Trang chủ » VN-Index giảm điểm, nhưng thanh khoản trên sàn HOSE tăng mạnh với hệ thống giao dịch mới

VN-Index giảm điểm, nhưng thanh khoản trên sàn HOSE tăng mạnh với hệ thống giao dịch mới

bởi unexpress

Sau khi giảm xuống dưới mốc 1.400 điểm vào phiên giao dịch sáng nay, chỉ số VN-Index đã dần phục hồi trong phiên chiều và đóng cửa giảm 0,6% trong khi phiên giao dịch đầu tiên với hệ thống mới của sàn HOSE đã giúp thanh khoản tăng vọt lên 1,22 tỷ USD.

Cổ phiếu đáng chú ý:
  • GAS (-4,8%) giảm xuống mức thấp nhất trong 3 tuần và là mã lấy đi nhiều điểm giảm nhất trong phiên.
  • VRE (-6,7%) giảm sàn trong khi công ty mẹ VIC (-1,1%) giảm xuống mức thấp nhất trong 3 tháng qua.
  • Các mã giảm đáng chú ý khác bao gồm NVL (-3,4%), HPG (-2,1%) và MSN (-2,0%).
  • Một số ngân hàng có mức tăng đáng kể bao gồm TCB (+6,8%), ACB (+5,1%), STB (+3,5%) và TPB (+4,1%). Ngược lại, VCB (-1,1%) và CTG (-1,1%) giảm điểm.
  • MWG (+6,2%) đã tăng gần 16% trong 6 phiên giao dịch gần nhất.

Tín hiệu kỹ thuật ngắn hạn của VNMidcap và VNSmallcap tạm chuyển xuống mức Trung tính trong khi tín hiệu của các chỉ số còn lại vẫn giữ ở mức Tích cực với một cảnh báo suy yếu xuất hiện tại VN-Index khi chỉ số này đóng cửa dưới đường MA5 ngày. Dự báo trong phiên ngày mai, đà hồi phục cuối ngày 5-7 có thể tạo quán tính cho thị trường xuất hiện nhịp tăng sớm để VN-Index, VNMidcap hay VNSmallcap kiểm định các hỗ trợ vừa đánh mất, đối với VN-Index đó là đường MA5 và đỉnh cũ tại vùng 1415-1420 điểm.

Áp lực bán có thể gia tăng trở lại sau đó và tạo ra những sự giằng co và phân hóa cho thị trường. Nếu VN-Index có thể đóng cửa trên mốc 1415-1420 điểm, chỉ số này sẽ củng cố lại đà tăng để hướng lên kháng cự mạnh tại 1480 điểm. Ngưỡng lại, nếu không thể vượt qua mốc 1415 điểm, VN-Index có thể sẽ thoái lui để kiểm định hỗ trợ MA10 tại 1400 điểm, thậm chí là MA20 tại 1380 điểm. Hiện tại, chiến lược nắm giữ các mã “khỏe” vẫn được chúng tôi khuyến nghị.

Thông tin doanh nghiệp

HĐQT của BWE đã phê duyệt kế hoạch mua thêm cổ phần tại CTCP Cấp nước Gia Tân (GIWACO)

* CTCP Nước – Môi trường Bình Dương (BWE) thông báo rằng HĐQT đã thông qua kế hoạch tăng tỷ lệ sở hữu của công ty tại GIWACO từ 12% lên hơn 30%. Ngoài ra, BWE sẽ tham gia vào đợt phát hành cổ phiếu mới của GIWACO. Cụ thể, GIWACO sẽ phát hành 10 triệu cổ phiếu mới cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn cổ phần từ 100 tỷ đồng lên 200 tỷ đồng (8,7 triệu USD). Giá chào bán là 10.000 đồng/CP và phương thức thực hiện là phát hành quyền mua theo tỷ lệ 1:1.

* Chúng tôi cho rằng công ty cấp nước chưa niêm yết này có tiềm năng nhờ nhu cầu nước sạch cao tại Khu đô thị Dầu Giây, tỉnh Đồng Nai, giáp ranh với tỉnh Bình Dương. GIWACO có công suất thiết kế hiện tại là 20.000 m3/ngày và đặt mục tiêu đạt 50.000 m3/ngày trong năm 2025. Ngoài ra, GIWACO đã đặt kế hoạch cho năm 2021 với doanh thu đạt 10 tỷ đồng (+163,2% YoY) và lỗ ròng 35 tỷ đồng so với khoản lỗ ròng 20 tỷ đồng vào năm 2020. Công ty cũng đặt kế hoạch lợi nhuận cho giai đoạn 2021-2025, trong đó đặt mục tiêu có lãi vào năm 2024.

* Chúng tôi hiện có khuyến nghị KHẢ QUAN cho BWE với giá mục tiêu là 33.700 đồng/CP, tương ứng tổng mức sinh lời dự phóng là 0%, bao gồm lợi suất cổ tức 3,5%.

—————————————-

Chủ tịch HĐQT của VCB và CTG đều từ nhiệm để chuyển sang đảm nhận vị trí Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang và Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre

* Ngày 03/07/2021, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCB) và Ngân hàng TMCP Công thương (CTG) công bố ông Nghiêm Xuân Thành – Chủ tịch HĐQT của VCB – và ông Lê Đức Thọ – Chủ tịch HĐQT của CTG – đã thôi giữ chức vụ của họ tại 2 ngân hàng này, sau khi Bộ Chính trị đã phân công ông Nghiêm Xuân Thành giữ chức danh Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang và ông Lê Đức Thọ giữ vị trí Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre.

