Trang chủ » Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước tăng gần 20%

Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước tăng gần 20%

bởi unexpress

BNEWS 11 tháng năm 2022, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước ước đạt 445,9 nghìn tỷ đồng, ằbng 74,9% kế hoạch năm và tăng 19,9% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2021 bằng 74% và giảm 7,7%)

Tổng cục Thống kê cho biết, tháng 11/2022, vốn đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước được các bộ, ngành và địa phương nỗ lực tập trung triển khai, thực hiện các dự án, nhằm đạt khối lượng tối đa hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế cả năm. Tính chung 11 tháng năm 2022, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước ước đạt 74,9% kế hoạch, tăng 19,9% so với cùng kỳ năm trước.

Cụ thể, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước tháng 11/2022 ước đạt 58,5 nghìn tỷ đồng, tăng 19,7% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Vốn Trung ương quản lý đạt 10,8 nghìn tỷ đồng, tăng 35,3%; vốn địa phương quản lý 47,7 nghìn tỷ đồng, tăng 16,6%.
Tính chung 11 tháng năm 2022, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước ước đạt 445,9 nghìn tỷ đồng, bằng 74,9% kế hoạch năm và tăng 19,9% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2021 bằng 74% và giảm 7,7%); trong đó, vốn đầu tư thực hiện do Trung ương quản lý ước đạt gần 80 nghìn tỷ đồng, bằng 68,8% kế hoạch năm và tăng 23,2% so với cùng kỳ năm trước.
Vốn đầu tư thực hiện do địa phương quản lý ước đạt gần 365,9 nghìn tỷ đồng, bằng 76,4% kế hoạch năm và tăng 19,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh đạt 242 nghìn tỷ đồng, bằng 72,6% kế hoạch và tăng 17,6% so với cùng kỳ năm 2021. Vốn ngân sách nhà nước cấp huyện đạt 106,5 nghìn tỷ đồng, bằng 83,5% kế hoạch và tăng 25,4%. Vốn ngân sách nhà nước cấp xã đạt 17,4 nghìn tỷ đồng, bằng 95,6% kế hoạch và tăng 7,8%.
Thống kê của Bộ Tài chính cho thấy, 16 bộ, cơ quan Trung ương và 29 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 60%. Một số bộ, cơ quan Trung ương, địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt cao. Tuy nhiên, còn 27 bộ, cơ quan và 18 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 50%; trong đó, có 12 bộ, cơ quan Trung ương và 1 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 30%.
Ngoài các nguyên nhân chung ảnh hưởng đến tiến độ dự án và giải ngân như: Giá cả nguyên vật liệu tăng cao, tình hình thời tiết, vướng mắc trong bồi thường giải phóng mặt bằng…, nhiều địa phương đang lập quy hoạch. Khó khăn khác là một số dự án có thời gian thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế cơ sở và tổng mức đầu tư bị kéo dài do một số hạng mục không thống nhất ý kiến giữa các đơn vị thẩm định…

Để phấn đấu đạt mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công năm 2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 1076/CĐ-TTg ngày 10/11-2022 yêu cầu các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, thủ trưởng các cơ quan khác ở Trung ương, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và đề nghị các đồng chí bí thư tỉnh ủy, thành ủy, chủ tịch HĐND, trưởng đoàn đại biểu Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề cao tinh thần trách nhiệm, tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, kịp thời, hiệu quả hơn việc giải ngân vốn đầu tư công và các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.
Cùng với đó là quyết liệt, chủ động, tích cực, sát sao, cụ thể, thực sự vào cuộc thực chất hơn và theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao hướng dẫn xử lý, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn một cách kịp thời, hiệu quả. Đồng thời, tăng cường tần suất kiểm tra hiện trường để chấn chỉnh ngay các tồn tại, bất cập. Người đứng đầu phải trực tiếp chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công, phân công lãnh đạo phụ trách từng dự án.
Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu tập trung giải quyết công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ tái định cư kịp thời, đúng quy định cho người dân, bảo đảm đúng pháp luật và hài hòa lợi ích của Nhà nước và người dân, đảm bảo nhanh tiến độ thực hiện dự án, nhất là các dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm.
Mặt khác, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công; thực hiện tạm ứng, nghiệm thu, thanh toán, thu hồi tạm ứng vốn đầu tư theo đúng quy định và ngay khi có khối lượng. Cùng đó, chủ động rà soát điều chuyển vốn theo thẩm quyền giữa các dự án chậm giải ngân sang các dự án có khả năng giải ngân tốt hơn, có nhu cầu bổ sung vốn theo quy định. Đồng thời, đẩy nhanh công tác thẩm định, phê duyệt dự án, tăng cường công tác hậu kiểm trong giải ngân vốn đầu tư công./.

Theo BNews/

Có thể bạn quan tâm