Kết nối tiêu thụ, hết hẳn “ế đồng”
Điểm tập trung tiêu thụ nông sản số 1 xã Vân Côn đón người dân gánh gồng rau, củ, quả về sân ở khung giờ đầu tiên là 5 – 6 giờ sáng. Nhà ít thì chở xe đạp, gánh rau đến điểm tập trung. Nhà nhiều cỡ cả vài tạ rau thì thồ xe máy.
Tại điểm tập trung, các cô, các chị trong hội phụ nữ, các bạn đoàn viên, thanh niên hỗ trợ chia nông sản vào các túi 2kg để giao cho tổ hỗ trợ tiêu thụ nông sản.
Trong không khí khẩn trương nhưng vẫn đảm bảo giãn cách, thông thoáng, mọi công đoạn diễn ra nhanh chóng. Hàng hóa xếp vào hiên nhà ủy ban xã, “tràn” cả vào trong nhà hội trường để chờ xe luồng xanh vào bốc xếp chở đi.
Chỉ tính riêng trong ngày 19/8, xã Vân Côn tiêu thụ được gần 2,6 tấn rau các loại; 2.500 quả trứng gà, vịt; 48.500 quả trứng chim cút; xã Song Phương tiêu thụ được trên 1,7 tấn rau; 1.200 quả trứng gà, vịt; 1,1 tấn nhãn, ổi tại địa bàn thị xã Sơn Tây, các quận Hà Đông, Cầu Giấy (Hà Nội).
Hoạt động hỗ trợ thu mua nông sản cho bà con nông dân được thực hiện từ ngày 4/8 đến nay.
Theo ông Hoàng Văn Tuấn, Chủ tịch UBND xã Vân Côn, mô hình “Tổ hỗ trợ tiêu thụ nông sản” được thực hiện theo quyết định của UBND huyện Hoài Đức ngày 4/8. Tại Vân Côn, Tổ hỗ trợ tiêu thụ nông sản của do một đồng chí lãnh đạo UBND xã làm tổ trưởng. Chủ tịch HĐQT hợp tác xã và các ngành, đoàn thể cùng phối hợp tham gia.
Hàng ngày, sau khi “chốt” được các đơn hàng, tổ hỗ trợ tiêu thụ nông sản sẽ thông báo đến từng thôn về số lượng và đề nghị đại diện hộ dân lần lượt mang hàng đến điểm tập kết nhằm bảo đảm giãn cách, thực hiện tốt công tác phòng dịch. Đến nay, Vân Côn chủ động xin cấp phép 2 xe luồng xanh, tích cực vận chuyển cung ứng hàng hóa, tiêu thụ nông sản cho nông dân.
Từ đây, gần 50 tấn nông sản của xã Vân Côn đã đến được với những vùng lân cận kể từ giai đoạn toàn thành phố Hà Nội thực hiện giãn cách theo Chỉ thị số 17/CT-UBND của UBND thành phố Hà Nội ngày 24/7.
“Hàng ngày, chúng tôi sẽ tìm hiểu thông báo của thôn về việc hôm nay sẽ thu hoạch loại rau màu nào, để sau đó ra đồng thu hoạch. Tổ hỗ trợ tiêu thụ sẽ tiếp nhận nông sản của bà con từ 4 giờ – 11 giờ hàng ngày, sau đó sẽ giao hàng đến các đơn vị đăng ký thu mua. Giá của các mặt hàng đã được Hội đồng định giá của UBND xã thông báo rõ ràng, chi tiết và được bà con nhân dân rất ủng hộ. Từ lúc thực hiện giãn cách đến nay, các chợ bị cấm họp, các tiểu thương không thể mua bán nên việc chính quyền địa phương tổ chức hỗ trợ như hiện nay là rất thiết thực”, ông Đỗ Đăng Thụ, thôn Mộc Hoàn Giáo (xã Vân Côn) cho hay.
“Dù mức giá thu mua không thể cao như trước đây, nhưng vào thời điểm khó khăn như hiện nay thì hoạt động trên đã góp phần giúp bà con nông dân tiêu thụ được nông sản, không để dư thừa trên đồng ruộng, ổn định cuộc sống” – bà Nguyễn Thị Gắng, thôn Linh Thượng (xã Vân Côn) hồ hởi chia sẻ.
Cũng triển khai mô hình giúp dân tiêu thụ nông sản, tại xã Song Phương (Hoài Đức, Hà Nội), tổ hỗ trợ tiêu thụ nông sản cũng làm việc hết công suất từ 5 giờ sáng tới 10 giờ đêm tại 3 điểm tập kết nông sản vừa thu mua, vừa hỗ trợ bà con kết nối thông tin nông sản nào sẽ được thu mua, số lượng, thời gian giao hàng…
Tất cả cùng chung tay, giúp sức
Trước những khó khăn về tiêu thụ nông sản của dân trong việc thực hiện giãn cách, sự chủ động của các địa phương đã tích cực tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản. Trong đó, đáng chú ý là sự huy động hiệu quả mọi lực lượng tham gia triển khai.
