Chốt phiên giao dịch cuối tuần 8/1, tại thị trường Hà Nội, giá vàng SJC được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 61 – 61,77 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), tăng 100 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và 150 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra so với chốt phiên giao dịch hôm qua.
Trước đó, giá vàng trong nước liên tục bám sát diễn biến giá vàng thế giới, mở cửa phiên đầu năm năm 4/1, giá vàng giảm 100 nghìn đồng/lượng, sau đó tăng 50 nghìn đồng/lượng vào ngày 5/1. Sang ngày 6/1, giá vàng giảm 100 nghìn đồng/lượng, trước khi tăng trở lại 100 nghìn đồng/lượng và 150 nghìn đồng/lượng vào cuối tuần.
Với mức biến động này, tính chung cả tuần, giá vàng tăng nhẹ 50 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và 20 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra.
Trong khi đó trên thế giới, dù khởi sắc trong phiên cuối tuần khi tăng trưởng việc làm của Mỹ trong tháng 12/2021 thấp hơn dự kiến, nhưng kim loại quý này vẫn khép lại một tuần đi xuống sau ba tuần hạ giá giữa bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ra dấu hiệu sẽ đẩy sớm lộ trình nâng lãi suất.
Phiên giao dịch cuối cùng của tuần này (7/1), giá vàng ngược dòng đi lên từ mức “đáy” của ba tuần. Kết thúc phiên này, giá vàng giao ngay tăng 0,5%, lên 1.797,1 USD/ounce. Trong khi giá vàng giao kỳ hạn tăng 0,5%, lên 1.797,40 USD/ounce.
Tính chung cả tuần qua, giá vàng giảm 1,7%, ghi dấu tuần giảm mạnh nhất kể từ tuần kết thúc ngày 26/11/2021.
Chuyên gia phân tích Giovanni Staunovo tại Ngân hàng UBS nhận định: “Với số lượng việc làm tăng thấp hơn dự kiến trong tháng 12/2021, nhưng với tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ giảm về mức thấp nhất trong nhiều năm, đó là một báo cáo hỗn hợp đối với vàng”.
Trong khi đó, chuyên gia phân tích Suki Cooper tại Standard Chartered cho biết: “Phản ứng giá vàng cho thấy thị trường đang tập trung hơn vào rủi ro lạm phát trước cuộc họp Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) sắp tới”.
Chỉ số đồng USD giảm 0,6% trong phiên này làm vàng trở nên ít đắt đỏ hơn đối với những người mua nắm giữ loại tiền tệ khác.
Theo Báo Tin Tức