Có 42 tu nghiệp sinh Việt Nam được tốt nghiệp đợt này. Đây là đợt đào tạo kéo dài từ cuối năm 2019 dành cho các sinh viên sau khi kết thúc các chương trình đào tạo bậc đại học ở trong nước, chủ yếu là các chuyên ngành nông nghiệp.
Trong thời gian theo học, các tu nghiệp sinh có một ngày trong tuần học lý thuyết và 5 ngày còn lại tham gia thực tập tại 70 trang trại trong vùng. Các tu nghiệp sinh đã có cơ hội ứng dụng kiến thức đã học vào công việc thực tiễn, học phương pháp nghiên cứu giống, quản lý và chăm sóc cây trồng tại các trang trại trồng rau, cà chua, ớt ngọt, dưa chuột, rau thơm..vv..
Mỗi tu nghiệp sinh từ Việt Nam sang đều mang trong mình một giấc mơ sau này trở về quê hương lập nghiệp với các dự án riêng hoặc làm việc cho các công ty trong lĩnh vực nông nghiệp, đóng góp cho sự nghiệp xây dựng kinh tế ở trong nước. Tu nghiệp sinh Trần Kim Thảo (quê Kiên Giang) tâm sự: “Ngành học của em là ngành công nghệ sinh học. Sau này về nước em có rất nhiều dự định, nhưng trước mắt em muốn phát triển một trang trại nông nghiệp ở quê nhà”.
Giám đốc trung tâm Ramat Negev, ông Alon Melchior, cho biết trung tâm bắt đầu đào tạo tu tập sinh Việt Nam với số lượng lớn từ năm 2006. Mỗi năm tại trung tâm có khoảng 250-300 sinh viên Việt Nam, là lực lượng sinh viên chính tại trung tâm. Sinh viên Việt Nam và sinh viên Israel có sự tương đồng cao, đều rất chăm chỉ, làm việc với sự đam mê và nhiệt huyết. Do đó, Trung tâm mong muốn sẽ có thêm nhiều sinh viên Việt Nam học tập trong thời gian tới.
Ramat Negev là một trong bốn trung tâm đào tạo nông nghiệp lớn của Israel có thực tập sinh Việt Nam đang theo học, với số lượng tổng cộng hàng năm khoảng 650 – 700 sinh viên, bên cạnh một số ít sinh viên theo học các chương trình học bổng thạc sĩ, tiến sĩ. Hai năm vừa qua do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nên số lượng Việt Nam sang học tập ít hơn. Nói chuyện với các tu nghiệp sinh, anh Nguyễn Hoàng Tuấn, Bí thư thứ hai tại Đại sứ quán Việt Nam tại Israel, cho biết: Israel có phần lớn diện tích là sa mạc, lại là một quốc gia nghèo tài nguyên. Tuy nhiên, với một nền nông nghiệp không những đủ cung cấp cho nhu cầu trong nước mà hàng năm còn mang hàng tỷ USD kim ngạch xuất khẩu. Đây là một bằng chứng cho thấy yếu tố con người, đặc biệt là tri thức có thể làm nên tất cả. Hy vọng các tu nghiệp sinh khi trở về Việt Nam sẽ áp dụng thành công những gì học hỏi được tại đây.
Theo Báo Tin Tức