CTCP Chứng khoán Bản Việt (VCSC/ VCI) vừa phát hành báo cáo phân tích về Tập đoàn Vingroup (HoSE: VIC), chi tiết như sau:
Tập đoàn Vingroup (VIC) công bố LNST sau lợi ích CĐTS đạt 947 tỷ đồng trong quý 3/2022 so với lỗ ròng 377 tỷ đồng vào quý 3/2021 chủ yếu do 3 hoat động chính, bao gồm:
(1) việc bàn giao và ghi nhận đúng tiến độ tại Vinhomes Ocean Park 2 – The Empire,
(2) mảng cho thuê và khách sạn nghỉ dưỡng phục hồi, và
(3) ghi nhận các giao dịch bán buôn tại The Empire và Vinhomes Ocean Park 3 – The Crown vào thu nhập tài chính với tổng thu nhập trước thuế đạt 8,9 nghìn tỷ đồng, bù đắp cho khoản lỗ từ mảng công nghiệp.
Trong 9 tháng đầu năm 2022, lợi nhuận từ HĐKD cốt lõi của VIC (bao gồm BCC và các giao dịch bán buôn BĐS ghi nhận vào thu nhập tài chính) ghi nhận lỗ 2,5 nghìn tỷ đồng (so với khoản lợi nhuận 8,5 nghìn tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2021), chủ yếu do (1) việc ghi nhận doanh thu từ mảng bán bất động sản chỉ bắt đầu tăng tốc vào tháng 9 với việc bàn giao của The Empire, và (2) việc ghi nhận chi phí liên quan đến ngừng sản xuất xe động cơ đốt trong (ICE) tương đương 4,2 nghìn tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2022, được bù đắp một phần nhờ (3) hiệu quả hoạt động của mảng cho thuê và khách sạn được cải thiện và (4) lợi nhuận thoái vốn cao hơn YoY trong 9 tháng đầu năm 2022.
Tính đến cuối quý 3/2022, tổng nợ vay của VIC đạt 182,5 nghìn tỷ đồng – trong đó 36,9% là nợ bằng USD. Khoản lỗ chênh lệch tỷ giá trong 9 tháng đầu năm 2022 là 3,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 36,5% LNTT 9 tháng đầu năm 2022. Theo ban lãnh đạo, số dư nợ bằng USD đáo hạn trong 12 tháng tới ở mức thấp.
Dù LNST sau lợi ích CĐTS 9 tháng đầu năm 2022 của VIC đạt 6,8 nghìn tỷ đồng (+113% YoY), hoàn thành 69% dự báo cả năm của VCSC là 9,9 nghìn tỷ đồng, VCSC nhận thấy khả năng giảm dự báo LNST sau lợi ích CĐTS năm 2022 của VCSC cho VIC (dù cần thêm đánh giá chi tiết) khi khoản lỗ tỷ giá và khoản lỗ từ HĐKD của mảng công nghiệp trong 9 tháng đầu năm 2022 cao hơn dự báo của VCSC.
Mảng bán và cho thuê BĐS (lần lượt chiếm 43% và 10% doanh thu 9T 2022 của VIC). Vui lòng xem thêm chi tiết trong báo cáo KQKD VHM và VRE ngày 27/10/2022 của VCSC.
Mảng Khách sạn – nghỉ dưỡng (chiếm 10% doanh thu 9 tháng ðầu năm 2022 của VIC)
Mảng này tiếp tục đà phục hồi với 717.000 số phòng bán được trong 9T 2022 (+29% YoY), được hỗ trợ bởi các điểm du lịch chính như Phú Quốc, Đà Nẵng và Quảng Nam. Doanh thu 9T 2022 của mảng này tăng 133% YoY đạt 5,9 nghìn tỷ đồng, trong khi khoản lỗ từ HĐKD (EBIT) đạt 4,0 nghìn tỷ đồng so với mức lỗ EBIT của 9 tháng đầu năm 2021 là 7,2 nghìn tỷ đồng.
Mảng Công nghiệp (chiếm 16% doanh thu 9 tháng đầu năm 2022 của VIC)
Doanh thu 9T 2022 của mảng Công nghiệp đạt 9,7 nghìn tỷ đồng (-24% YoY) với khoản lỗ EBIT là 24,3 nghìn tỷ đồng so với khoản lỗ EBIT là 15,1 nghìn tỷ đồng trong 9T 2021. Lỗ EBIT 9T 2022 một phần là do ghi nhận chi phí khấu hao nhanh của các tài sản liên quan đến việc ngừng sản xuất xe ICE trị giá 4,2 nghìn tỷ đồng trong kỳ.
Trong 9T 2022, đã có tổng cộng 19.000 xe ôtô được bàn giao, trong đó 88% là xe ICE và 12% là xe EV (bao gồm các mẫu VFe34 và VF8). Trong tháng 9, VinFast đã giao lô xe VF8 đầu tiên cho khách hàng tại Việt Nam. Công ty dự kiến sẽ giao những lô VF8 đầu tiên tới Mỹ và Châu Âu vào tháng 12/2022 và năm 2023.
Tính đến cuối quý 3/2022, các mẫu xe điện mới đã được đón nhận ở cả thị trường trong nước và toàn cầu với 60.000 đơn đặt hàng trước cho các mẫu VF8 và VF9 – 30% trong số này là từ thị trường quốc tế.
Kể từ đầu năm 2022, VIC đã huy động được 760 triệu USD từ thị trường vốn quốc tế để tài trợ cho VinFast, bao gồm (1) tổng cộng 625 triệu USD trái phiếu chuyển đổi phát hành trong 6 tháng đầu năm 2022 với thời hạn 5 năm và quyền chọn đổi thành cổ phiếu VinFast do VIC sở hữu và ( 2) Gói tài trợ vốn 135 triệu USD với thời hạn 7 năm từ Ngân hàng Phát triển Châu Á và một số tổ chức tài chính khác vào tháng 10/2022 để sản xuất xe buýt điện và mạng lưới trạm sạc xe điện đầu tiên của Việt Nam. Ban lãnh đạo vẫn chưa tiết lộ kế hoạch huy động vốn cho quý 4/2022 và 2023.
Ban lãnh đạo cho biết rằng vốn huy động trong tương lai chủ yếu sẽ tài trợ cho việc mở rộng của VinFast ra thị trường quốc tế, bao gồm mở thêm showroom, nhà máy sản xuất tại Mỹ và sản xuất các dòng xe mới. Hiện tại, VinFast đã hoàn thiện hầu hết cơ sở hạ tầng xe điện tại Việt Nam, bao gồm nhà máy sản xuất pin VinES (vốn đầu tư 300 triệu USD; dự kiến bắt đầu hoạt động vào quý 4/2022) và các trạm sạc trên toàn quốc. Chi phí đầu tư tài sản cố định trong giai đoạn 2023-2024 đối với mảng Công nghiệp có thể được điều chỉnh linh hoạt theo điều kiện thị trường, theo ban lãnh đạo.
@ VCSC
Nguồn: https://marketinsider.vn/