Trang chủ » Toàn cảnh thị trường chứng khoán Việt Nam 6 tháng đầu năm

Toàn cảnh thị trường chứng khoán Việt Nam 6 tháng đầu năm

bởi unexpress
Công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC) vừa phát hành Báo cáo tháng 6/2022 về toàn cảnh thị trường chứng khoán Việt Nam với nhận định chung là thị trường giảm mạnh do triển vọng kinh tế toàn cầu suy yếu.

Báo cao của VCSC cho thấy, chỉ số VN-Index (VNI) ghi nhận mức giảm mạnh thứ hai kể từ tháng 3/2020. Trong tuần đầu tháng 6, chỉ số VNI đã phục hồi lên 1,308 điểm, mức cao nhất trong 1,5 tháng, trước khi giảm mạnh theo đà lao dốc của thị trường chứng khoán toàn cầu với thông tin lạm phát tại Mỹ tăng cao nhất trong 40 năm, đạt 8,6% trong tháng 5. Chỉ số VNI khép lại tháng 6 ở mức 1.198 điểm, giảm 7,4% so với tháng trước (MoM) – mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 3/2020. Tính từ đầu năm 2022, chỉ số VNI đã giảm 20,1%, diễn biến kém tích cực hơn các thị trường lân cận như JCI của Indonesia (+4,0%), SET của Thái Lan (-5,4%) và PCOMP của Philippines (-12,9%).

Tất cả các nhóm ngành đồng loạt giảm. Nhóm Dịch vụ Tài chính (-24,9%) giảm mạnh nhất, với dẫn dắt bởi SSI (-28,6%), VND (-31,1%) và VCI (-15,3%). Theo sau là nhóm Năng lượng (-12,7%), với PLX (-8,4%), PVS (-22,1%) và PVD (-27,5%). Nhóm Vật liệu giảm 11,4% ảnh hưởng mạnh từ HPG (-15,1%) và GVR (-10,5%).

Thanh khoản giao dịch giảm nhẹ. Giá trị giao dịch trung bình ngày (ADTV) trong tháng 6 trên tổng cả 3 sàn giảm nhẹ 1,6% MoM đạt 763 triệu USD khi ADTV của HSX giảm 3,7% xuống 633 triệu USD. Trong 6T 2022, ADTV trên cả 3 sàn vẫn đạt 1,1 tỷ USD (+14,1% YoY), với ADTV của HSX tăng 16,9% YoY đạt 929 triệu USD.

Khối ngoại mua ròng tháng thứ ba liên tiếp. Các nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 125 triệu USD trong tháng 6 trên tổng cả 3 sàn (89 triệu USD trên HSX), nâng tổng giá trị mua ròng của khối ngoại quý 2/2022 lên 447 triệu USD so với mức bán ròng 285 triệu USD trong quý 1/2022. BSR (+35,6 triệu USD), DPM (+24 triệu USD) và CTG (+22,8 triệu USD) được khối ngoại mua ròng nhiều nhất trong tháng 6. Trong khi đó, VIC (-26,1 triệu USD), HPG (-23,6 triệu USD) và NVL (-21,5 triệu USD) chịu áp lực bán ròng mạnh nhất. Trong 6T 2022, các NĐT nước ngoài đã mua ròng 162 triệu USD tại thị trường chứng khoán Việt Nam (mua ròng 78,7 triệu USD chỉ số VNI), 3,4 tỷ USD chỉ số SET của Thái Lan và 4,3 tỷ USD chỉ số JCI của Indonesia; tuy nhiên, khối ngoại đã bán ròng 775 triệu USD chỉ số PCOMP của Philippines.

Fed tăng lãi suất cao nhất trong 28 năm nhằm kiềm chế lạm phát. Ngày 16/06, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tăng lãi suất cơ sở thêm 0,75 điểm % – mức tăng cao nhất kể từ năm 1994. Lãi suất cơ sở Fed hiện nằm trong khoảng 1,5% -1,75% – mức cao nhất kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát. Fed cũng đưa ra tín hiệu cho một đợt tăng lãi suất 0,5-0,75 điểm vào cuộc họp tháng 7. Theo biểu đồ “dot plot” thể hiện lãi suất kỳ vọng của từng thành viên của FED, lãi suất cơ sở của Fed có thể đạt 3,4% vào cuối năm 2022, cao hơn 1,5 điểm % so với dự đoán hồi tháng 3.

Dự trên các số liệu, VCSC đánh giá kinh tế Việt Nam tăng trưởng mạnh trong quý 2/2022. Theo TCTK, tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 7,72% trong quý 2/ 2022 – mức cao nhất trong quý 2 trong giai đoạn 2011-2022 – nâng tăng trưởng GDP trong 6T 2022 lên 6,42% – mức cao nhất trong 3 năm qua. Trong khi đó, lạm phát tiếp tục được kiểm soát với CPI bình quân 6T 2022 ở mức 2,25% – mức thấp thứ hai trong giai đoạn 6T kể từ năm 2017.

Nhận định về triển vọng của thị trường, VCSC cho rằng kết quả kinh tế vĩ mô tích cực kỳ vọng sẽ hỗ trợ cho triển vọng lợi nhuận của các doanh nghiệp; tuy nhiên, bất ổn toàn cầu gia tăng đến từ tỷ lệ lạm phát cao, chính sách thắt chặt tiền tệ và các biện pháp zero-COVID-19 kéo dài tại Trung Quốc có thể tiếp tục ảnh hưởng đến tâm lý thị trường nói chung. Dù vậy, tính đến cuối tháng 6, P/E trượt của VN-Index đạt 13,0x, mức hấp dẫn so với JCI của Indonesia (14,7x), SET của Thái Lan (16,9x) và PCOMP của Philippines (17,6x).

Nguồn: https://marketinsider.vn/

Có thể bạn quan tâm