Cụ thể, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã có ý kiến đối với Chính phủ về việc chỉ đạo trong thời gian tới theo hướng cho các bộ, ngành, địa phương nào xong trước thì tổng hợp, trình Thủ tướng các dự án đầu tư công; bộ, ngành nào hoàn thiện sau thì trình sau.
Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, so với yêu cầu tiến độ của Nghị quyết 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình, cơ bản các bộ, ngành, địa phương đáp ứng được yêu cầu về tiến độ. Tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn trong việc tổng hợp công tác triển khai.
Khó khăn chủ yếu tập trung ở phần về đầu tư công, do liên quan đến nhiều dự án cũng như trình tự, thủ tục phê duyệt các dự án. Tiến độ, công tác tổng hợp các dự án đầu tư công thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội hiện nay còn chậm. Nguyên nhân chính là do các bộ, ngành, địa phương có tiến độ thực hiện khác nhau, thường có sự chờ đợi lẫn nhau.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong năm 2022, ngay sau khi ban hành Nghị quyết 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, ngày 30/01/2022, việc chuẩn bị hồ sơ cơ bản hoàn thành trong tháng 2 và tháng 3, một số chính sách đang trình các cấp có thẩm quyền.
Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, đối với Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP rất chi tiết với các khoản mục, nhiệm vụ cụ thể giao cho từng bộ, ngành, địa phương có liên quan gắn với tiến độ, thời gian cũng như là các hình thức thực hiện. Do vậy, với vai trò là cơ quan được giao tham mưu tổng hợp để trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư rất mong muốn các bộ, ngành, địa phương bám sát các nhiệm vụ được phân công tại Nghị quyết 11/NQ-CP để triển khai khẩn trương, có như vậy thì hiệu quả của chương trình mới được phát huy cao nhất có thể.
Hiện nay, Bộ Tài chính đã rất chủ động dự thảo và trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn về các chính sách liên quan đến điều chỉnh thuế, phí và lệ phí để có thể triển khai được ngay trong những tháng đầu năm 2022.
Về các giải pháp liên quan đến nguồn tín dụng, Ngân hàng Nhà nước cũng rất chủ động trong việc phối hợp với các bộ; trong đó, có Bộ Kế hoạch và Đầu tư, để soạn thảo các văn bản, nhất là các nghị định về hướng dẫn đối với các nguyên tắc, tiêu chí, cũng như là các đối tượng để được hỗ trợ từ nguồn tín dụng ưu đãi trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.
Nhấn mạnh Nghị quyết 11/NQ-CP đã quy định chi tiết, cụ thể các nhiệm vụ giao cho từng bộ, ngành, địa phương, Thứ trưởng Trần Quốc Phương yêu cầu các bộ, ngành, địa phương giám sát các nhiệm vụ được phân công theo Nghị quyết 11/NQ-CP để thực hiện khẩn trương, hiệu quả.
Một trong những giải pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế được nhiều nhà kinh tế nhấn mạnh tới, đó là cần tăng cường các giải pháp thúc đẩy thực hiện vốn đầu tư công. Theo đó, ngay từ tháng đầu của năm 2022, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có Văn bản số 9481/BKHĐT-TH gửi các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Bí thư tỉnh ủy, thành ủy và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc tăng cường triển khai kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2022 và cập nhật kế hoạch đầu tư vốn năm 2021 trên Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư công.
Tính chung 2 tháng đầu năm 2022, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước ước đạt 46.300 tỷ đồng, bằng 8,8% kế hoạch năm và tăng 10,4% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, vốn đầu tư thực hiện do trung ương quản lý đạt 6.400 tỷ đồng, bằng 6,4% kế hoạch năm và tăng 10,1% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư thực hiện do địa phương quản lý đạt 39.900 tỷ đồng, bằng 9,3% kế hoạch năm và tăng 10,4% so với cùng kỳ năm trước.
Theo Báo Tin Tức