BNEWS Cuộc khủng hoảng năng lượng đang diễn biến phức tạp tại Trung Quốc đã tác động không nhỏ đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp và hộ gia đình ở quốc gia Đông Á.
Diễn biến này đặt Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ than nhiều nhất thế giới, vào “thế khó”, khi vừa phải đảm bảo nguồn cung năng lượng để thúc đẩy kinh tế, vừa dung hòa các mục tiêu cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Khi căng thẳng vượt ra khỏi các dự báo
Để duy trì hoạt động của các nhà máy giữa bối cảnh nền kinh tế phục hồi sau đại dịch, Trung Quốc đang buộc phải tiêu thụ nhiều điện hơn dự kiến.
Tuy nhiên, việc sản xuất than – nhiên liệu chính để sản xuất điện ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới – đang bị kiềm chế do chính phủ tăng cường thực hiện các chính sách nhằm hướng đến mục tiêu trung hòa khí thải carbon vào năm 2060.
Gần 70% sản lượng điện năng của Trung Quốc đến từ các nhà máy than đá. Việc đốt than đã tạo ra một lượng lớn khí thải carbon, đây là loại khí gây hiệu ứng nhà kính và dẫn đến sự ấm lên toàn cầu.
Trong giai đoạn tháng 1-8/2021, Trung Quốc sản xuất gần 2,6 tỷ tấn than – chỉ tăng 4,4% so với một năm trước đó, do hoạt động sản xuất bị cắt giảm trước những lo ngại về tính an toàn và môi trường. Trong khi đó cùng kỳ, mức tiêu thụ điện năng của cả nước đã tăng 13,8%. Sự khập khiễng này đã tạo ra tình trạng thiếu hụt than ngày càng trầm trọng và đẩy giá lên mức cao mà các nhà máy điện không thể mua được.
Giá than ở Trung Quốc bắt đầu tăng vào tháng 5/2020, khi đại dịch COVID-19 trong nước lắng dịu. Trong mùa sưởi ấm mùa Đông, giá than nhiệt loại 5.500 kilo calo (kcal)/kg chuẩn được giao dịch ở mức 1.000 nhân dân tệ (NDT) (tương đương 155 USD)/tấn ở miền Bắc Trung Quốc, mức cao nhất trong một thập kỷ.
Sau khi đảo chiều giảm vào đầu năm 2021, giá than quay trở lại quỹ đạo tăng nhanh chưa từng có vào cuối tháng Hai. Tính đến ngày 28/9, hợp đồng than nhiệt tương lai được giao dịch nhiều nhất tại Sở giao dịch hàng hóa Trịnh Châu đã tăng lên mức 1.253,8 nhân dân tệ/tấn – tăng 90% so với mức 671,4 nhân dân tệ/tấn được ghi nhận ngày 4/1.
Giá than tăng cao đang “quét sạch” lợi nhuận của các nhà máy điện. Theo một nghiên cứu của Hội đồng Điện lực Trung Quốc (CEC), 70% nhà máy nhiệt điện than của nước này đã ghi nhận thua lỗ trong tháng 6/2021 do chi phí than tăng hơn 50% so với một năm trước đó.
Huadian Energy, một trong những công ty điện lực lớn nhất Trung Quốc, đã công bố mức lỗ ròng trong nửa đầu năm 2021 cao gần gấp đôi so với một năm trước, lên 523 triệu NDT. Trong khi đó, nhà sản xuất điện than Beijing Jingneng Power cũng ghi nhận khoản lỗ ròng 300 triệu NDT trong cùng kỳ, đảo ngược mức lợi nhuận ròng 841 triệu NDT của năm 2020.
Những rắc rối này đã phản ánh chính sách định giá điện do dưới sự quản lý của nhà nước, được thiết kế để hạn chế việc các công ty điện lực tăng giá bán điện cho người dân kể cả khi họ phải chấp nhận môi trường chi phí tăng cao.
Theo hãng cung cấp dịch vụ tài chính Sinolink Securities, khi giá than lên đến ngưỡng 800 NDT/tấn, các nhà máy nhiệt điện than đã lỗ trung bình khoảng 0,03 NDT cho mỗi kilowatt giờ (kWh) điện được tiêu thụ, do chi phí sản xuất vượt quá mức giá điện nhà nước quy định. Điều này đã buộc nhiều công ty điện lực phải cắt giảm sản lượng vào thời điểm nguồn cung thiếu hụt.
