BNEWS Doanh nghiệp không tiếp tay cho hành vi gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp cũng như hợp tác đầy đủ với cơ quan chức năng trong thời gian diễn ra vụ việc để đạt hiệu quả kháng kiện tốt nhất.
Nhằm ứng phó hiệu quả các vụ việc phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương khuyến nghị doanh nghiệp và ngành sản xuất thay vì gia công chế biến đơn giản cần hướng tới nâng chất cho sản phẩm.
Chẳng hạn như việc nâng cao giá trị và sản phẩm có hàm lượng kỹ thuật cao để phát triển bền vững cũng như giảm thiểu nguy cơ bị điều tra, áp dụng biện pháp chống lẩn tránh của các nước nhập khẩu.
Ngoài ra, tuyệt đối không tham gia, tiếp tay cho các hành vi gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp cũng như luôn hợp tác đầy đủ với cơ quan điều tra nước ngoài và Bộ Công Thương trong thời gian diễn ra vụ việc để đạt hiệu quả kháng kiện tốt nhất.
Thời gian qua, để tránh thiệt hại cho doanh nghiệp, Bộ Công Thương đã tích cực, chủ động đẩy mạnh việc cảnh báo sớm. Định kỳ hàng quý, Bộ Công Thương đều cập nhật và thông báo công khai danh sách cảnh báo để các cơ quan chức năng cũng như hiệp hội, doanh nghiệp và các bên liên quan khác có định hướng cụ thể, chuẩn bị trước cho khả năng bị nước ngoài tiến hành điều tra phòng vệ thương mại.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương còn phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát và hoàn thiện khuôn khổ pháp luật về phòng, chống lẩn tránh biện pháp, gian lận xuất xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp.
Mặt khác, ccung cấp thông tin, khuyến nghị cộng đồng doanh nghiệp không tiếp tay cho các doanh nghiệp có ý định, hành vi giả mạo, gian lận xuất xứ Việt Nam, lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại.
Bộ Công Thương cho hay, tới đây Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị triển khai, thực hiện hiệu quả Đề án Xây dựng và vận hành hiệu quả hệ thống cảnh báo sớm về phòng vệ thương mại, Đề án tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ và Đề án về nâng cao năng lực phòng vệ thương mại trong bối cảnh tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
Nhận định từ các chuyên gia cho thấy, so với trước đây, khi bị thị trường nước ngoài khởi kiện, không chỉ doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng mà kể cả các cơ quan quản lý đều phải tìm hiểu từng bước rất khó khăn.
Thế nhưng, hiện tại các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng đã nhận thức được thiệt hại từ các vụ kiện phòng vệ thương mại, nhất là khi bị các thị trường dày dặn kinh nghiệm kiện phòng vệ thương mại nên đã chủ động tìm hiểu, thuê các đơn vị tư vấn hỗ trợ ngay từ khi vụ việc được khởi xướng điều tra.
Các chuyên gia dự báo nguy cơ hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam có thể sẽ phải đối diện với các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại sẽ lớn hơn khi nền kinh tế thực hiện các cam kết trong các FTA.
Bởi, bên cạnh việc mở rộng thị trường, các mặt hàng xuất khẩu bị điều tra cũng sẽ không giới hạn ở mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn mà mở rộng ngay cả sản phẩm có lượng xuất khẩu và giá trị thấp.
Chính vì vậy, để giảm thiểu tác động tiêu cực của các biện pháp phòng vệ thương mại, các chuyên gia cho rằng doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược xuất khẩu theo hướng đa dạng hóa thị trường và cạnh tranh bằng chất lượng và hạn chế việc cạnh tranh bằng giá.
Cùng đó, doanh nghiệp nên cân nhắc các rủi ro về phòng vệ thưng mại khi xây dựng chiến lược sản xuất, kinh doanh, nhất là xuất khẩu. mặt khác, doanh nghiệp cần trang bị kiến thức cơ bản về pháp luật phòng vệ thương mại, chuẩn bị nguồn lực để đối phó với các nguy cơ kiện phòng vệ thương mại.
Đặc biệt, doanh nghiệp cần tuân thủ chặt chẽ các quy định về chứng nhận xuất xứ, không tiếp tay cho các hành vi gian lận xuất xứ, lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và hợp tác với cơ quan chức năng trong quá trình xử lý vụ việc.
Hơn nữa, việc cảnh báo sớm được xác định là một trong các nhiệm vụ trọng tâm và giúp doanh nghiệp có sự chuẩn bị trước, giúp các cơ quan chức năng thực hiện các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp có trọng tâm, trọng điểm. Đây cũng là giải pháp nhằm đấu tranh với các hành vi gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp nhằm lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại./.
Theo BNews/