BNEWS Chỉ còn chưa đầy 2 tháng nữa là kết thúc năm 2021, các doanh nghiệp đang căng sức, làm việc hết mình để bù đắp cho tổn thất trong những tháng qua.
Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ ban hành ngày 11/10/2021 về quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” và Nghị quyết 406/NQ-UBTVQH15 ngày 19/10/2021 của Ủy ban Thường Vụ Quốc Hội về một số giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch COVID-19 được đông đảo người dân, giới chức, các chuyên gia kinh tế cùng cộng đồng doanh nghiệp đánh giá là chủ trương đúng đắn, quyết sách sáng tạo và kịp thời đem lại những hiệu ứng tích cực.
Là nhóm ngành hàng sử dụng nhiều lao động, ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết, các Hiệp hội doanh nghiệp đều rất phấn khởi đối với những Nghị quyết này. Bởi hơn lúc nào hết, nếu không có sự phản ứng kịp thời để nền kinh tế chuyển đổi sang giai đoạn bình thường mới và các doanh nghiệp bắt tay ngay vào sản xuất kinh doanh thì e rằng sẽ muộn.
Theo ông Cẩm, số liệu thống kê của VITAS cho thấy, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam 9 tháng năm 2021 ước đạt 29 tỷ USD, tăng 13,2% so với cùng kỳ năm 2020 và giảm 0,04% so với cùng kỳ năm 2019; trong đó, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực là hàng may mặc đạt 21,7 tỷ USD, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2020 và giảm 5,4% so với cùng kỳ năm 2019; xuất khẩu vải đạt 1,8 tỷ USD, tăng 37,4%; xuất khẩu xơ sợi đạt 4 tỷ USD, tăng 56,2%; xuất khẩu vải không dệt đạt 557 triệu USD, tăng 77,3%; xuất khẩu phụ liệu dệt may đạt 921 triệu USD, tăng 21,8%.
Tổng kim ngạch nhập khẩu nguyên, phụ liệu trong 9 tháng năm 2021 ước đạt 18 tỷ USD, tăng 27,9% so với cùng kỳ năm 2020 và tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2019. Như vậy, ngành may mặc vẫn đảm bảo xuất siêu trong 9 tháng qua với mức 11 tỷ USD.
Tuy nhiên, dự báo những tháng cuối năm 2021 là khoảng thời gian rất khó khăn đối với ngành dệt may. Nguy cơ cao nhất là khả năng đứt gãy chuỗi cung ứng do khách hàng chuyển đơn hàng đi nơi khác. Cùng với đó, nguy cơ thiếu nguồn nhân lực bởi người lao động về quê tránh dịch, chưa thể quay trở lại làm việc nên mục tiêu năm 2021 đạt mức thực hiện 39 tỷ USD như năm 2019 sẽ rất khó khăn.
Để tháo gỡ những khó khăn hiện nay, ông Cẩm đề xuất cần sự phối hợp chặt chẽ giữa doanh nghiệp và chính quyền địa phương trong thực hiện các phương án chống dịch và sản xuất để thực hiện mục tiêu kép cũng như chủ trương “sống chung an toàn với dịch để phục hồi kinh tế” của Chính phủ.
Đại diện VITAS cũng cho hay, cùng với các Hiệp hội, VITAS sẽ tiếp tục kiến nghị và đóng góp ý kiến để thúc đẩy nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, cải thiện các cơ chế chính sách tạo thuận lợi thương mại, từ đó hỗ trợ tích cực cho sự phát triển của doanh nghiệp ngành dệt may theo hướng ổn định và bền vững.
Từ thực tiễn của doanh nghiệp, ông Lý Văn Sơn, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nông trại sinh thái ECOFARM cho biết, trong thời gian 19 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam đồng loạt thực hiện Chỉ thị 16/CT-CP của Thủ tướng Chính phủ, doanh nghiệp được cấp code luồng xanh nên hàng hóa của ECOFARM vẫn lưu thông dễ dàng.
Thời gian đó, ECOFARM thu hoạch nông sản như: cải xanh, cải ngọt, bông súng, khổ qua, dưa leo, dưa lê,… từ các hội quán Đồng Tháp, Kiên Giang, Long An để cung cấp cho thành phố Hồ Chí Minh 10 tấn rau, củ, quả các loại, với giá bình ổn 10.000 đồng/kg.
Hiện nay, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP và mới đây nhất là Nghị quyết 406/NQ-UBTVQH15 của Quốc Hội về một số giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch COVID-19 nên tỉnh Kiên Giang cùng các địa phương như: Đồng Tháp, Long An… đã nghiêm túc thực thi, gỡ bỏ các chốt chặn, rào chắn, tạo điều kiện cho phương tiện vận tải lưu thông, vận chuyển hàng hóa từ các địa phương này được tiêu thụ tốt hơn.
