Trang chủ » Ứng dụng công nghệ trong phòng chống biến đổi khí hậu sao cho hiệu quả?

Ứng dụng công nghệ trong phòng chống biến đổi khí hậu sao cho hiệu quả?

bởi unexpress

Biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường diễn biến quá nhanh, khó lý giải, do đó cần thiết phải đẩy mạnh hành động nhất là trong nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ.

Các tòa nhà cần xây bể nước ngầm để thu gom nước mưa

Chiều 22/12, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội nghị tổng kết đánh giá tình hình triển khai thực hiện Chương trình khoa học và công nghệ ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và môi trường giai đoạn 2016-2020.

Ông Võ Tuấn Nhân – Chủ nhiệm chương trình, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ và các cơ quan liên quan phê duyệt, triển khai 43 đề tài quốc gia với 4 nội dung (ứng phó với biến đổi khí hậu; quản lý tài nguyên và môi trường; nghiên cứu cơ sở khoa học đối với những vấn đề có tính tổng hợp, liên ngành và liên vùng về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và môi trường; lựa chọn và hỗ trợ chuyển giao các kết quả nghiên cứu đã được nghiệm thu thuộc Chương trình giai đoạn (2011-2015).

Đến nay, chương trình đã có 1844 Thạc sĩ, hơn 1000 Giáo sư, Phó Giáo, Tiến sĩ tham gia và tổ chức đánh giá nghiệm thu cấp quốc gia cho 30 đề tài và đánh giá nghiệm thu cấp cơ sở cho 9 đề tài, trong đó 4 đề tài được Hội đồng khoa học và công nghệ cấp quốc gia đánh giá xếp loại xuất sắc. Đặc biệt, chương trình đã huy động được đông đảo các nhà khoa học trình độ cao tham gia nghiên cứu. Sau 5 năm thực hiện chương trình đã hoàn thành mục tiêu và nội dung đề ra.

Các kết quả nghiên cứu của các đề tài cho đến nay đã hoàn thành được các mục tiêu và nội dung của Chương trình. Về ứng phó với BĐKH, đã xây dựng, phát triển hệ thống giám sát BĐKH và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp với điều kiện Việt Nam; giải quyết các vấn đề liên quan đến xâm nhập mặn (các loại đất, cây trồng, rừng…); đưa ra được các giải pháp chủ động thích ứng với BĐKH trong từng ngành, từng lĩnh vực nhất là các vùng dễ bị tổn thương…; đưa ra các giải pháp công nghệ về giống, cây trồng, công nghệ canh tác trong điều chính kỹ thuật mùa vụ, kỹ thuật sản xuất nông nghiệp thích ứng với BĐKH; xây dựng các mô hình kinh tế thích ứng với các hiện tượng thiên tai cực đoan và các mô hình kinh tế ứng phó với xâm nhập mặn.

Về lĩnh vực quản lý tài nguyên và môi trường, đã đưa ra các phương pháp luận trong công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; quản lý biến động tài nguyên và quản lý giám sát biến động sử dụng đất, đã xây dựng được các bản đồ quản lý tài nguyên đất…; đánh giá tổng quan an ninh nguồn nước; lượng giá và quy trình kết chuyển các giá trị tài nguyên và môi trường hoạch toán tài khoản quốc gia; đánh giá hoạt động tân kiến tạo đối với sự biến đổi dòng chính các lưu vực sông và xây dựng được các bản đồ có liên quan.

Trong đó, nội dung về ứng phó với BĐKH có 20 đề tài (46,5%); Nội dung về quản lý tài nguyên và môi trường có 16 đề tài (37,2%); 6 đề tài (14%) nghiên cứu cơ sở khoa học đối với những vấn đề có tính tổng hợp, liên ngành và liên vùng về chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và môi trường; 1 đề tài (2,3%) về lựa chọn và hỗ trợ chuyển giao các kết quả nghiên cứu đã được nghiệm thu thuộc hai Chương trình về ứng phó với BĐKH, quản lý TN&MT trong giai đoạn 2011-2015, 2016-2020.

Các đại biểu và các nhà khoa học tham gia đều nhấn mạnh đến quá trình biến đổi khí hậu ngày càng diễn ra nhanh, phức tạp và khó lường hơn vì vậy cần nâng cao vai trò và nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ của khoa học kĩ thuật trong ứng phó với biến đổi khí hậu.

Ngoài ra các đại biểu còn cho rằng, trong tương lai, đất nước ta sẽ hình thành những trung tâm đô thị lớn gây ra những thách thức phải đối mặt như ô nhiễm không khí, ô nhiễm rác thải nhựa,…vì vậy cần hết sức chú ý để nghiên cứu xử lý kịp thời.

Cùng với đó, các vấn đề cần được quan tâm hơn đó là đảm bảo an ninh nguồn nước trong giai đoạn sắp tới. Sử dụng, điều phối tài nguyên nước làm sao cho hợp lý cũng được nhiều đại biểu nêu.

Đặc biệt trong đó có đại biểu nêu ra ý kiến: “Cần thu gom nước mưa để sử dụng, nếu không sử dụng hết thì trả về đất để bù lại nước ngầm đã sử dụng. Nên tính toán đến việc tất cả nhà cao tầng phải có bể chứa nước ngầm để thu gom nước mưa vừa để sử dụng vừa đáp ứng các điều kiện phòng cháy chữa cháy, qua đó đảm bảo an ninh nguồn nước”.

Khoa học công nghệ là “chìa khóa” để ứng phó biến đổi khí hậu

Bộ trưởng bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết: “Tôi đánh giá cao những nghiên cứu của các nhà khoa học. Các đề tài nghiên cứu của chương trình có khả năng thực tiễn cao, có thể ứng dụng để bảo vệ môi trường”

Theo bộ trưởng Đạt, Việt Nam là một trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu, vì vậy Chương trình góp phần thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, đóng góp cho sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Bên cạnh đó, chương trình cũng đã đóng góp cho việc xây dựng, dự thảo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 mới được thông qua.

Bộ trưởng Bộ TN&MT – Trần Hồng Hà cho biết, chương trình rất có ý nghĩa, vấn đề biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường đang đứng trước những thách thức lớn và diễn biến quá nhanh, khó lý giải, do đó cần thiết phải đẩy mạnh hành động.

“Chìa khóa để giải quyết những vấn đề này chính là khoa học công nghệ, vì vậy trong thời gian tới, tiếp tục tư duy, hoàn thiện “những đứa con tinh thần” để đưa nghiên cứu khoa học áp dụng vào thực tiễn, chuyển hóa thành năng lực quản lý để có thể tác động góp phần phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế tài nguyên, môi trường và kinh tế xã hội. Các kết quả nghiên cứu trong giai đoạn 1 đã nghiên cứu ra rất nhiều dữ liệu quan trọng, để xây dựng các mô hình ở nước ta, tôi rất mong muốn làm sao đầu tư hơn nữa để những kết quả nghiên cứu này phát huy được vào thực tiến một cách hiệu quả nhất”, Bộ trưởng Hà nhấn mạnh./.

Văn Ngân/VOV.VN

Có thể bạn quan tâm