Các nhà phân tích cho biết, cuộc khủng hoảng than năm nay đã phản ánh những đánh giá sai lầm về mối quan hệ cung-cầu của các nhà hoạch định chính sách và các nhà đầu tư thị trường. Chai Linmin, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Quốc gia về Chiến lược Biến đổi Khí hậu và Hợp tác Quốc tế, nhận định: “Số đơn đặt hàng toàn cầu tăng vọt và sự bùng nổ của hoạt động xây dựng trong nước đã thúc đẩy nhu cầu (năng lượng) tăng vượt mong đợi của các nhà hoạch định chính sách”.
Thật vậy, sự bùng nổ của hoạt động xuất khẩu đã vượt ra khỏi mọi dự báo. Số liệu của hải quan cho thấy trong giai đoạn tháng 1-9/2021, xuất khẩu của Trung Quốc đã tăng 22,7% so với một năm trước đó.
“Không ai ngờ được rằng hoạt động xuất khẩu sẽ diễn biến tốt như vậy”, một chuyên gia phân tích cho biết. Theo chuyên gia này, việc Trung Quốc cam kết đạt mục tiêu giảm lượng khí thải carbon có nghĩa là năng lực sản xuất than của nước này sẽ giảm đáng kể trong những thập kỷ tới. Đây là một quá trình đòi hỏi sự khôn ngoan và quyết tâm của các nhà hoạch định chính sách, bởi nếu không có các biện pháp thích hợp, xu hướng hiện tại nhiều khả năng sẽ đẩy giá than lên tới 2.000 NDT/tấn, qua đó làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu than và suy thoái nguồn điện.
Nguyên nhân dẫn đến sự thiếu hụt nguồn cung
Một nguồn tin thân cận với các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc cho biết: “Vấn đề chính trong năm 2021 là tốc độ tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ than vượt quá tốc độ tăng trưởng nguồn cung và gây ra sự mất cân bằng”.
Trong giai đoạn tháng 1-8/2021, tiêu thụ điện năng của Trung Quốc đã tăng 13,8% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 5.470 tỷ kWh, theo dữ liệu từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc. Trong đó, các nhà máy nhiệt điện than lớn của nước này sản xuất 3.870 tỷ kWh, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm 2020.
Trong khi sự phục hồi kinh tế sau đại dịch và nhu cầu hồi phục ở nước ngoài đã thúc đẩy tiêu thụ điện ở Trung Quốc, nguồn cung than lại không theo kịp. Trong giai đoạn tháng 1-8/2021, tiêu thụ than của Trung Quốc đã tăng 10,7% lên 2,1 tỷ tấn, song sản xuất trong nước chỉ tăng 6,4% lên 1,95 tỷ tấn. Trong khi đó, nhập khẩu than lại giảm 19,7% do giá tăng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu phục hồi. Một chỉ số giá của CEC theo dõi nhập khẩu than của Trung Quốc cho thấy giá trung bình từ ngày 16-23/9 đạt 1.283 NDT/tấn, tăng 162,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Khoảng 90% sản lượng than của Trung Quốc đến từ các mỏ trong nước, song những mỏ này đã bị giám sát chặt chẽ về mặt an toàn và tác động đến môi trường trong những năm gần đây. Các biện pháp hạn chế hoạt động khai thác than không đạt tiêu chuẩn đã làm giảm sản lượng than xuống 11% ở khu tự trị Nội Mông, một trong những khu vực khai thác than lớn nhất ở Trung Quốc.
Vào đầu mùa Hè năm 2021, một số mỏ than với tổng công suất lên đến 20 triệu tấn/năm đã phải đóng cửa ở tỉnh Hà Nam, miền Trung Trung Quốc sau một loạt vụ tai nạn. Một tỉnh khai thác khác là Sơn Đông cũng có kế hoạch đóng cửa các mỏ với tổng công suất 31,6 triệu tấn vào cuối năm nay do lo ngại về an toàn. Các mỏ than ở nhiều nơi cũng bị ảnh hưởng bởi các biện pháp hạn chế sản xuất theo chiến dịch cắt giảm khí thải carbon và tiêu thụ năng lượng của chính phủ.
