Trang chủ » VN-Index phục hồi từ mức thấp nhất 2 năm qua

VN-Index phục hồi từ mức thấp nhất 2 năm qua

bởi unexpress

Chỉ số VN-Index tăng 2% trong tháng 11 sau khi chạm mức thấp nhất trong 2 năm. Tâm lý thị trường tiếp tục bị ảnh hưởng mạnh trong nửa đầu tháng 11 khi NĐT gia tăng lo ngại về triển vọng doanh nghiệp, do ảnh hưởng tiêu cực từ môi trường lãi suất cao hơn, tỷ giá tăng, kinh tế toàn cầu chững lại, tác động của việc thực thi các quy định mới trong phát hành trái phiếu doanh nghiệp lên lĩnh vực bất động sản và nền kinh tế nói chung và ảnh hưởng từ các cuộc điều tra của cơ quan chức năng tại một số doanh nghiệp.

Chỉ số VN-Index đã giảm xuống 912 điểm – mức thấp nhất trong 2 năm (-11,3% tính từ đầu tháng 11) vào ngày 15/11, trước khi hồi phục trở lại trong nửa cuối tháng nhờ lực cầu bắt đáy và lực mua ròng của khối ngoại. Chỉ số VN-Index đóng cửa tháng 11 ở mức 1.048 điểm, tăng 2% so với tháng trước, kết thúc chuỗi giảm kéo dài 2 tháng. Tuy nhiên, từ đầu năm đến hết tháng 11, chỉ số VN-Index vẫn giảm mạnh 30,0%, diễn biến kém tích cực hơn các thị trường lân cận như JCI của Indonesia (+7,6%), SET của Thái Lan (-1,3%) và PCOMP của Philippines (-4,8%).

Nhóm Chứng khoán/Đầu tư phục hồi sau khi giảm mạnh trong tháng 10. Nhóm Chứng khoán/Đầu tư tăng 7,9% trong tháng 11 sau khi giảm mạnh 24,5% trong tháng 10. Đà phục hồi của nhóm này được dẫn dắt bởi SSI (+18,1%), VND (+18,3%) và HCM (+7,1%). Theo sau là nhóm Ngân hàng (+6,1%), với sự dẫn dắt của VCB (+10,2%), BID (+19,0%) và CTG (+10,8%). Nhóm Tiêu dùng thiết yếu (+5,2%) xếp thứ ba, được hỗ trợ bởi MSN (+19,3%) và VNM (+5,5%). Ngược lại, nhóm Tiêu dùng không thiết yếu (-7,5%) giảm mạnh nhất, chủ yếu do MWG (-14,5%).

Giá trị giao dịch gần như đi ngang so với tháng trước. Giá trị giao dịch trung bình ngày (GTGD TB) trên tổng cả 3 sàn đạt 525 triệu USD, gần như không đổi so với tháng 10. GTGD TB trên tổng 3 sàn trong 11 tháng 2022 đã giảm 20.7% YoY, còn 829 triệu USD, trong đó GTGD TB của HSX giảm 17.5% YoY đạt 704 triệu USD.

Khối ngoại mua ròng mạnh nhất kể từ tháng 5/2018. NĐT nước ngoài quay trở lại mua ròng 644 triệu USD trên sàn HSX và 628 triệu USD trên tổng cả 3 sàn trong tháng 11. Các cổ phiếu được mua ròng nhiều nhất trong tháng bao gồm VHM (+69,6 triệu USD), STB (+53,2 triệu USD), KDH (+47,2 triệu USD) và HPG (+44,2 triệu USD). Trong khi đó, khối ngoại bán ròng nhiều nhất các cổ phiếu HPX (-13,2 triệu USD), NVL (-5,7 triệu USD) và DXG (-5,5 triệu USD). Trong 11 tháng 2022, NĐT nước ngoài đã mua ròng 559 triệu USD trên sàn HSX, trong khi chỉ số JCI của Indonesia và SET của Thái Lan cùng được mua ròng 5,6 tỷ USD. Ngược lại, chỉ số PCAMP của Philippines bị khối ngoại bán ròng 1,1 tỷ USD trong 11 tháng năm 2022.
 
Nhận định về triển vọng, các chuyên gia phân tích của công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC) nhận định, sự chững lại của kinh tế toàn cầu đã được phản ánh trong dữ liệu kinh tế gần đây của Việt Nam, với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu chậm lại trong 3 tháng qua (xuất khẩu giảm 8,6% YoY trong tháng 11). Trong khi đó, chỉ số PMI ngành Sản xuất tại Việt Nam theo công bố của S&P Global giảm xuống 47,4 điểm trong tháng 11, kết thúc chuỗi 13 tháng tăng trưởng liên tiếp, với sự sụt giảm được ghi nhận trong lượng đơn hàng mới (đặc biệt là đơn hàng xuất khẩu), sản lượng, việc làm và hoạt động mua hàng.

Dữ liệu vĩ mô kém khả quan cho thấy kết quả kinh doanh các kỳ tiếp theo của doanh nghiệp có thể bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, đợt bán mạnh trên thị trường gần đây đã khiến định giá của Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn với P/E trượt của VN-Index đạt 11,0 lần vào cuối tháng 11 so với PCOMP của Philippines là 15,7 lần, SET của Thái Lan là 15,3 lần và JCI của Indonesia là 13,7 lần.

Có thể bạn quan tâm