Trang chủ » Vì sao giới doanh nghiệp Nhật Bản quan ngại về dự luật an ninh kinh tế?

Vì sao giới doanh nghiệp Nhật Bản quan ngại về dự luật an ninh kinh tế?

bởi unexpress

BNEWS An ninh kinh tế chỉ trở thành một vấn đề thu hút sự chú ý ở Nhật Bản trong thời gian gần đây, chủ yếu là do các căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc.

Ngày 16/2, liên minh cầm quyền đã thông qua bản dự thảo cuối cùng của Luật an ninh kinh tế. Chính phủ Nhật Bản dự định sẽ thông qua dự luật này tại cuộc họp nội các vào ngày 25/2 tới để sau đó đệ trình lên Quốc hội xem xét và thông qua trong kỳ họp hiện nay. Tuy nhiên, theo tờ Thời báo Nhật Bản, một số điểm trong dự luật này có gây quan ngại cho giới doanh nghiệp Nhật Bản.
An ninh kinh tế chỉ trở thành một vấn đề thu hút sự chú ý ở Nhật Bản trong thời gian gần đây, chủ yếu là do các căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc. Sau đó, sự bùng phát của dịch COVID-19 đã trở thành một lời cảnh tỉnh cho nước này khi dịch bệnh gây ra sự gián đoạn của các chuỗi cung ứng và thiếu hụt các sản phẩm quan trọng, chẳng hạn như chất bán dẫn. Đây là lý do chính khiến chính quyền của Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida gấp rút xây dựng dự luật về vấn đề này.
Phát biểu tại cuộc họp với các bộ trưởng về chủ đề này hôm 4/2, Thủ tướng Nhật Bản Kishida khẳng định: “An ninh kinh tế đang là một vấn đề cấp bách để bảo vệ an toàn và an ninh của người dân”.
Theo dự kiến, dự luật an ninh kinh tế của Nhật Bản sẽ bao gồm 4 trụ cột: Tăng cường an ninh cho các cơ sở hạ tầng quan trọng; Thúc đẩy sự ổn định của các chuỗi cung ứng; Tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác công-tư về phát triển công nghệ tiên tiến; và Bảo vệ các bằng sáng chế về các công nghệ nhạy cảm.
Để đảm bảo hiệu quả thực thi của dự luật, Chính phủ Nhật Bản sẽ đưa ra một số biện pháp có thể tác động lớn tới khu vực tư nhân. Chẳng hạn, để tăng cường an ninh cơ sở hạ tầng, chính phủ dự kiến sẽ yêu cầu các công ty thuộc 14 lĩnh vực (gồm khí đốt, dầu khí, điện, nước, đường sắt, vận tải đường bộ, hàng không, sân bay, vận tải quốc tế, thông tin liên lạc, phát thanh truyền hình, bưu chính, tài chính và thẻ tín dụng) phải báo cáo về kế hoạch lắp đặt các hệ thống quản lý cơ sở hạ tầng và nhà cung cấp, từ đó Chính phủ sẽ thẩm duyệt nhà cung cấp thiết bị và linh kiện. Nếu báo cáo sai sự thật hoặc không đúng, các hình phạt có thể bao gồm án tù tối đa 2 năm hoặc phạt tiền lên đến 1 triệu yen (8.600 USD).
Trong bối cảnh tấn công mạng nhằm vào các cơ sở hạ tầng cốt lõi đang gia tăng trên khắp thế giới, Chính phủ Nhật Bản muốn đảm bảo rằng các công ty quản lý cơ sở hạ tầng trong nước không sử dụng các thiết bị dễ bị tấn công.
Mặt khác, để tăng cường sự ổn định của các chuỗi cung ứng, Nhật Bản sẽ xếp các mặt hàng quan trọng đối với doanh nghiệp và cuộc sống của con người vào danh sách hàng hóa đặc biệt. Vật liệu bán dẫn, vật tư y tế và đất hiếm có thể sẽ là những mặt hàng nằm trong danh sách này. Chính phủ Nhật Bản dự định sẽ hỗ trợ tài chính cho các công ty kinh doanh các mặt hàng đó và đổi lại, họ sẽ phải báo cáo ai là nhà cung cấp của mình.
Đối với các thực thể liên quan đến hợp tác công nghệ công-tư làm rò rỉ thông tin nhạy cảm, họ có thể sẽ bị phạt, trong khi việc chia sẻ thông tin bằng sáng chế bí mật liên quan đến các ngành công nghiệp hạt nhân và quốc phòng cũng sẽ bị phạt. Tuy nhiên, các quy định và hình phạt cụ thể có thể được sửa đổi trong quá trình thảo luận về dự luật này ở Quốc hội.
Mặc dù hiểu rõ tầm quan trọng của dự luật an ninh kinh tế, nhưng các chuyên gia và lãnh đạo doanh nghiệp lo ngại rằng các biện pháp mới của Chính phủ có thể ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của mình. Họ lo ngại rằng các biện pháp hạn chế có thể cản trở năng lực cạnh tranh quốc tế của doanh nghiệp.
Trong tài liệu chính sách công bố hôm 9/2, Liên đoàn các tổ chức kinh tế Nhật Bản (Keidanren) nhấn mạnh: “Để các doanh nghiệp Nhật Bản không bị bất lợi trong quá trình cạnh tranh quốc tế, (dự luật này) không nên áp đặt các biện pháp hạn chế quá mức đối với các hoạt động kinh doanh so với các nước khác, bao gồm cả Mỹ và các nước ở châu Âu”.
Trên thực tế, Chính phủ Nhật Bản nhận thức rõ về sự lo ngại của giới doanh nghiệp nước này. Phát biểu trong cuộc gặp với Chủ tịch Keidanren Masakazu Tokura hôm 7/2, Bộ trưởng An ninh Kinh tế Takayuki Kobayashi đã chia sẻ các quan ngại của Keidanren, nhưng ông vẫn đề nghị tổ chức này nhận thức rõ về sự cần thiết của dự luật an ninh kinh tế. Bộ trưởng Kobayashi nói: “Chúng tôi tin rằng việc giữ các biện pháp hạn chế ở mức tối thiểu là điều tự nhiên”.
Mặc dù cần có một bộ luật toàn diện về an ninh kinh tế nhưng các chuyên gia kinh tế cho rằng các hình phạt chỉ nên được áp dụng trong một số trường hợp hạn chế và Chính phủ nên quy định rõ ràng những doanh nghiệp nào sẽ bị ảnh hưởng bởi các biện pháp hạn chế này và theo cách nào./. Theo BNews/

Có thể bạn quan tâm