Tính chung cả năm 2021, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội theo giá hiện hành tăng 3,2% so với năm trước; trong đó, vốn khu vực Nhà nước chiếm 24,7% tổng vốn, giảm 2,9%; khu vực ngoài Nhà nước chiếm 59,5%, tăng 7,2%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chiếm 15,8%, giảm 1,1%.
“Đây là mức tăng thấp nhất trong nhiều năm qua nhưng là kết quả khả quan trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trong nước và trên thế giới”, lãnh đạo Tổng cục Thống kê nhận định.
Trong vốn đầu tư của khu vực Nhà nước, vốn thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước ước tính đạt 423,6 nghìn tỷ đồng, bằng 84,3% kế hoạch năm và giảm 8,6% so với năm trước (năm 2020 bằng 90,5% và tăng 33,6%). Trong đó, vốn trung ương quản lý đạt 72,4 nghìn tỷ đồng, bằng 81,2% kế hoạch năm và giảm 8,2% so với năm trước; vốn địa phương quản lý đạt 351,2 nghìn tỷ đồng, bằng 85% và giảm 8,7%.
Theo số liệu của Bộ Tài chính, dự kiến giải ngân đến 31/12/2021 đạt 77,3% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ năm 2020 đạt 82,66%); trong đó, vốn trong nước đạt 83,66% (cùng kỳ năm 2020 đạt 87,12%), vốn nước ngoài đạt 26,77% (cùng kỳ năm 2020 đạt 46,06%).
Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 còn chậm. Mặc dù, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thường xuyên chỉ đạo sát sao, quyết liệt thúc đẩy giải ngân đầu tư công, nhưng thực tế cho thấy, để giải ngân đạt kết quả tốt, cần có sự chủ động vào cuộc của người đứng đầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương.
Tại cuộc họp gần đây về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, các địa phương phải nỗ lực làm ngày làm đêm, với mục tiêu là đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành các công trình, phát huy hiệu quả vốn đầu tư.
“Phải phấn đấu giải ngân ở mức cao nhất, nhưng không chạy theo chỉ tiêu mà buông lỏng, để xảy ra sai phạm”, Phó thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh.
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, cùng với việc quyết nghị phần vốn đầu tư công cho năm 2022, Quốc hội cũng đã có những “ràng buộc” rất rõ ràng về tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trong năm tới. Do đó, năm 2022, việc đốc thúc giải ngân vốn đầu tư công sẽ quyết liệt hơn nhiều.
Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, việc dự án không giải ngân hết dẫn đến bị thu hồi vốn là rất đáng tiếc và gây nhiều hệ lụy mà địa phương phải giải quyết. Trong trường hợp bị thu hồi vốn về, để dự án không bị dở dang, địa phương sẽ phải dùng dự toán năm 2022 của dự án khác để bố trí hoặc phải cắt giảm dự án khởi công mới khác. Địa phương phải rất lưu ý để tập trung, quyết liệt giải ngân trong thời gian còn lại của năm.
Về phía Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục rà soát các quy định pháp luật liên quan đến thủ tục về đầu tư công, thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công còn bất cập để kịp thời sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định, nhất là quy định về xây dựng, đất đai, tài nguyên…
Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho các dự án đầu tư và Tổ công tác đặc biệt về giải ngân đầu tư công tại các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương cũng tiếp tục nắm tình hình, bám sát thực tiễn, đẩy mạnh giám sát, kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo xử lý kịp thời các khó khăn vướng mắc, bất cập trong thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công…
Theo Báo Tin Tức