Bên cạnh đó, tỉnh Kiên Giang cũng đã tiêm phủ vaccine mũi 1 cho toàn bộ người dân trong tỉnh, giúp người lao động và doanh nghiệp thích ứng với tình hình mới, khôi phục sản xuất, phát triển kinh tế – xã hội trong những tháng cuối năm 2021.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, nơi được coi là tâm dịch COVID-19 trong những tháng vừa qua, ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội các Doanh nghiệp Khu công nghiệp Tp.Hồ Chí Minh cho biết, Nghị quyết 128 được ban hành ngay vào thời điểm quan trọng nên đáp ứng kịp thời những nguyện vọng, mong mỏi của người dân và doanh nghiệp khi áp lực kinh tế ngày càng đè nặng lên cuộc sống người dân.
Với tinh thần thống nhất về tư duy, nhất quán về hành động và giải pháp trong thực tiễn theo Nghị quyết 128 đã và đang dần khắc phục những vấn đề bất cập, sự thiếu nhất quán giữa các địa phương, các cấp, ngành trong triển khai các giải pháp hỗ trợ khẩn cấp giúp doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi sản xuất kinh doanh và người dân sớm ổn định cuộc sống.
Nghị quyết 128 của Chính phủ và Nghị quyết 406 của Quốc hội đều thể hiện tinh thần giao sự chủ động cho các ngành, địa phương, khu công nghiệp tự triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh.
Theo đó, phải đảm bảo vừa an toàn sức khỏe, tính mạng và của cải vật chất của người dân, người lao động và doanh nghiệp vừa duy trì, giữ nhịp cho các hoạt động kinh tế và an sinh xã hội.
Chỉ khi nào được giao quyền là chủ thể, người dân và doanh nghiệp mới có thể chủ động thích ứng và linh hoạt ứng phó để vượt qua dịch bệnh.
Theo ông Bé, không ai có thể hiểu được tình hình và phòng, chống dịch tốt nhất, rõ ràng và hiệu quả nhất hơn những người ở cơ sở.
Tất cả 18 khu chế xuất, khu công nghiệp công nghệ cao ở Tp.Hồ Chí Minh đều đang triển khai Nghị quyết 128 theo hướng thực hiện 5 hệ thống phòng ngự.
Cụ thể, tiếp tục xây dựng ý thức tự giác cho người dân và người lao động; xây dựng cho họ kỹ năng sống và thói quen trong thực hiện 5K ở mọi nơi, mọi lúc, trong gia đình và ngoài xã hội; tiêm vaccine phòng dịch; xây dựng các khu thu dung qua sự đầu tư vốn của chính quyền và các nhà đầu tư nước ngoài; xây dựng các khu cư xá, ký túc xá tại các nhà máy, doanh nghiệp để tạo điều kiện nơi ăn, chốn ở an toàn cho người lao động…
Hơn 800 nhà máy
đã đóng cửa trước đây thì nay đã quay trở lại và thu nhận công nhân; 700 nhà máy thực hiện “3 tại chỗ” cũng đã mở rộng sản xuất và thu nhận thêm người lao động.
“Chúng tôi đang yêu cầu các doanh nghiệp tích cực ứng dụng công nghệ để chuyển đổi số và nhanh chóng trở thành các doanh nghiệp số. Có như vậy, việc tham gia vào công tác phòng, chống dịch của doanh nghiệp mới thuận lợi và đạt hiệu quả. Đồng thời, mong muốn các bộ, ngành như Bộ Giao thông Vận Tải, Bộ Công an và chính quyền các địa phương sớm ban hành các quy định để thúc đẩy hoạt động giao thương của cả nước; thông tuyến giao lộ Bắc – Nam giúp thông thương đường ra bến cảng, bến tàu, đường đón nhận nguyên phụ liệu từ khắp nơi… Để thực hiện đúng tinh thần của Nghị quyết 128, các cấp, ngành và địa phương cũng phải thống nhất việc triển khai, tránh tình trạng mỗi nơi, mỗi chỗ lại có cách hiểu khác nhau, cách làm khác nhau dẫn tới nhiều bất cập và hệ lụy…”.
Chỉ còn chưa đầy 2 tháng nữa là kết thúc năm 2021, các doanh nghiệp đang căng sức, làm việc hết mình để bù đắp cho tổn thất trong những tháng qua.
Hy vọng rằng, khi đã vượt qua được “cửa tử” của dịch bệnh COVID-19, doanh nghiệp sẽ từng bước phục hồi để vươn lên và phát triển, ông Bé nhấn mạnh./.
Theo BNews/