Trong giai đoạn tháng 1-8/2021, Trung Quốc đã nhập khẩu 198 triệu tấn nhiên liệu, giảm 10,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia (NDRC) kể từ tháng 4 đã thực hiện các bước để đối phó với tình trạng thiếu hụt nguồn cung ngày càng trầm trọng, bao gồm việc giải phóng nguồn dự trữ chiến lược vào thị trường, đẩy nhanh việc phê duyệt các cơ sở mới và yêu cầu tăng sản lượng.
Tuy nhiên, các tác động cho đến nay vẫn còn hạn chế, phần nào phản ánh sự thiếu năng lực sản xuất mới, các nhà phân tích cho biết. Việc xây dựng các mỏ than mới của Trung Quốc đã giảm sau nhiều năm nỗ lực giảm tình trạng thừa công suất. Theo Hiệp hội Than Quốc gia Trung Quốc, công suất khai thác than vào cuối năm 2019 ở mức 5,19 tỷ tấn. Con số này hồi cuối năm 2015 là 5,7 tỷ tấn.
Zeng Hao, chuyên gia phân tích trưởng của Tập đoàn Công nghệ Năng lượng Shanxi Jingzhen, cho biết: “Để hoàn thành việc xây dựng một mỏ than thường mất từ 2-3 năm. Tốc độ tăng công suất hiện tại phụ thuộc vào những khoản đầu tư vài năm trước”.
Lời giải nào cho bài toán khó?
Theo mục tiêu trung lập khí thải carbon đến năm 2060 của Trung Quốc, việc cắt giảm tiêu thụ than là rất quan trọng. Khí thải từ hoạt động đốt than chiếm gần 70% lượng khí thải carbon của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Theo Yuan Jiahai, Giáo sư tại Đại học Điện lực Bắc Trung Quốc, tiêu thụ than hàng năm ở Trung Quốc sẽ giảm từ 400-500 triệu tấn vào năm 2060 và chủ yếu được sử dụng để bổ sung cho hoạt động sản xuất điện. Điều này phản ánh một sự sụt giảm mạnh so với mức tiêu thụ 4 tỷ tấn mỗi năm hiện nay.
Theo lộ trình do NDRC công bố năm ngoái, Trung Quốc sẽ giảm tỷ trọng than trong tiêu thụ năng lượng sơ cấp từ ngưỡng 57% vào năm 2020 xuống 47% vào năm 2025, trước khi giảm còn 23% vào năm 2035 và 11% vào năm 2050.
Sản xuất điện hiện chiếm 53% tổng lượng than sử dụng ở Trung Quốc, tiếp theo là các ngành công nghiệp thép, vật liệu xây dựng và hóa chất than.
Các nhà phân tích dự đoán rằng than sẽ vẫn là nhiên liệu chính để sản xuất điện ở Trung Quốc trong 4 năm tới vì các vấn đề công nghệ trong năng lượng tái tạo chưa được giải quyết. Họ cho rằng công suất sản xuất nhiệt điện than sẽ chỉ bắt đầu giảm sau năm 2025.
Kang Junjie, một chuyên gia về năng lượng tại Đại học Bắc Kinh, cho biết: “Những thay đổi sẽ rất lớn trong vòng 40 năm tới”. Trong đó, phát triển công nghệ sẽ là động lực lớn nhất và thế giới chỉ có thể đạt được mục tiêu trung hòa carbon với những đột phá trong các công nghệ quan trọng như lưu trữ năng lượng và thu giữ carbon.
Con đường cắt giảm tiêu thụ than sẽ có tác động sâu sắc đến kinh tế địa phương, đặc biệt là ở các khu vực phụ thuộc nhiều vào khai thác than như Sơn Tây, Nội Mông, Thiểm Tây và Tân Cương.
Giáo sư Yuan cho biết, các tỉnh cần bắt đầu quá trình chuyển đổi kinh tế càng sớm càng tốt để tìm ra các động lực tăng trưởng mới và đưa ra các thỏa thuận chính sách nhằm giúp ổn định những doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi sự chuyển đổi to lớn này./.
Theo BNews/