BNEWS Các nhà phân tích nhận định nền kinh tế Singapore sẽ giảm tốc đáng kể trong nửa cuối năm 2022 do nhu cầu đối với hàng hóa và dịch vụ đang phải đối mặt với những thách thức cả ở trong và ngoài nước.
Chi phí sinh hoạt tăng và môi trường lãi suất cao hơn có thể làm siết chặt chi tiêu của các hộ gia đình cũng như doanh nghiệp Singapore, gây rủi ro cho tăng trưởng ở cả lĩnh vực hướng tới người tiêu dùng lẫn các nền tảng thương mại của nền kinh tế.
Rủi ro thậm chí còn thể lớn hơn nếu suy thoái hoặc những điều kiện gần suy thoái xảy ra ở các nền kinh tế lớn, đi kèm với sự leo thang hơn nữa của cuộc căng thẳng Nga-Ukraine và những điều chỉnh thị trường như xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ mạnh tay của các ngân hàng trung ương lớn.
Những trở ngại này đã khiến Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore (MTI) cắt giảm dự báo tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này trong năm 2022 xuống còn 3-4%, từ mức 3-5% trước đó.
Quyết định cắt giảm dự báo được đưa ra vào ngày 11/8 sau khi Singapore ước tính tăng trưởng GDP hàng năm trong quý II/2022 của nước này chỉ đạt 4,4%, so với dự báo 4,8% trước đó.
Mặc dù MTI không dự kiến Singapore sẽ rơi vào suy thoái kỹ thuật – được xác định khi nền kinh tế ghi nhận hai quý sụt giảm liên tiếp, nhưng các nhà phân tích như nhà kinh tế trưởng Ngân hàng OCBC Selena Ling cho rằng không thể loại trừ nguy cơ này. Bà Ling cho biết: “Bất kỳ sự điều chỉnh nào trong hoạt động sản xuất, đặc biệt là trên cơ sở nền tảng số liệu cao của năm 2021, sẽ đồng nghĩa với việc lĩnh vực dịch vụ sẽ phải gánh trách nhiệm nặng nề kể từ đây”.
Tăng trưởng sản xuất trong quý II của Singapore sau khi được MTI điều chỉnh trên cơ sở hàng năm đã giảm xuống còn 5,7%, từ ước tính 8% hồi tháng Bảy. Trong khi đó, hoạt động của ngành dịch vụ cũng đã ở mức báo động, với thương mại bán lẻ giảm 6,9% trong quý II so với quý I, số liệu đã được điều chỉnh theo mùa.
Ông Barnabas Gan, nhà kinh tế cấp cao thuộc Ngân hàng RHB ở Singapore, dự báo đà tăng trưởng trong lĩnh vực dịch vụ sẽ tiếp tục giảm tốc trong nửa cuối năm nay: “Một số nhu cầu tiêu dùng bị dồn nén vào đầu năm có thể đã tiêu tan, trong khi lạm phát cao hơn từ đầu năm đến nay có thể cản trở một số chi tiêu bán lẻ”.
Trong khi MTI thu hẹp phạm vi dự báo cho tăng trưởng GDP dựa trên nhu cầu suy giảm, cơ quan chính phủ chuyên hỗ trợ các doanh nghiệp Enterprise Singapore (EnterpriseSG) một lần nữa lại nâng dự báo thương mại năm 2022 của Singapore.
EnterpriseSG hiện kỳ vọng xuất khẩu nội địa phi dầu mỏ (Nodx) sẽ tăng trưởng 5-6% trong năm nay, cao hơn so với dự báo 3-5% trước đó. Tổng thương mại hàng hóa tăng 15-16%, từ mức 8-10%. Nhưng đó là vì EnterpriseSG báo cáo tăng trưởng danh nghĩa trong xuất khẩu hoặc giá trị xuất khẩu, không giống MTI tính toán GDP thực tế điều chỉnh theo lạm phát.
Các nhà phân tích như chuyên gia kinh tế cấp cao Chua Hak Bin thuộc Ngân hàng Maybank Kim Eng cho biết, Nodx thực sự đã giảm 1,7% về khối lượng trong nửa đầu năm, trái ngược hẳn với mức tăng 10,2% về giá trị. Ông cho biết điều chỉnh theo lạm phát, Nodx thực trong tháng Sáu đã giảm tháng thứ 5 liên tiếp, giảm 0,5% tính trên cơ sở hàng năm, sau mức giảm 1,3% hồi tháng Năm.
Tiến sỹ Chua dự kiến GDP của Singapore sẽ tăng trưởng 2,8% trong năm nay. Điều đó đồng nghĩa với việc trong nửa cuối năm, nền kinh tế của “đảo quốc sư tử” chỉ tăng trưởng 1,3% so với 4,1% trong nửa đầu năm. Ông đánh giá: “Sự thúc đẩy từ việc mở cửa trở lại sẽ tiêu tan, trong khi những khó khăn trên toàn cầu, trong đó có xu hướng tăng lãi suất ở Mỹ và trên toàn cầu, sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc và có thể là sự suy thoái kinh tế ở châu Âu, sẽ làm giảm xuất khẩu và các dịch vụ liên quan đến thương mại”.
Tuy nhiên, các nhà phân tích của OCBC và RHB lại tỏ ra lạc quan hơn. Bà Ling dự báo tăng trưởng GDP cả năm 2022 của Singapore là 3,5-4%, trong khi ông Gan dự kiến ở mức 3,2%. Bà Ling nhận xét: “Đối với Singapore, sự phục hồi mạnh mẽ của khách du lịch quốc tế sẽ tiếp tục hỗ trợ các lĩnh vực liên quan đến hàng không và du lịch, và việc nối lại đi lại cũng sẽ đem lại lợi ích cho sự phục hồi lĩnh vực dịch vụ chuyên nghiệp, ví dụ như các công ty luật và tư vấn”.
Theo bà, trong khi tăng trưởng ở các nền kinh tế lớn có thể gây thất vọng, các đối tác thương mại then chốt của Singapore ở khu vực Đông Nam Á như Malaysia, Indonesia và Thái Lan được cho là sẽ chứng kiến tốc độ tăng trưởng cao hơn một chút trong bối cảnh nhu cầu trong nước và du lịch tiếp tục phục hồi.
Một số nhà phân tích cũng chỉ ra rằng mặc dù sự sụt giảm nhu cầu toàn cầu có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng của Singapore, nhưng chiều hướng này cũng có thể làm giảm bớt sức ép lạm phát trong những tháng tới.
Ông Edward Robinson, Phó Giám đốc quản lý của Cơ quan tiền tệ Singapore (MAS, ngân hàng trung ương), đã nhắc lại dự báo của cơ quan này rằng lạm phát cơ bản – không tính chi phí lưu trú và vận tải tư nhân – có thể đạt đỉnh trong quý III, nhưng ông cũng nhấn mạnh rằng vẫn còn những sự bất trắc đáng kể.
Cả lạm phát cơ bản (chỉ số đo mức lạm phát loại trừ một số mặt hàng dễ thay đổi giá như lương thực và năng lượng) và Chỉ số gia tiêu dùng (CPI) của Singapore đều đang tăng với tốc độ cao hơn dự báo của MAS trong năm nay. Lạm phát cơ bản ở mức 4,4%, trong khi CPI ở mức 6,7% trong tháng Sáu, cao hơn dự báo cả năm của MAS là 3-4% đối với lạm phát cơ bản và 5-6% đối với lạm phát tổng thể trong năm 2022./.
Theo BNews/