Trang chủ » Triển khai hiệu quả chính sách tín dụng​ ở Lai Châu

Triển khai hiệu quả chính sách tín dụng​ ở Lai Châu

bởi unexpress

BNEWS UBND tỉnh Lai Châu tổ chức Hội nghị tổng kết 20 năm triển khai thực hiện Nghị định 78/2002/NĐ-CP ngày 4/10/2002 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác

Ngày 13/9, UBND tỉnh Lai Châu tổ chức Hội nghị tổng kết 20 năm triển khai thực hiện Nghị định 78/2002/NĐ-CP ngày 4/10/2002 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác nhằm tổng kết, đánh giá kết quả đã đạt được, đồng thời chỉ ra các tồn tại, hạn chế để khắc phục trong thời gian tới.

Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh Lai Châu đã trình bày báo cáo tổng kết 20 năm triển khai thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP trên địa bàn. Theo đó, Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh Lai Châu được thành lập và đi vào hoạt động từ tháng 4/2004 với tổng dư nợ nhận bàn giao ban đầu là 45,9 tỷ đồng. Đến nay, dư nợ là 2.933 tỷ đồng.
20 năm qua, Lai Châu đã chỉ đạo, triển khai thành công chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Tỉnh đã triển khai 18 chương trình tín dụng trên địa bàn và cung cấp vốn tín dụng chính sách cho 269.830 lượt hộ nghèo, hộ chính sách khác được vay vốn với tổng số tiền trên 7.693 tỷ đồng, doanh số thu nợ đạt hơn 4.800 tỷ đồng.
Từ nguồn vốn vay đó, đã có 72.765 lượt hộ nghèo thoát khỏi ngưỡng nghèo, 26.775 người lao động được tạo việc làm và 580 lao động được vay vốn để đi lao động có thời hạn tại nước ngoài.

Cùng với đó, 9.854 học sinh, sinh viên được vay vốn và mua máy tính, thiết bị học tập trực tuyến; 71.033 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn được xây mới, 7.795 hộ nghèo và đối tượng chính sách khác được vay vốn để làm nhà.

Thực tế cho thấy, việc triển khai chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trong 20 năm qua đã góp phần quan trọng thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước đề ra về giảm nghèo bền vững cũng như thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, tăng thu nhập bình quân đầu người, giảm tỷ lệ hộ nghèo; qua đó đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Lai Châu, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao nhận thức của hộ nghèo, giúp đồng bào tự tin, tăng dần vị thế trong xã hội.
Giai đoạn từ nay đến năm 2030, tỉnh Lai Châu đề ra mục tiêu: Nguồn vốn hàng năm tăng trưởng từ 10% trở lên; phấn đấu đến năm 2030 tổng dư nợ đạt 5.500 tỷ đồng; tỷ lệ nợ quá hạn dưới 0,5% trên tổng dư nợ, tỷ lệ thu lãi đạt từ 98% trở lên, tỷ lệ giao dịch ở xã bình quân đạt trên 98%…
Tỉnh cũng đề ra các giải pháp như: Tiếp tục tổ chức và thực hiện tốt Chỉ thị 40/CT-TW ngày 22/11/2014 và Kết luận số 06-KL/TW ngày 10/6/2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội; hằng năm bố trí chuyển một phần vốn ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội để bổ sung nguồn vốn cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Tỉnh triển khai thực hiện kịp thời các chương trình tín dụng chính sách xã hội phù hợp; duy trì, phát huy hiệu quả mô hình tổ chức và phương thức quản lý tín dụng chính sách; tăng cường, nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn…
Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam Lê Thị Đức Hạnh biểu dương, ghi nhận những thành tích của tỉnh Lai Châu đạt được trong 20 năm triển khai thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ.

Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam đề nghị cấp ủy, chính quyền Lai Châu tiếp tục triển khai có hiệu quả các chương trình, tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo và các gia đình chính sách. Các sở, ngành, tổ chức chính trị, xã hội tăng cường công tác phối hợp, thực hiện tốt nhiệm vụ ủy thác.

Mặt trận Tổ quốc các cấp tiếp tục quan tâm, tăng cường kiểm tra giám sát, phản biện xã hội. Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh tiếp tục phát huy vai trò, hoàn thiện mô hình tổ chức nâng cao hiệu quả, chất lượng phục vụ, triển khai đồng bộ các biện pháp, củng cố nâng cao chất lượng tín dụng.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung tham luận về kết quả sau 20 năm thực hiện ủy thác cho vay vốn hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác của các cấp Hội Nông dân trên địa bàn tỉnh; vai trò lãnh chỉ đạo của UBND huyện, Trưởng ban Đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội đối với tín dụng chính sách; tăng cường công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt công tác ủy thác giữa Hội Cựu chiến binh và Ngân hàng Chính sách xã hội cấp huyện.

Ngoài ra, các đại biểu cũng đề xuất các giải pháp sử dụng hiệu quả vốn vay ưu đãi và kiến nghị để thực hiện tốt hơn các chương trình tín dụng ưu đãi, sử dụng hiệu quả vốn vay.
Kết luận Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Lai Châu Giàng A Tính đề nghị thời gian tới, các cấp, ngành trong tỉnh tiếp tục phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền để nhân dân hiểu rõ hơn về nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách Xã hội; tiếp tục tăng cường công tác phối hợp để triển khai nguồn vốn đảm bảo đúng đối tượng và phát huy hiệu quả.
Dịp này, Bộ trưởng – Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu tặng Bằng khen, Vinh danh, Giấy khen cho 14 tập thể, 46 cá nhân của tỉnh Lai Châu có thành tích xuất sắc trong 20 năm thành lập Ngân hàng Chính sách xã hội và triển khai thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 4/10/2002 của Chính phủ./.

Theo BNews/

Có thể bạn quan tâm