Trang chủ » Tương lai kinh tế thế giới: Không còn là sự nối tiếp quá khứ?

Tương lai kinh tế thế giới: Không còn là sự nối tiếp quá khứ?

bởi unexpress

BNEWS Trong vài năm qua, thế giới đã phải đối mặt với nhiều “sự kiện” bất ổn, khiến nền kinh tế thế giới trong tương lai có thể sẽ không còn là sự tiếp nối của những gì đã xảy ra trong quá khứ.

Trong một cuộc phỏng vấn khi còn đương nhiệm, cựu Thủ tướng Anh Harold Macmillan đã nhận được câu hỏi rằng điều gì khiến ông sợ nhất. Ông nói: “Các sự kiện, bạn thân mến, đó chính là các sự kiện”.
Trong bài viết đăng tải trên tờ The Telegraph London và được tờ Australia Financial Review (AFR) dẫn lại, chuyên gia kinh tế Roger Bootle nhận định, trong vài năm qua, thế giới đã phải đối mặt với nhiều “sự kiện” bất ổn, khiến nền kinh tế thế giới trong tương lai có thể sẽ không còn là sự tiếp nối của những gì đã xảy ra trong quá khứ.
Năm 1992, nhà khoa học chính trị người Mỹ Francis Fukuyama đã xuất bản cuốn sách có tựa đề: “Sự kết thúc của Lịch sử và Người đàn ông cuối cùng”. Trong đó, Giáo sư Fukuyama lập luận rằng sau khi nền dân chủ tự do, kinh tế thị trường dành chiến thắng, nguyên nhân chính của xung đột trong thế giới hiện đại đã tan rã. Tác giả Roger Bootle nhấn mạnh Giáo sư Fukuyama là một nhà phân tích giỏi, nhưng ông đã đưa ra một phán đoán sai lầm.
Để lý giải cho quan điểm này, tác giả dẫn chứng thực tế là chỉ vài năm sau khi cuốn sách của Giáo sư Fukuyama được phát hành, nước Nga vẫn được điều hành dựa trên những giá trị rất khác biệt so với những giá trị thịnh hành ở phương Tây. Điều tương tự cũng được nhìn thấy ở Trung Quốc.
Giờ đây, động lực quan trọng nhất của toàn cầu hóa chính là sự phát triển nhanh chóng của Trung Quốc và sự tham gia đầy đủ của nước này vào hệ thống thương mại thế giới. Nhiều người cho rằng sự phát triển như vậy là tất yếu và không thể đảo ngược. Tuy nhiên, tác giả cho rằng đó cũng là một quan điểm sai lầm.
Tác giả phân tích rằng trước khi Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất (WWI) nổ ra vào năm 1914, thế giới đã chứng kiến xu thế toàn cầu hóa mạnh mẽ. Tuy nhiên, đến năm 1930, xu thế này bị “thoái trào” do sự bùng phát của chủ nghĩa bảo hộ và Chiến tranh Thế giới thứ hai.
Sau khi Chiến tranh Thế giới thứ hai kết thúc, chỉ vài năm sau đó, thương mại thế giới, tính theo tỷ trọng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), đã phục hồi về trạng thái của những năm trước năm 1914 và bắt đầu tăng mạnh trở lại. Tuy nhiên, thương mại thế giới chỉ thực sự “cất cánh” bắt đầu từ những năm đầu thập niên 90, với sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Có thể thấy, trước khi mối quan hệ giữa Trung Quốc và phương Tây xấu đi trong vài năm gần đây, toàn cầu hóa dường như đã đạt đến đỉnh điểm. Điều đáng tiếc là xu thế này đang bị đảo ngược.
Theo tác giả, không phải là thế giới đang chuyển dịch sang trạng thái các quốc gia tự cung, tự cấp – mặc dù ngày càng nhiều nhà chính trị gia và người dân tin tưởng đây là hệ sinh thái tốt hơn cho họ. Tác giả nhận định thế giới đang tách rời thành hai khối đối địch, trong đó một bên tập trung về phía Mỹ và phần còn lại đứng về phía Trung Quốc.
Các công ty hiện tích cực rà soát lại chuỗi cung ứng của họ, để giảm sự phụ thuộc đầu vào từ Trung Quốc và các chính phủ đang khẩn trương kiểm tra các tương tác chiến lược của họ với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Trong khi đó, Trung Quốc cũng đang xem xét lại các mối quan hệ của nước này với phương Tây, tìm cách tăng cường sức mạnh nội tại để có thể đương đầu với mối quan hệ ngày càng xấu đi với phương Tây, hoặc tệ hơn nữa là có thể sẽ bị áp đặt các biện pháp trừng phạt tương tự như Nga đang gặp phải hiện nay.
Sự phân chia thế giới thành hai khối sẽ tạo ra áp lực tăng chi phí sản xuất và giảm thu nhập thực tế, từ đó làm đảo ngược một số lợi ích thu được từ toàn cầu hóa đã đạt được trong suốt 40 năm qua.
Những gì đang xảy ra là rất đáng lo ngại, khi chi phí lao động của Trung Quốc đã tăng không ngừng, khiến các quốc gia phương Tây chuyển hướng chú ý về phía châu Phi, coi nơi đây là trung tâm sản xuất hàng giá rẻ tiềm năng của thế giới. Rất có thể điều này sẽ trở thành hiện thực trong thời gian tới.
Trong bất kỳ trường hợp nào, phương Tây sẽ cần một nguồn nhập khẩu sản xuất giá rẻ khác, nếu nguồn cung từ Trung Quốc không còn hiệu quả. Họ có thể phần lớn phụ thuộc vào sự phát triển của công nghệ, vì công nghệ sẽ làm giảm chi phí sản xuất ở các nền kinh tế tiên tiến trên thế giới và do đó có thể “thu hút lại” các hoạt động kinh tế nội địa.
Ví dụ, sự tiến bộ của robot và trí tuệ nhân tạo (AI) có thể giúp làm giảm đáng kể chi phí sản xuất trong nước, đồng thời cũng có khả năng giảm chi phí trong lĩnh vực dịch vụ, vốn ít được hưởng lợi trực tiếp từ nguồn cung giá rẻ của Trung Quốc.
Kết thúc bài viết, tác giả cho rằng bằng cách này hay cách khác, tương lai của kinh tế thế giới sẽ không chỉ đơn thuần là sự tiếp nối của quá khứ gần đây. Lịch sử sẽ được tô đậm bởi những bức tranh mang nhiều màu sắc mới./.
Theo BNews/

Có thể bạn quan tâm