BNEWS Hoa giấy Phú Sơn không chỉ được bán trong dịp Tết mà nhà vườn đã sản xuất và tiêu thụ quanh năm. Thời gian gần đây, một số nông dân bắt đầu “tập tành” kinh doanh online cho phù hợp với xu hướng.
Chỉ còn hơn nửa tháng là đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Những ngày giáp Tết, đặt chân tới ấp Lân Đông, xã Phú Sơn, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre – nơi được mệnh danh là vương quốc hoa giấy, sắc hoa giấy rực rỡ đua nhau khoe màu trong nắng, đỏ rực cả một vùng, đẹp và bắt mắt đến mê mẩn, ngỡ ngàng.
Nhiều hộ nông dân cho hay, truyền thống trồng hoa giấy ấp Lân Đông bắt đầu cách đây hơn 20 năm nhưng chỉ 4-5 năm gần đây, nghề trồng hoa giấy được mở mang phát triển với khoảng hơn 100 hộ trồng loại hoa này, sản lượng gần 1 triệu sản phẩm/năm.
Đặc biệt, tại đây đã thành lập được tổ hợp tác sản xuất hoa giấy với 41 hộ tham gia, diện tích khoảng 80.000 m2.
Có thâm niên trồng hoa giấy gần 15 năm, chị Nguyễn Thị Phương giới thiệu, hoa giấy Phú Sơn đa dạng mẫu mã, màu sắc, từ hồng, đỏ, cam, vàng, trắng, tím, từ lá thường đến lá cẩm thạch, kích thước cây từ 0,5 – 1,2m, đáp ứng thị hiếu từng người chơi hoa. Mỗi cây hoa, tùy độ cao có giá khác nhau từ 150.000 – 500.000 đồng tuỳ loại.
Trước kia, mỗi gốc, nông dân chỉ trồng thuần chủng một màu. Tuy nhiên, những năm gần đây, kỹ thuật tay nghề được nâng cao, không chỉ xử lý hoa nở đúng dịp, nhà vườn Phú Sơn đã ghép thành công hoa giấy nhiều màu tam sắc, tứ sắc, ngũ sắc vào cùng một cây.
Đặc biệt, có vườn đã đầu tư các mẫu cây chủ lực được khá nhiều người “săn đón”, ưa chuộng như hoa giấy chuyển sắc (người dân hay gọi là hoa đổi màu), gốc bonsai, gốc kiểng lớn, lâu năm… “Có những cây trồng lâu năm, kiểu dáng bonsai đẹp, giá tới vài chục triệu” – chị Thương nói thêm.
Trồng hơn 1.700 chậu hoa giấy, chị Võ Thị Thành nói, năm nay, thời tiết thuận lợi, hoa nở đẹp khiến nhiều hộ đã bán đắt hàng từ độ đầu tháng Chạp.
Thương lái nhiều nơi như thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh lân cận đổ về mua khá nhiều. Càng gần ngày cuối năm, khắp con đường đều nhộn nhịp sôi nổi với những chuyến xe chở đầy hoa đi các tỉnh gần xa.
Ông Huỳnh Thanh Tâm – Tổ trưởng Tổ Hợp tác sản xuất hoa giấy ấp thông tin, hiện tại, có khoảng 95% hoa giấy tại vườn đã được thương lái đặt hàng.
Cụ thể, tại vườn nhà ông, 1.900/2.000 chậu hoa giấy trên 1.000 m2 vườn nhà đã “chốt bán” từ cuối tháng 11 âm lịch.
Sau những diễn biến dịch COVID-19, tình hình mua bán được như hiện tại, nông dân rất phấn khởi. Song, cả người bán lẫn người mua cũng đều tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch để đảm bảo an toàn.
Ông Tâm giải thích cặn kẽ, để chuẩn bị cho Tết, ngay từ tháng 8, tháng 9, nông dân cho cây lên chậu, sau đó tỉa lá, đọt. Sau khoảng 30 ngày, cây sẽ bắt đầu ra hoa.
Hoa giấy thường nở vào mùa gió chướng (gần Tết) nên khi mua về khách hàng không cần chăm sóc nhiều, hoa cũng sẽ tự nở.
Ngoài ra, so với hoa nở thì cây bông giấy dai sức hơn khi chịu độ mặn lên tới 3‰, càng xiết nước, bông lại càng nở dày và rực rỡ.
Trong những năm gần đây, để chủ động ứng phó với tình hình biến đổi khí hậu, nông dân Phú Sơn đã chuẩn bị sẵn sàng các biện pháp như: sử dụng túi trữ nước, đào ao lót bạt,… để trữ nước ngọt tưới cây.
Theo ông Tâm, hoa giấy Phú Sơn không chỉ được bán trong dịp Tết mà nhà vườn đã sản xuất và tiêu thụ quanh năm. Thời gian gần đây, một số nông dân bắt đầu “tập tành” kinh doanh online.
Cụ thể, người bán chỉ cần chụp hình sản phẩm và đăng lên mạng xã hội, đơn vị giao hàng đến tận vườn hỗ trợ nông dân đóng gói, vận chuyển đến tận tay khách hàng.
Ông Phạm Hoàng Nam – Chủ tịch UBND xã Phú Sơn nói, dịp Tết Nhâm Dần, nếu như hoa nở các loại có xu hướng giảm số lượng thì các nhà vườn trồng hoa giấy ở xã Phú Sơn vẫn duy trì sản xuất, sẵn sàng đưa vào thị trường khoảng 700 nghìn sản phẩm hoa giấy các loại. Tuy giá nguyên liệu, phân bón đầu vào tăng nhưng bà con vẫn giá giữ tương đương so với những năm trước.
“Dù hoa tết chỉ bằng giá năm qua, lợi nhuận ít nhưng những người dân của vương quốc hoa vẫn “vừa lòng đẹp ý” khi hàng tiêu thụ nhiều và nhanh”, ông Phạm Hoàng Nam cho hay.
Hiện tại, xã đang thực hiện thủ tục đăng ký nhãn hiệu hàng hóa hoa giấy Phú Sơn, qua đó khẳng định thương hiệu, có điều kiện pháp lý để bảo vệ uy tín, danh tiếng cho sản phẩm chủ lực tại địa phương.
Mặt khác, chính quyền địa phương đang đẩy mạnh vận động, hướng dẫn các hộ dân trên địa bàn thay đổi tập quán sản xuất theo hướng liên kết, chú trọng chất lượng, áp dụng khoa học kỹ thuật để lai tạo đổi mới mẫu mã sản phẩm,…. đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của thị trường.
Ngoài ra, làng hoa giấy Lân Đông, xã Phú Sơn cũng là một trong bốn điểm nhấn quan trọng trong Đề án không gian Làng Văn hóa du lịch Chợ Lách.
Trên cơ sở đó, địa phương cũng chú trọng phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là các tuyến đường giao thông, vận động người dân vừa sản xuất vừa kết hợp hình thành các điểm dừng chân tham quan, các dịch vụ đi kèm.
Nhìn chung, các nhà vườn sản xuất hoa giấy ven trục đường chính đã có ý thức chỉnh trang, sắp xếp, bố trí cảnh quan đẹp mắt, gọn gàng, sẵn sàng đón tiếp du khách đến tham quan, tìm hiểu – Chủ tịch UBND xã Phú Sơn cho biết./.
Theo BNews/