Trang chủ » TP Hồ Chí Minh triển khai 9 giải pháp lưu thông hàng hóa trong 15 ngày thực hiện Chỉ thị 16

TP Hồ Chí Minh triển khai 9 giải pháp lưu thông hàng hóa trong 15 ngày thực hiện Chỉ thị 16

bởi unexpress

Bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh vừa ký ban hành văn bản số 2270/PA-UBND TP Hồ Chí Minh về phương án điều tiết hàng hoá thông qua việc chuyển đổi phương thức vận chuyển, giao và nhận hàng hoá để đảm bảo hàng hoá lưu thông thông suốt đến với người tiêu dùng trên địa bàn thành phố.

Chú thích ảnh
Các mặt hàng lương thực, thực phẩm được bổ sung liên tục tại các siêu thị trong ngày 9/7.

Thành phố Hồ Chí Minh hiện có 2.833 điểm cung ứng lương thực, thực phẩm thiết yếu trong mùa dịch; trong đó có 106 siêu thị, 2.616 cửa hàng tiện lợi, 111 chợ truyền thống đang hoạt động. Ngoài ra, Thành phố còn có hệ thống các cửa hàng tạp hoá trên địa bàn quận, huyện, phường, xã, thị trấn.

Để thực hiện “mục tiêu kép”, đảm bảo cân đối cung – cầu các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, góp phần thực hiện công tác an sinh xã hội trên địa bàn, TP Hồ Chí Minh sẽ triển khai 9 giải pháp điều tiết hàng hoá. Theo đó, TP Hồ Chí Minh tổ chức theo dõi, nắm bắt kịp thời, chính xác diễn biến tình hình cung ứng hàng hóa và giá cả thị trường, đảm bảo cân đối cung – cầu hàng hóa đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, Thành phố cũng tăng cường thông tin, tuyên truyền về công tác chuẩn bị, giải pháp cung ứng hàng hóa, lương thực thực phẩm thiết yếu phục vụ người dân trên địa bàn; hạn chế tình trạng người dân tụ tập mua gom, tích trữ hàng hóa.

Chú thích ảnh
Cách đây 2 ngày, các mặt hàng rau củ quả bị thiếu cục bộ tại nhiều hệ thống phân phối hiện đại do người dân thu gom tích trữ.
Chú thích ảnh
Tuy nhiên, trong sáng 9/6 hàng hóa đã về đầy ắp trong các siêu thị, người dân không cần lo lắng thiếu hàng.

Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã thông tin đến Sở Công Thương các tỉnh, thành (bằng văn bản và qua đường dây nóng) về việc tạm dừng hoạt động của các chợ đầu mối trên địa bàn thành phố; cùng với đó, đề nghị các tỉnh, thành hỗ trợ thông tin đến các thương lái địa phương đang kinh doanh hàng hóa tại các chợ đầu mối TP Hồ Chí Minh tạm ngưng vận chuyển hàng hóa đến chợ, thực hiện giao dịch trực tuyến và tổ chức đưa hàng hóa trực tiếp từ vùng nguyên liệu đến các chợ truyền thống, các điểm bán lẻ trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.

Trong giải pháp điều chỉnh phương thức kinh doanh của các chợ đầu mối, chợ truyền thống trên địa bàn, TP Hồ Chí Minh triển khai hướng dẫn, khuyến khích thương nhân đang kinh doanh tại các chợ chủ động thay đổi phương thức vận chuyển, giao và nhận hàng theo hình thức điều phối trực tuyến từ vùng nguyên liệu, giao hàng tận nơi cho khách hàng, không thực hiện thông qua các chợ đầu mối để đảm bảo hàng hóa lưu thông thông suốt đến với người tiêu dùng.

Sở Công thương TP Hồ Chí Minh cũng đã rà soát hoạt động cung ứng hàng hóa của các thương nhân kinh doanh mặt hàng chủ lực hiện vẫn đang duy trì hoạt động, từ đó thông tin đến UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện chỉ đạo Trưởng ban quản lý các chợ truyền thống triển khai đến các tiểu thương thông tin để kết nối, giao dịch, tiếp nhận và phân phối hàng hóa.

