Trang chủ » Vì sao đường sắt siết chặt kỷ luật, đảm bảo an toàn chạy tàu?

Vì sao đường sắt siết chặt kỷ luật, đảm bảo an toàn chạy tàu?

bởi unexpress
Chú thích ảnh
Hệ thống Radar lắp đặt song song với camera giám sát đường ngang. Ảnh: Vân Sơn/Báo Tin tức

Lý giải về vấn đề này, đại diện VNR cho hay, hiện mật độ chạy tàu trên các tuyến giảm vì không chạy tàu khách; tàu hàng chuyến tuyến Bắc – Nam cũng giảm khoảng 50%. Tai nạn giao thông đường sắt tháng 8 giảm sâu; sự cố liên quan đến kết cấu hạ tầng chỉ xảy ra một vụ.

Tuy nhiên, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội, việc bố trí lao động, di chuyển thực hiện nhiệm vụ, tác nghiệp khó khăn. Cùng với đó, mật độ chạy tàu ít, rất dễ nảy sinh tâm lý chủ quan, lơ là trong đảm bảo an toàn giao thông đường sắt.

“Do đó, cần siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đảm bảo an toàn chạy tàu ở tất cả các khâu, từ lãnh đạo, quản lý đến tổ chức thực hiện tại hiện trường. Tăng cường kiểm tra, giám sát đảm bảo an toàn giao thông đường sắt, an toàn công trình đường sắt”,  đại diện VNR yêu cầu.

Đáng lưu ý, đường sắt yêu cầu thực hiện nghiêm việc giám sát tập trung qua hệ thống camera để hỗ trợ đảm bảo an toàn giao thông tại các đường ngang có gác, đường ngang cảnh báo tự động để kịp thời phát hiện, xử lý sự cố, đảm bảo an toàn; tăng cường kiểm tra, giám sát qua điện thoại, camera việc thực hiện quy trình tác nghiệp đối với hệ tuần gác, tại các nhà ga, không để xảy ra sự cố, tai nạn chạy tàu do lỗi chủ quan.

Liên quan đến việc đảm bảo an toàn trong duy tu, bảo trì hạ tầng, an toàn thi công, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam yêu cầu các đơn vị quản lý hạ tầng tổ chức kiểm tra trạng thái kỹ thuật, kiểm tra xóc lắc cầu đường bằng máy; tổ chức khắc phục sửa chữa ngay các vị trí xấu, các điểm xóc lắc đảm bảo an toàn, chạy tàu êm thuận.

Về vấn đề đảm bảo an toàn chạy tàu khi thi công công trình quan trọng, cấp bách gói 7.000 tỷ đồng trên đường sắt Bắc – Nam, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam yêu cầu các đơn vị phối hợp với chủ đầu tư tham gia ý kiến về phương án tổ chức thi công, chỉ đạo về an toàn, chạy chậm và phong tỏa đường để thi công của các nhà thầu.

Rà soát kỹ các điểm nghẽn, nút thắt về hạ tầng, chủ động phối hợp đẩy nhanh tiến độ thi công, rút ngắn thời gian chạy tàu, nâng cao năng lực hạ tầng và khả năng khai thác vận tải đường sắt.

Chú thích ảnh
Vị trí đường ngang Km 167+980 vận hành hệ thống Radar phát hiện sớm chướng ngại vật tại đường ngang sử dụng cần chắn chuyên dụng đóng kín.  Ảnh: Vân Sơn/Báo Tin tức

Hiện Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã thực hiện giám sát qua camera tác nghiệp của nhân viên và theo dõi đảm bảo an toàn tại các vị trí nguy cơ mất an toàn do chủ quan cao. Tại các đường ngang có gác, đường ngang cảnh báo tự động, có camera giám sát tại khu vực đường ngang và trong nhà gác, truyền tín hiệu về công ty bảo trì đường sắt để giám sát thường xuyên qua màn hình.

Tại nhà ga, có camera giám sát các khu vực: Phòng trực ban, điều độ chạy tàu, các đường lập tàu, đường xếp dỡ, sảnh đón khách, ke ga… truyền tín hiệu về trưởng ga hoặc bộ phận giám sát để giám sát.

Trên đầu máy, phía trước và trong cabin lắp camera để ghi lại hành trình và tác nghiệp ban lái tàu, tác nghiệp các nhân viên mặt đất như nhân viên gác đường ngang, gác cầu, gác hầm… Kết thúc hành trình, sẽ trích xuất dữ liệu để kiểm tra việc thực hiện quy trình tác nghiệp các nhân viên này.

Như TTXVN đưa tin trước đó, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, doanh thu vận tải trong tháng 8/2021 của VNR thấp kỷ lục. Cụ thể, sản lượng vận tải hành khách chỉ hơn 8.640 lượt hành khách lên tàu, đạt 24,8% kế hoạch, bằng 6,5% so với cùng kỳ năm 2020. Với vận tải hàng hóa có khả quan hơn khi thực hiện 413.944 tấn xếp, đạt 101,6% kế hoạch, bằng 105,4% cùng kỳ.

Tuy nhiên, tăng trưởng vận tải hàng hóa cũng đang có dấu hiệu chậm lại, thậm chí giảm do thiếu nguồn hàng và vận chuyển khó khăn hơn.

Tổng doanh thu vận tải đường sắt trong tháng 8 chỉ đạt 114,7 tỷ đồng, đạt 89,5% kế hoạch, bằng 66,4% cùng kỳ năm 2020 và là mức thấp kỷ lục từ trước đến nay.

Theo Báo Tin Tức

Có thể bạn quan tâm