Theo đó, chính quyền thành phố đã ban hành nhiều chương trình và kế hoạch, tập trung vào 9 lĩnh vực ưu tiên phát triển: cải cách hành chính gắn với xây dựng chính quyền điện tử; giao thông; chống ngập; môi trường; y tế, dịch vụ sức khỏe cộng đồng; an toàn thực phẩm; an ninh trật tự, an toàn xã hội; chỉnh trang đô thị, đồng thời đảm bảo bền vững về mặt môi trường và nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo.
Trong chương trình chuyển đổi số, xây dựng đô thị thông minh, Tp. Hồ Chí Minh đã triển khai nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của thành phố kết nối chính thức nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu Quốc gia về Kho dữ liệu dùng chung. 

Hiện hơn 900 đơn vị trên địa bàn Thành phố đã liên thông văn bản điện tử &n
bsp;thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu. Các lĩnh vực giao thông, y tế, giáo dục đào tạo, môi trường, quy hoạch đô thị, an ninh trật tự cũng triển khai nhiều ứng dụng phục vụ chuyên môn và cung cấp dịch vụ cho người dân.
Trong số đó, ngành giao thông vận tải đang ứng dụng nhiều công nghệ trong giải quyết các vấn đề quản lý, nhất là sử dụng camera để giám sát vi phạm giao thông; điều khiển hệ thống đèn tín hiệu giao thông; giảm ùn tắc giao thông…
Một trong những ứng dụng mới nhất là bảng điện tử thông báo xe vi phạm tốc độ vừa đưa vào sử dụng đầu năm 2022, trên các tuyến đường trọng yếu như khu vực hầm sông Sài Gòn, Quốc lộ 1, Quốc lộ 22, cầu Phú Mỹ, đường Nguyễn Văn Linh…
Các bảng điện tử sẽ thông báo cho tài xế về vi phạm, đồng thời dữ liệu do máy đo tốc độ ghi nhận sẽ chuyển qua hệ thống của cảnh sát giao thông để tiến hành các biện pháp xử lý.
Theo ông Đoàn Văn Tấn, Giám đốc Trung tâm Điều hành giao thông đô thị Tp. Hồ Chí Minh, Trung tâm hiện quản lý gần 1.000 camera giám sát; trong đó, hơn 100 camera đo đếm lưu lượng, vận tốc xe chạy trên đường.

Dữ liệu từ hệ thống này kết nối và chia sẻ với Công an Thành phố, các quận, huyện… để tăng sự giám sát giao thông, an ninh trật tự.

Thời gian tới, đơn vị tiếp tục khảo sát và dự kiến đề xuất lắp đặt bảng điện tử tại các điểm kiểm soát tải trọng xe. Việc lắp đặt các bảng điện tử giúp tuyên truyền, cảnh báo lái xe tuân thủ tốt hơn khi đi đường.
Tại thành phố Thủ Đức, Khu đô thị sáng tạo phía Đông này được quy hoạch thành 8 trung tâm tương lai với mục tiêu phát triển bền vững, nghĩa tình, kết nối, đô thị sáng tạo. Hiện “thành phố trẻ” này đã xây dựng 1 số dự án của Đề án phát triển thành đô thị thông minh.
Ông Nguyễn Kỳ Phùng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Thủ Đức cho biết, Pha 1 của Đề án là các hệ thống phân tích dữ liệu kinh tế xã hội; giám sát giải quyết thủ tục hành chính, tiếp nhận phản ánh của người dân; quản lý văn bản điện tử; giám sát thông tin mạng xã hội.

Đặc biệt, Thủ Đức đẩy mạnh phát triển hệ thống dữ liệu trên nền GS để phục vụ quản lý nhà nước, chống dịch thời gian vừa qua. Pha 2 sẽ là Trung tâm điều hành thông minh, với mục tiêu cập nhật tất cả các dữ liệu thô và mở rộng dữ liệu, xây dựng phần mềm chuyên ngành, thiết lập các công cụ nhập liệu tự động hỗ trợ ra quyết định của địa phương.
“Một số dự án đã viết hoàn chỉnh và trình UBND Tp. Hồ Chí Minh để triển khai như trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp, xúc tiến đầu tư và phát triển khoa học công nghệ; trung tâm tính toán hiệu năng cao; xây dựng Công viên phần mềm Quang Trung tại Thủ Đức; phát triển mạng viễn thông 5G. Để phát triển thành đô thị thông minh, Thủ Đức cần một số cơ chế đặc thù, phân cấp phân quyền để thực hiện tốt hơn”, ông Nguyễn Kỳ Phùng chia sẻ.
Tp. Hồ Chí Minh xác định tầm nhìn là phát triển bền vững trên nền tảng khai thác hiệu quả nhất các nguồn lực, với người dân là trung tâm của đô thị; trong đó, người dân sẽ được phục vụ tốt hơn, có chất lượng sống và làm việc tốt hơn; tương tác và giám sát chính quyền hiệu quả.

Việc người dân được phục vụ tốt hơn cũng gắn liền với mở rộng không gian sống và làm việc, từ không gian vật lý đến không gian số./.
Xem thêm:
>>>Bài 2: Chuyển dần sang chính quyền số

Theo BNews/

Có thể bạn quan tâm