Đây là nhận định của Bộ trưởng Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cùng đại diện các cơ quan liên quan tại TP Hồ Chí Minh tại buổi làm việc trực tuyến với các địa phương trọng điểm về các giải pháp phục hồi và phát triển thị trường lao động ngày 3/11.
Theo Ban Quản lý các Khu Chế xuất, Khu Công nghiệp TP Hồ Chí Minh, tính đến đầu tháng 11/2021, hơn 1.340/1.400 doanh nghiệp tại các Khu Công nghiệp, Khu Chế xuất của Thành phố đã có thông báo phục hồi sản xuất với trên 216.000 người lao động đăng ký hoạt động trở lại, đạt 75% so với thời điểm trước dịch COVID-19. Riêng Khu Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh đã có 88/88 doanh nghiệp hoạt động trở lại với tổng số hơn 145.000 người lao động, đạt 84%.
Thành phố đã có 6.500 doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp, khu chế xuất đã hoạt động trở lại. Công ty Trách nhiệm hữu hạn Pouyuen Việt Nam (chuyên sản xuất giày thể thao cho các nhãn hàng lớn), quận Bình Tân, đến thời điểm hiện tại có khoảng 49.000 công nhân lao động đã trở lại làm việc (đạt 85%); trong số này có 11.000 công nhân ở tỉnh Long An vừa chính thức được cấp phép để xe đưa đón trở lại làm việc tại nhà máy ngay từ ngày 3/11. Toàn bộ công nhân vào làm việc tại nhà máy đều được xét nghiệm với kết quả âm tính với SARS-CoV-2 và đã tiêm ít nhất một mũi vaccine phòng COVID-19.
Theo Ban Quản lý các Khu Chế xuất, Khu Công nghiệp Thành phố, do các doanh nghiệp vẫn đang phải thích ứng từng bước theo bộ tiêu chí sản xuất an toàn của TP Hồ Chí Minh nên các nhà máy, xí nghiệp vẫn chưa hoạt động sản xuất 100% công suất mà chỉ phổ biến đạt 50 – 70% công suất. Mặc khác, Thành phố hết sức thận trọng với việc chấp nhận doanh nghiệp đăng ký sản xuất trở lại nên chưa đánh giá được cụ thể mức độ phục hồi hoạt động.
Về tình hình lao động, đại diện Ban Quản lý các Khu Chế xuất, Khu Công nghiệp Thành phố cho rằng, số lao động làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn thành phố về quê không nhiều, chỉ chiếm khoảng 11% tổng số lao động. Khó khăn là trong thời gian giãn cách, khoảng 23.000 người lao động ở các tỉnh lân cận TP Hồ Chí Minh không thể qua lại, đi làm được.
“Sau khi Thành phố và các tỉnh mở cửa, lưu thông, hầu hết số lao động này đã trở lại với công việc của mình. Số lao động về quê ở các tỉnh phía Bắc chỉ khoảng 1.300 người, các tỉnh miền Trung là 3.500 người…”, đại diện đại diện Ban Quản lý các Khu Chế xuất, Khu Công nghiệp Thành phố chia sẻ.
Phần lớn doanh nghiệp tại các Khu Chế xuất, Khu Công nghiệp đều chăm lo khá tốt, kể cả trong thời gian giãn cách xã hội kéo dài hơn 4 tháng để giữ chân người lao động. Nhiều doanh nghiệp vẫn giữ nguyên mức lương cơ bản với công nhân, người lao động không thể đi làm trong những ngày này hoặc hỗ trợ tiền ăn bình quân 100.000 đồng/người/ngày giúp họ vượt qua khó khăn.
Công ty Trách nhiệm hữu hạn Pouyuen Việt Nam, dù có số lượng công nhân lao động lớn nhất thành phố (tại thời điểm tháng 4/2021 có khoảng 56.000 người lao động) cũng chi trả bằng trả 50% mức lương tối thiểu vùng, tương đương 85.000 đồng/ngày/người trong suốt thời gian tạm ngừng do yêu cầu giãn cách xã hội.
Ban Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Pouyuen Việt Nam cho biết, đến thời điểm hiện tại chưa ghi nhận đánh giá nghiêm trọng về việc thiếu hụt lao động. Tới đây, thêm số lao động tại tỉnh Tiền Giang, Bến Tre… trở lại làm việc, hoạt động sản xuất của doanh nghiệp sẽ khôi phục hoàn toàn.
Theo Báo Tin Tức