BNEWS Tăng trưởng thương mại toàn cầu đã tăng tốc trong quý cuối cùng của năm 2021, nhưng dự kiến sẽ chậm lại trong quý I/2022.
Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) vừa công bố bản cập nhật thương mại toàn cầu tháng 2/2022, trong đó nhấn mạnh tăng trưởng thương mại toàn cầu đã tăng tốc trong quý cuối cùng của năm 2021, nhưng dự kiến sẽ chậm lại trong quý I/2022.
Theo phóng viên TTXVN tại Geneva (Thụy Sĩ), trong năm 2021, thương mại toàn cầu đạt mức cao kỷ lục – 28.500 tỷ USD, tăng khoảng 25% so với năm 2020 và tăng khoảng 13% so với mức trước đại dịch khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Tăng trưởng thương mại toàn cầu được giữ vững trong nửa đầu năm 2021, tiếp tục tăng trưởng trong nửa cuối năm.
Thương mại hàng hóa và thương mại dịch vụ cũng diễn biến tương tự trong năm 2021 với mức tăng mạnh hơn trong nửa đầu năm ngoái. Tăng trưởng thương mại tiếp tục khả quan đối với cả hàng hóa và dịch vụ trong quý III/2021 và đặc biệt là quý cuối cùng.
Xu hướng xuất nhập khẩu của một số nền kinh tế thương mại lớn trên thế giới minh họa rõ hơn cho các mô hình tăng trưởng thương mại trong những quý gần đây. Trong quý IV/2021, thương mại hàng hóa ở tất cả các nền kinh tế lớn đều cao hơn mức trước đại dịch vào năm 2019, đối với cả nhập khẩu và xuất khẩu.
Thương mại hàng hóa của các nước đang phát triển tăng mạnh hơn so với các nước phát triển. Xuất khẩu của các nước đang phát triển trong quý IV/2021 cao hơn khoảng 30% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, con số này là khoảng 15% đối với các nước phát triển.
Theo UNCTAD, xu hướng tích cực đối với thương mại quốc tế trong năm 2021 chủ yếu là do giá hàng hóa tăng, trong khi các biện pháp kiểm soát phòng ngừa đại dịch COVID-19 được nới lỏng và nhu cầu phục hồi mạnh mẽ nhờ các gói kích thích kinh tế.
Tuy nhiên, những xu hướng này có khả năng giảm bớt nên thương mại toàn cầu dự kiến sẽ bình thường hóa trong năm 2022. Các chuyên gia đánh giá có nhiều yếu tố chi phối sự phát triển của thương mại thế giới trong năm nay.
Thứ nhất, đó là tăng trưởng kinh tế chậm hơn dự kiến. Dự báo tăng trưởng kinh tế cho năm 2022 đang được điều chỉnh giảm. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã giảm dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2022 từ 4,9% xuống còn 4,4% do lạm phát kéo dài tại Mỹ và lĩnh vực bất động sản khó lường của Trung Quốc.
Xu hướng thương mại toàn cầu sẽ phản ánh những xu hướng kinh tế vĩ mô, với tăng trưởng thương mại thấp hơn dự kiến. Thứ hai, đó là những thách thức liên tục đối với chuỗi cung ứng toàn cầu. Đại dịch COVID-19 đã gây ra áp lực chưa từng có đối với chuỗi cung ứng.
Sự gián đoạn logistic, tình trạng thiếu hụt và giá năng lượng tăng cao đã góp phần làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt nguồn cung và chi phí vận chuyển tăng theo chiều hướng xoắn ốc. Thứ ba, đó là các hiệp định thương mại và xu hướng khu vực hóa.
Đầu năm nay, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) có hiệu lực, tạo thuận lợi cho thương mại giữa nhiều nền kinh tế Đông Á và Thái Bình Dương và dự kiến sẽ tăng cường thương mại giữa các thành viên, bao gồm cả việc chuyển hướng thương mại từ các nước không phải là thành viên.
Thứ tư, đó là các nước chuyển đổi hướng tới một nền kinh tế toàn cầu xanh hơn. Các mô hình thương mại trong năm 2022 dự kiến sẽ phản ánh nhu cầu ngày càng tăng trên toàn cầu đối với các sản phẩm bền vững thân thiện với môi trường.
Các mô hình như vậy cũng có thể được các chính sách của chính phủ hỗ trợ. Ngoài ra, các mô hình thương mại toàn cầu cũng có thể chịu ảnh hưởng của nhu cầu gia tăng đối với các mặt hàng chiến lược cần hỗ trợ các giải pháp thay thế năng lượng xanh hơn như coban, liti và kim loại đất hiếm.
Và cuối cùng là những lo ngại về tính bền vững của nợ công. Với mức nợ toàn cầu cao kỷ lục, lo ngại về tính bền vững của nợ có khả năng gia tăng trong các quý tới do lạm phát gia tăng. Việc siết chặt các điều kiện tài chính sẽ làm tăng áp lực đối với hầu hết các chính phủ có nợ công cao cũng như nguy cơ dễ bị tổn thương và ảnh hưởng tiêu cực đến các khoản đầu tư và luồng thương mại.
UNCTAD là cơ quan thương mại và phát triển của Liên hợp quốc, hỗ trợ các nước đang phát triển tiếp cận các lợi ích của nền kinh tế toàn cầu hóa một cách công bằng và hiệu quả hơn, đồng thời trang bị cho các nước giải pháp để đối phó với những hạn chế tiềm ẩn của quá trình hội nhập kinh tế lớn hơn./.
Theo BNews/