Trang chủ » Việt Nam đề nghị Palestine, Israel kiềm chế tối đa để bảo vệ dân thường

Việt Nam đề nghị Palestine, Israel kiềm chế tối đa để bảo vệ dân thường

bởi unexpress

Ngày 27/5, theo yêu cầu của Tổ chức hợp tác Hồi giáo và của Palestine, với sự ủng hộ của 20 nước thành viên và 43 nước quan sát viên, Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (HĐNQ) đã tiến hành Phiên họp đặc biệt bằng hình thức trực tuyến về tình hình nhân quyền nghiêm trọng tại các vùng lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng, trong đó có Đông Jerusalem.

Phát biểu tại Phiên họp, Cao ủy Nhân quyền LHQ, Báo cáo viên đặc biệt về tình hình nhân quyền tại các vùng lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng và đại diện 87 quốc gia, tổ chức quốc tế, trong đó có 10 quốc gia phát biểu ở cấp Bộ trưởng Ngoại giao, đều bày tỏ quan ngại sâu sắc trước tình hình bạo lực leo thang, việc sử dụng quá mức vũ khí sát thương làm nhiều dân thường của cả Palestine và Israel bị chết và bị thương, kêu gọi tìm giải pháp lâu dài cho cuộc xung đột trên cơ sở hai nhà nước Palestine và Israel cùng tồn tại trong hòa bình và an ninh, tờ Báo Quốc tế đưa tin.

Các nước hoan nghênh và kêu gọi các bên tôn trọng thỏa thuận ngừng bắn, kiềm chế tối đa để bảo vệ dân thường và các cơ sở hạ tầng thiết yếu. Đồng thời, các nước cũng kêu gọi tiến hành cuộc điều tra quốc tế độc lập về các vi phạm luật nhân quyền và nhân đạo tại các vùng lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng.

Cũng trong Phiên họp, các nước Arap và Hồi giáo lên án mạnh mẽ các hành động quân sự của Israel, coi hành động của Israel là hành động xâm lược chống lại người dân Palestine, đồng thời kêu gọi cộng động quốc tế tiến hành điều tra để buộc Israel chịu trách nhiệm vì những hành động xâm lược của mình.

Trong khi đó, Hoa Kỳ không phát biểu; các nước phương Tây ghi nhận quyền tự vệ của Israel chống lại các hành động bạo lực của phong trào Hamas và nhấn mạnh quyền này phải được thực hiện một cách tương xứng và tuân thủ luật nhân đạo quốc tế. Israel cho rằng 30% trong số các phiên họp đặc biệt của HĐNQ LHQ được tổ chức nhằm vào Israel, thay vì tuyên bố rõ ràng rằng Israel có quyền tự vệ và lên án hành động khủng bố của Hamas, HĐNQ LHQ tiếp tục các hành động chống lại Israel.

Về phía Việt Nam, đại diện Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh LHQ, Tổ chức Thương mại thế giới và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva phát biểu bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình căng thẳng, bạo lực và xung đột vũ trang gây thương vong cho dân thường cả hai bên Palestine và Israel thời gian gần đây và về tình hình nhân đạo nghiêm trọng tại các vùng lãnh thổ Palestine do xung đột gây ra, nhất là tại Gaza, tác động tiêu cực đến khả năng người dân Palestine thụ hưởng các quyền cơ bản của con người.

Đại diện Phái đoàn Việt Nam khẳng định Việt Nam hoan nghênh và kêu gọi các bên tôn trọng thỏa thuận ngừng bắn, chấm dứt hoàn toàn bạo lực, trong đó có các hành động bạo lực không phân biệt, bất cân xứng từ Israel, đề nghị các bên kiềm chế tối đa để bảo vệ dân thường và các cơ sở hạ tầng thiết yếu; kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng cường hỗ trợ nhân đạo, trong đó có việc ủng hộ hoạt động của Cơ quan của LHQ về cứu trợ người tị nạn Palestine (UNRWA), để giúp người dân Palestine sớm vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.

Đồng thời, đại diện Phái đoàn Việt Nam tái khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam ủng hộ giải pháp hai Nhà nước, trong đó có việc Nhà nước Palestine cùng tồn tại hòa bình bên cạnh Nhà nước Israel với đường biên giới trước năm 1967 và Đông Jerusalem là Thủ đô của Palestine, trên cơ sở luật pháp quốc tế và các nghị quyết liên quan của LHQ.

Trong điều kiện và khả năng cho phép, Việt Nam sẽ tích cực đóng góp cho nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong việc duy trì hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực Trung Đông, trong đó có việc giải quyết vấn đề Israel-Palestine.

Kết thúc Phiên họp, HĐNQ đã thông qua Nghị quyết với tiêu đề “Đảm bảo tôn trọng luật nhân đạo và nhân quyền quốc tế tại các vùng lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng, trong đó có Đông Jerusalem và tại Israel” với 24 phiếu thuận, 14 phiếu trắng và 9 phiếu chống.

Nghị quyết có nội dung chính là thành lập Ủy ban điều tra quốc tế độc lập (IICOI – independent, international commission of inquiry) để điều tra về các vi phạm nhân quyền và luật nhân quyền, nhân đạo quốc tế tại vùng lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng, gồm Đông Jerusalem và tại Israel từ ngày 13/4 và nguyên nhân gốc rễ của các hành vi phân biệt đối xử có hệ thống dựa trên sắc tộc; đề nghị IICOI thu thập bằng chứng về các vi phạm, xác định những người liên quan và đề xuất các khuyến nghị nhằm bảo đảm những người này phải chịu trách nhiệm về các vi phạm; báo cáo về các hoạt động của IICOI lên HĐNQ và Đại hội đồng LHQ; yêu cầu các cơ quan LHQ hợp tác với IICOI để thực hiện nhiệm vụ trên, theo tờ báo Quốc tế.

Có thể bạn quan tâm