Ít nhất 2 chuyến bay đã đưa 391 người, trong đó có thân nhân những người làm việc tại Đại sứ quán Hàn Quốc, Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA), các căn cứ quân sự, một bệnh viện và viện đào tạo nghề do Chính phủ Hàn Quốc điều hành, tới Hàn Quốc. Theo Bộ trưởng Tư pháp Hàn Quốc Park Beom-kye, chính phủ đang trong quá trình sửa đổi luật nhập cư cho phép người dân Afghanistan cư trú dài hạn với tư cách là người nước ngoài đã cung cấp dịch vụ cho đất nước. Ông thừa nhận có những tranh cãi xung quanh kế hoạch này, đồng thời cho biết quyết định tiếp nhận những người sơ tán Afghanistan rất “khó khăn”, song Hàn Quốc không thể từ bỏ bạn bè của mình.
Nhập cư lâu nay vẫn là một vấn đề gây tranh cãi ở Hàn Quốc – nơi nhiều người luôn tự hào về tính đồng nhất dân tộc, ngay cả khi già hóa dân số tăng nhanh và lực lượng lao động giảm dần.
Cùng ngày, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) thông báo đã hỗ trợ sơ tán 28.000 người từ Afghansitan kể từ khi Taliban giành chính quyền.
UAE và Qatar đã hỗ trợ các chuyến bay sơ tán công dân của những nước phương Tây, cũng như người dân Afghanistan. Trong số 28.000 người qua UAE, có 12.000 người được Anh sơ tán và 9.000 người được Mỹ sơ tán.
Hiện UAE cũng đang tiếp nhận tạm thời 8.500 người sơ tán, hầu hết sẽ tới Mỹ trong những ngày tới, trong khi một số khác đang phải nhập viện hoặc chăm sóc y tế.
Trong khi đó, Qatar cũng đã cung cấp vaccine ngừa COVID-19 cho những người sơ tán khỏi Afghanistan, đang ở tạm nước này.
Theo Bộ Ngoại giao Qatar, tính đến nay, nước này đã hỗ trợ sơ tán được hơn 40.000 người đến Doha và sẽ tiếp tục hỗ trợ các nỗ lực quốc tế trong những ngày tới. Những người không quá cảnh ngay sang nước khác sẽ được xét nghiệm PCR và tiêm vaccine ngừa COVID-19 nếu họ yêu cầu.
Hiện Doha đang tiếp nhận tạm thời 1 lượng lớn người sơ tán, trong đó hầu hết là sinh viên, các gia đình và nhà báo.
Cũng trong ngày 26/8, Ba Lan đã hoàn tất việc sơ tán người dân khỏi Afghanistan, sau khi đưa hơn 1.300 người rời khỏi Kabul.
Theo giới chức Ba Lan, hầu hết những người được sơ tán là nhân viên người Afghanistan làm việc cho quân đội của Ba Lan, cũng như nhân viên của Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).
Thứ trưởng Ngoại giao Ba Lan Marcin Przydacz khẳng định việc sơ tán bị ngừng lại vì “lý do an ninh”. Theo ông, Taliban chỉ cho phép công dân nước ngoài rời đi cho tới ngày 25/8.
Ba Lan sơ tán người dân khỏi Afghanistan tới Uzbekistan trước khi đưa họ tới nước này. Chuyến bay thứ 14 và cũng là chuyến bay cuối cùng từ Uzbekistan đã hạ cánh xuống thủ đô Vácsava trong ngày 26/8. Hiện đã có hơn 1.000 người sơ tán đến Ba Lan và đang trong quá trình cách ly.
Theo Báo Tin Tức