Theo ông Cao Văn Tiến, Phó trưởng phòng Kinh tế huyện Hoài Đức, huyện đã kịp thời có cơ chế hỗ trợ người dân là mỗi xã thành lập 1 tổ hỗ trợ tiêu thụ nông sản, thực phẩm. Huyện cấp phù hiệu cho các tổ được di chuyển trong địa bàn huyện. Với trường hợp di chuyển sang địa bàn khác ngoài huyện thì huyện hoặc xã sẽ làm việc với chính quyền địa phương đó để hỗ trợ hiệu quả nhất cho người nông dân.
Hàng ngày, các xã sẽ báo cáo loại, số lượng sản phẩm nông sản cần tiêu thụ, cần mua, để Tổ điều phối của huyện sắp xếp, hỗ trợ. Huyện cũng tiếp nhận thông tin về khó khăn trong việc sản xuất, tiêu thụ các mặt hàng nông nghiệp để kịp thời tháo gỡ, không để ùn ứ hay khan hiếm nông sản trên địa bàn trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội.
Theo thống kê, từ 6 – 19/8, các tổ hỗ trợ tiêu thụ nông sản trên địa bàn toàn huyện Hoài Đức đã giúp cho bà con nông dân tiêu thụ được tổng cộng 206 tấn rau, ngô; gần 52 tấn nhãn, ổi; trên 190.000 quả trứng gà, vịt; trên 455.000 quả trứng chim cút; 192.000 cây giống. Trong đó, trên 50% lượng nông sản đã được kết nối tiêu thụ tại các quận, huyện lân cận trên địa bàn thành phố Hà Nội. Đến nay, tại Hoài Đức đã không còn tình trạng “ế” ngoài đồng trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp.
Xem clip mô hình “Tổ hỗ trợ tiêu thụ nông sản” hoạt động hiệu quả tại xã Vân Côn, huyện Hoài Đức (Hà Nội):
Như vậy, có thể thấy rõ, bước đầu, các tổ hỗ trợ thu mua nông sản trên địa bàn huyện Hoài Đức đã phát huy hiệu quả, tháo gỡ khó khăn về tiêu thụ hàng hóa của bà con nông dân trong thời gian giãn cách xã hội.
Chị Nguyễn Thị Hồng Trâm, Ban chấp hành Chi đoàn xã Song Phương, vui mừng chia sẻ: “Nếu như thường ngày, bà con dễ dàng tiêu thụ nông sản ở chợ hay các đầu mối khác thì trong giãn cách, nông sản lại khó có thể tiêu thụ được. Đứng trước khó khăn chung, đoàn thanh niên chung tay hỗ trợ tiếp nhận nông sản của người dân thu hoạch được, sau đó chia túi, đóng gói. Tiếp đó, chúng em cử lực lượng đi theo xe của ủy ban đến một điểm giao hàng tập trung được quy định trước với bên thu mua. Ngay ở công đoạn đóng gói, chúng em cũng tuyển lựa lại một lần nữa các mặt hàng chất lượng, đây cũng là một cách giúp đảm bảo uy tín chung của nông sản xã Song Phương nói riêng và nông sản huyện Hoài Đức nói chung. Nhờ vậy, ngay sau khi chúng em đưa 1 tấn mướp hương lên Sơn Tây tiêu thụ thì nhận được ngay đơn đặt hàng 1 tấn mướp cho ngày kế tiếp.”
Trên các cánh đồng của xã Vân Côn, Song Phương và toàn huyện Hoài Đức, hoạt động sản xuất vẫn diễn ra hàng ngày; ruộng đỗ đũa, mướp, vẫn được thu hái một cách chủ động, nhờ các Tổ hỗ trợ tiêu thụ nông sản. Các loại rau, củ, quả được thu mua như mướp hương, cà tím, đậu đũa, ngô, cà bát trắng, cà bát xanh, cải mơ, cải ngồng, rau rền, mồng tơi… vẫn được trồng mới, được thu hái và tiêu thụ hiệu quả. Trong bối cảnh diễn biến của dịch COVD-19 còn hết sức phức tạp, sự chủ động của địa phương, sự chung tay của các nguồn lực như thế này là điều hết sức quan trọng để vừa đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế, ổn định đời sống cho người dân.
Theo Báo Tin Tức