Đối với giải pháp thiết lập điểm tập kết hàng hóa tạm thời, UBND thành phố Thủ Đức và các quận, huyện rà soát, tìm kiếm các vị trí đất trống gần chợ đầu mối để tổ chức địa điểm tập kết và trung chuyển hàng hóa tạm thời; triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn, phòng, chống dịch tại địa điểm nêu trên. Các đơn vị quản lý chợ đầu mối tổ chức, thông tin và triển khai đăng ký, tạo điều kiện cho thương nhân chủ động giao dịch, mua bán.

Chú thích ảnh
Trong ngày 9/7, các hệ thống phân phối đã bổ sung lượng hàng tăng gấp 2-3 lần so với thời gian trước khi thực hiện Chỉ thị 16, thậm chí có đơn vị phân phối còn bổ sung lượng hàng tăng gấp 5 lần. 

Đối với giải pháp nâng cao năng lực cung ứng của hệ thống phân phối, TP Hồ Chí Minh đã triển khai đến các doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp bình ổn thị trường, hệ thống phân phối hiện đại… thực hiện phương án đảm bảo nguồn hàng trong tình hình dịch bệnh như tăng nguồn hàng dự trữ, triển khai nhiều hình thức cung ứng đa dạng: trực tuyến, bán hàng đồng giá, bán hàng đăng ký trước…; đồng thời bố trí tăng cường nhân sự, đội ngũ vận chuyển hỗ trợ giao hàng nhanh, miễn phí tận nhà cho người dân.

Liên quan đến các giải pháp bán hàng bổ trợ, TP Hồ Chí Minh cũng tăng cường thực hiện chương trình bán hàng lưu động nhằm kịp thời cung cấp hàng hóa, lương thực thực phẩm thiết yếu đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, mua sắm của người dân.

UBND TP Hồ Chí Minh cũng đề nghị UBND thành phố Thủ Đức và các quận, huyện giao trách nhiệm đơn vị, cá nhân phụ trách, thực hiện bổ sung nguồn nhân lực từ các đoàn thể như Hội liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên hoặc tiểu thương tại các chợ truyền thống đang tạm ngưng hoạt động để phối hợp tổ chức tiếp nhận và phân phối nguồn hàng của các nhà cung cấp lớn theo phương thức bán hàng đăng ký trước, bán hàng đồng giá. Saigon Co.op, Satra, Bách Hóa Xanh… và các doanh nghiệp bình ổn thị trường chủ lực khác cung cấp thông tin về mặt hàng, giá cả, quy cách đóng gói, phương thức giao nhận…; trên cơ sở đó, đơn vị, cá nhân đầu mối phụ trách thông tin đến người dân trong khu vực hoặc địa bàn phụ trách để đăng ký nhu cầu, phối hợp các đơn vị cung ứng để chuẩn bị đơn hàng và tổ chức giao hàng đến từng hộ gia đình.

Chú thích ảnh
Nguồn cung hàng hóa tại các siêu thị dồi dào và đã khắc phục hiện tượng thiếu hàng cục bộ do lượng khách hàng đi mua sắm đã giảm.

Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã nghiên cứu, khuyến khích các hoạt động phân phối hàng hóa thông qua hình thức bán hàng trực tuyến để hạn chế tình trạng tập trung đông người, không đảm bảo các yêu cầu trong công tác phòng, chống dịch.

Đối với các địa phương lân cận đang áp dụng quy định cách ly người đến từ TP Hồ Chí Minh làm ảnh hưởng đến hoạt động vận chuyển hàng hóa, TP Hồ Chí Minh triển khai thiết lập các vùng đệm để tập kết hàng hóa, tổ chức khử khuẩn phương tiện, thay đổi tài xế…, bàn giao phương tiện để tiếp tục vận chuyển, lưu thông hàng hóa. Trước mắt, TP Hồ Chí Minh thí điểm bố trí một vùng đệm, diện tích khoảng 1ha trên địa bàn huyện Củ Chi, giáp ranh huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh và sẽ nhân rộng ra các khu vực Thủ Đức và Bình Chánh để tiếp nhận nguồn hàng từ các tỉnh Đông, Tây Nam Bộ.

Chú thích ảnh

Theo Báo Tin Tức

Có thể bạn quan tâm