* Trước đó, ông Nghiêm Xuân Thành và ông Lê Đức Thọ được bầu vào vị trí Ủy viên Trung ương Đảng vào cuối tháng 01/2021.

* Thông báo liên quan đến người thay thế cho vị trí Chủ tịch HĐQT tại 2 ngân hàng này hiện chưa được công bố. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng các Tổng Giám đốc của 2 ngân hàng này có thể được bổ nhiệm vào vị trí Chủ tịch HĐQT mới.

* Tổng giám đốc của VCB, ông Phạm Quang Dũng đã làm việc tại VCB kể từ năm 2007 và được bầu vào vị trí Tổng Giám đốc năm 2014. Tổng Giám đốc của CTG, ông Trần Bình Minh đã gắn bó với CTG kể từ năm 1999 và được bầu vào vị trí Tổng Giám đốc năm 2018.

* Chúng tôi hiện có khuyến nghị PHÙ HỢP THỊ TRƯỜNG cho VCB với giá mục tiêu là 108.900 đồng/CP và khuyến nghị MUA cho CTG với giá mục tiêu là 54.900 đồng/CP.

—————————————-

Kiểm toán Nhà nước yêu cầu DPM điều chỉnh tăng lợi nhuận ròng 2020 thêm 34%

* Kiểm toán Nhà nước đã yêu cầu Tổng CT Phân bón và Hóa chất Dầu khí (DPM) điều chỉnh LNST năm 2020 lên 941 tỷ đồng – cao hơn 238 tỷ đồng hoặc 33,8% so với số liệu được công bố trước đó – do 1) giảm 83 tỷ đồng trong chi phí bảo trì được ghi nhận trong năm 2020, 2) Chi phí bán hàng và chi phí khấu hao lần lượt giảm 23 tỷ đồng và 49 tỷ đồng, và 3) ghi nhận thêm 91 tỷ đồng từ thu nhập ngoài cốt lõi tÙ bồi thường bảo hiểm do vấn đề kỹ thuật xảy ra vào năm 2019.

* DPM cho biết sẽ điều chỉnh các bút toán tương ứng. Cụ thể, công ty sẽ ghi nhận thêm lợi nhuận ròng tăng dần (khoảng 220 tỷ đồng) vào KQKD 6 tháng 2021 thay vì điều chỉnh lại số 2020. Trong khi việc ghi nhân 91 tỷ đồng tiền bồi thường bảo hiểm trong 6 thàng 2021 phù hợp kỳ vọng của chúng tôi, mức lợi nhuận gia tăng còn lại tương tứng với khả năng điều chỉnh tăng trong dự báo 2021 của chúng tôi, dù cần thêm đánh giá chi tiết.

* Chúng tôi hiện có khuyến nghị KHẢ QUAN dành cho DPM với giá mục tiêu là 19.200 đồng/CP (tổng mức sinh lời dự kiến là -7,8%, đã bao gồm lợi suất cổ tức 6,7%). DPM đang giao dịch ở mức P/E là 12,8 lần và P/B là 1,1 lần trong năm 2021, dựa theo dự báo của chúng tôi.

—————————————-

PVT hoàn tất việc mua tàu VLGC

* Ngày 01/07/2021, Công ty Vận tải Nhật Việt – một công ty con mà Tông CT Vận tải Dầu khí (PVT) sở hữu 51% cổ phần – đã tiếp nhận 1 tàu chở khí siêu trọng (VLGC) tuổi đời 15 tuổi NV Aquamarine. Tàu VLGC này có công suất 81.600 m3, lớn hơn 20-30 lần so với tàu chở khí LPG thông thường. Ngoài ra, giá trị đầu tư của NV Aquamarine là 40 triệu USD – cao hơn 3,0-3,5 lần so với tàu chở LPG thông thường.

* Trong ĐHCĐ gần đây của PVT, Tổng Giám đốc cho biết NV Aquamarine sẽ làm việc ở thị trường nước ngoài theo hợp đồng thuê riêng có thời hạn. Ngoài ra, TGĐ tin rằng tàu VLGC này có thể mang lại lợi nhuận hàng năm là 100 tỷ đồng nhờ giá thuê ngày thuận lợi, tương ứng rằng tàu NV Aquamarine có thể đóng góp lợi nhuận ròng 51 tỷ đồng – tương đương ~ 6 -8% tổng lợi nhuận ròng của PVT. Chúng tôi cho rằng sẽ có điều chỉnh tăng nhẹ dự báo của chúng tôi, dù cần thêm đánh giá chi tiết.

* Chúng tôi hiện có khuyến nghị KHẢ QUAN với mức giá mục tiêu là 18.400 đồng/CP (tổng mức sinh lời dự phóng là -3,5%, đã bao gồm lợi suất cổ tức 5,0%). Với mức giá đóng cửa hôm nay, PVT đang giao dịch tại P/E cốt lõi năm 2021 dự kiến là 12,0 lần và EV/EBITDA là 4,8 lần, dựa trên dự báo của chúng tôi.

@ VCSC/ Vietnam Journal

Có thể bạn quan tâm