BNEWS Năm 2022, ngành nông nghiệp Tp. Hồ Chí Minh đề ra nhiệm vụ cơ cấu lại và đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, phát triển nông nghiệp đô thị.
Thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ nông sản, cải thiện môi trường đầu tư nhằm hỗ trợ hiệu quả các hợp tác xã, doanh nghiệp, người dân phục hồi sản xuất, kinh doanh là nhiệm vụ chính mà Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tp. Hồ Chí Minh đề ra tại Hội nghị triển khai kế hoạch năm 2022. Sự kiện vừa được tổ chức chiều ngày 19/1.
Năm 2022, ngành nông nghiệp Tp. Hồ Chí Minh đề ra nhiệm vụ cơ cấu lại và đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, phát triển nông nghiệp đô thị, tập trung phát triển nhóm 6 sản phẩm chủ lực của ngành nông nghiệp thành phố.
Theo đó, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ; nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học để sản xuất giống cây, giống con chất lượng và năng suất cao trở thành trung tâm giống cây, giống con của khu vực; thực hiện bộ tiêu chí nông thôn mới phù hợp với quá trình đô thị hóa của vùng nông thôn thành phố; tiển khai thực hiện hiệu qủa chương trình chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn; đồng thời, kiểm soát ô nhiễm, bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu.
Ngành nông nghiệp đặt mục tiêu tăng giá trị sản xuất từ 5,8 – 6%; giá trị kinh tế đạt từ 540 – 560 triệu đồng/ha đất sản xuất. Nâng tỷ trọng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm từ 40% – 45% tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp. Đối với kinh tế tập thể, phấn đấu có 70 – 74% hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả.
Theo ông Đinh Minh Hiệp, để đạt được mục tiêu trên, ngành nông nghiệp của thành phố sẽ thực hiện các giải pháp thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản trong bối cảnh tiếp tục phòng, chống dịch bệnh COVID-19; rà soát, điều chỉnh, xây dựng, thực hiện các chính sách, chương trình, kế hoạch tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh chuyển dịch, nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp; phát triển khoa học công nghệ – ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong nông nghiệp; chuyển giao kỹ thuật, công nghệ cao cho người dân; phát triển nông nghiệp công nghệ cao kết hợp với du lịch sinh thái và bảo vệ môi trường.
Bên cạnh đó, duy trì, mở rộng và thúc đẩy hỗ trợ phát triển sản xuất giống của thành phố, đi đôi với phát huy vai trò trung tâm của hợp tác xã, xây dựng chuỗi liên kết nông lâm thủy sản, xúc tiến quảng bá thương hiệu, cung ứng cho tiêu dùng nội địa, xuất khẩu, đảm bảo an toàn thực phẩm tạo sự phát triển ổn định và bền vững.
Ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND Tp. Hồ Chí Minh, cho biết, năm 2022, sản xuất nông nghiệp của thành phố tiếp tục đối diện với những thách thức ngày càng lớn. Đời sống nhân dân tiếp tục giảm sút cả về vật chất và tinh thần; nhất là bà con nông dân ở các vùng sâu, vùng xa chịu ảnh hưởng kéo dài của dịch COVID-19. Do đó, ngành nông nghiệp cần nghiên cứu đề án liên kết theo chuỗi để hướng dẫn nông dân sản xuất qui mô lớn, ứng dụng công nghệ cao.
Đẩy mạnh đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức kinh tế tập thể trong lĩnh vực nông nghiệp mà nòng cốt là các hợp tác xã hoạt động có hiệu quả, gắn với doanh nghiệp trong chuỗi liên kết giá trị từ sản xuất đến chế biến.
Đồng thời, đề xuất giải pháp khai thác hiệu quả các công trình đã đầu tư trong chương trình xây dựng nông thôn mới kết hợp phát triển sản xuất nhằm tiếp tục nâng cao, đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn, ngoại thành…
Phó Chủ tịch UBND Thành phố cũng yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát, đề xuất bổ sung các chính sách nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp chuyển đổi đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao. Triển khai, nghiên cứu các mô hình sản xuất có hiệu quả, lợi nhuận cao trong và ngoài nước để chuyển giao cho người dân và doanh nghiệp.
Phối hợp với Khu Nông nghiệp công nghệ cao đẩy mạnh quy trình chuyển giao ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học, kinh tế số vào sản xuất nông nghiệp số nhằm nâng cao hiệu quả, an toàn vệ sinh thực phẩm
Ông Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tp. Hồ Chí Minh cho biết, năm 2021, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp bị giảm sút đã ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp. Cụ thể, sản lượng tính trên diện tích rau đã thu hoạch giảm 5,6%. Diện tích hoa, cây kiểng giảm 15,2%; trong đó, hoa nền giảm 53,2%. Sản lượng hạt giống các loại giảm 22,3%, xuất khẩu hạt giống giảm tới 73,8%.
Về chăn nuôi, sản lượng lợn hơi giảm 22,7%; sản lượng sữa bò tươi giảm 7,5%, sản lượng thịt trâu bò hơi giảm 11,7%. Tổng sản lượng thủy sản cũng giảm 18,1% so cùng kỳ; trong đó, sản lượng nuôi trồng giảm 20,8%, sản lượng khai thác giảm 12,1%. Sản lượng và kim ngach xuất khẩu cá cảnh đều giảm hơn 10% so với cùng kỳ./.
Theo BNews/