BNEWS Đến nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa 252 điều kiện, chiếm tỷ lệ 73%. Chi phí tiết kiệm được từ việc cắt giảm 46,42 tỷ đồng.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, về cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, theo Luật Đầu tư năm 2016, tổng số điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp là 345 điều kiện, tương ứng với 33 ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Đến nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa 252 điều kiện (bãi bỏ 115 điều kiện, sửa đổi 137 điều kiện), chiếm tỷ lệ 73%. Chi phí tiết kiệm được từ việc cắt giảm 46,42 tỷ đồng.
Tổng số lượng ngành nghề trong lĩnh vực nông nghiệp hiện là 34 ngành nghề với 272 điều kiện kinh doanh đang còn hiệu lực.
Về cắt giảm, đơn giản hóa danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành, tổng số sản phẩm, hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành thời gian đầu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn gồm 251 nhóm sản phẩm hàng hóa, với 7.698 dòng hàng. Đến nay, Bộ đã cắt giảm 5.288 dòng hàng (giảm 78% so với năm 2017); ước tính tiết kiệm cho người dân, doanh nghiệp trên là 21,6 tỷ đồng/năm.
Cùng với đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thực hiện tập trung thống nhất một đầu mối kiểm tra chuyên ngành 14 nhóm sản phẩm, hàng hóa. Số sản phẩm, hàng hóa kiểm tra chuyên ngành trước thông quan thuộc phạm vi quản lý của Bộ hiện nay chỉ còn 1.639 dòng hàng.
Như vậy, cùng với hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thực hiện bãi bỏ, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh không còn phù hợp, cắt giảm, cải tiến mạnh mẽ các thủ tục hành chính theo hướng một cửa liên thông; nâng cấp, mở rộng đăng ký trực tiếp qua cổng thông tin điện tử theo các cấp độ.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cho hay, tổng số thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý của Bộ tính đến ngày 31/5/2022 là 359 thủ tục và được cập nhật đầy đủ trên cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong việc khai thác, sử dụng.
Triệt để ứng dụng công nghệ thông tin, điện tử hóa thủ tục, rút ngắn thời gian và giảm chi phí thực hiện cho người dân, doanh nghiệp, hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có 50 dịch vụ công trực tuyến; trong đó 36 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3; 14 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4.
Năm 2022, Bộ tiếp tục triển khai xây dựng 17 dịch vụ công trực tuyến cấp Bộ tích hợp, cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Đồng thời, Bộ đẩy mạnh phân cấp trong giải quyết thủ tục hành chính đảm bảo đề xuất phân cấp ít nhất 20% thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề xuất phân cấp 54/344 thủ tục hành chính, đạt tỷ lệ 15,69%.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ sẽ tiếp tục thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp theo Nghị quyết số 02/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022 và Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 09/9/2021 của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19.
Đồng thời, tiếp tục rà soát, cắt giảm và đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành, rút; ngắn thời gian kiểm tra, tăng cường quản lý rủi ro, cắt giảm phí và lệ phí; giảm tối đa số lượng văn bản hiện hành có quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh theo chỉ đạo của Chỉnh phủ tại Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 12/5/2020 của Chính phủ ban hành Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 – 2025; trong đó, giai đoạn 2020 – 2025 cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% quy định, 20% chi phí tuân thủ.
Đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện, các điều kiện đầu tư kinh doanh phải thực sự cần thiết, đảm bảo rõ ràng, dễ hiểu, dễ thực hiện, không tạo rào cản gia nhập thị trường, không làm phát sinh chi phí cho người dân, doanh nghiệp
Theo BNews/