BNEWS Thành công và sự phục hồi kinh tế do vaccine mang lại đang song hành cùng những lo lắng và thách thức mới. Điều này được thể hiện trong báo cáo mới nhất của IMF.
Sự phục hồi từ “cú sốc” COVID-19 đang diễn ra nhanh hơn và mạnh hơn so với dự đoán của hầu hết các chuyên gia kinh tế.
Kết quả này phần lớn là nhờ vào thành tựu khoa học tiên tiến và sự góp sức của các tổ chức toàn cầu trong công cuộc phát triển và sản xuất các loại vaccine phòng dịch hiệu quả.
Tuy nhiên, trong bài viết đăng tải trên tờ Australian Financial Review, chuyên gia Martin Wofl nhận định giờ đây, nhiều người bắt đầu nghi ngờ về tính hiệu quả của “phép màu hiện đại”. Thành công và sự phục hồi kinh tế do vaccine mang lại còn đi cùng với những lo lắng và thách thức mới. Điều này được thể hiện rõ nét trong Báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới và Ổn định Tài chính Toàn cầu mới nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Báo cáo cho rằng mối quan tâm lớn nhất đến nay vẫn là đại dịch. Tính đến cuối tháng 9/2021, 58% dân số tại các nước có thu nhập cao đã được tiêm phòng đầy đủ 2 liều vaccine ngừa COVID-19. Trong khi đó, tại các nền kinh tế mới nổi, tỷ lệ này là 36% và tại các nước có thu nhập thấp, mới chỉ có 4% dân số được tiêm chủng. Hơn một nửa số quốc gia trên thế giới sẽ không đạt tỷ lệ tiêm chủng cho 40% dân số của nước họ trong năm nay.
Báo cáo giả định các nước sẽ đạt được thành công trong chương trình tiêm chủng toàn cầu để hướng tới kiểm soát đại dịch COVID-19 vào cuối năm sau. Tuy nhiên, sự chậm trễ trong việc triển khai tiêm sẽ làm gia tăng nguy cơ xuất hiện các loại virus biến thể mới, từ đó có khả năng gây sai lệch kỳ vọng của báo cáo.
Sự phục hồi kinh tế phát sinh một số lo ngại đáng kể. IMF nhận định kinh tế thế giới đang phục hồi mạnh mẽ, với dự báo tăng trưởng toàn cầu đạt mức 5,9% trong năm nay và 4,9% trong năm tới. Cả hai dự báo này gần như không đổi so với các dự báo đã được đưa ra vào tháng Bảy.
Mặc dù vậy, IMF nhận định sẽ có “vết sẹo” kinh tế đáng kể, ngoại trừ tín hiệu tích cực từ Mỹ, quốc gia đến năm 2024 có triển vọng đạt Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cao hơn 2,8 điểm phần trăm so với thời điểm trước đại dịch.
IMF phân tích “vết sẹo” lớn nhất sẽ đến từ các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển của châu Á (ngoại trừ Trung Quốc). Dự báo, tới năm 2024, các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển ở châu Á sẽ có tốc độ tăng trưởng GDP thấp hơn 9,4 điểm phần trăm so với trước đại dịch.
Tương tự, tại khu vực Mỹ Latinh, triển vọng tăng trưởng GDP sẽ giảm 5 điểm phần trăm và tại Trung Quốc là 2,1 điểm phần trăm. Trong khi đó tại các nền kinh tế có thu nhập cao (ngoài Mỹ), IMF dự báo tăng trưởng GDP chỉ giảm 0,3 điểm phần trăm, giúp triển vọng tăng trưởng kinh tế đến năm 2024 chỉ thấp hơn 2,3 điểm phần trăm so với quy mô trước đại dịch.
* Những nước nghèo nhất sẽ chịu ảnh hưởng nhiều nhất
Nhìn chung, đại dịch COVID-19 gây ảnh hưởng lớn nhất đến những nước nghèo nhất và những người dễ bị tổn thương nhất. Điều này một phần là do các nước nghèo chịu ảnh hưởng trực tiếp nhiều từ đại dịch nhiều hơn, trong khi thiếu nguồn lực để đối phó, bao gồm cả về mặt y tế và tài chính.
Tại các nền kinh tế có thu nhập cao và các nền kinh tế mới nổi, đang phát triển, tình trạng mất việc làm xuất hiện nhiều nhất ở nhóm những người trẻ tuổi và kỹ năng thấp. Khắp nơi trên thế giới, trẻ em phải tạm hoãn đến trường, gây gián đoạn việc học tập, đặc biệt là trẻ em từ các gia đình nghèo.
Bất chấp triển vọng phục hồi, tỷ lệ người có việc làm trên thế giới vẫn ở dưới mức trước đại dịch. Tuy nhiên, các vị trí tuyển dụng đang ngày một nhiều hơn và áp lực lạm phát tăng mạnh.
Áp lực lạm phát gia tăng phần lớn do hiện tượng giá cả hàng hóa tăng vọt, đặc biệt là dầu mỏ và khí đốt. Ngoài ra, tình trạng thiếu hụt chất bán dẫn và chip điện tử cũng gây ảnh hưởng đáng kể.
Tuy nhiên, với quy mô suy thoái vào năm 2020, những gián đoạn như vậy dường như là không đáng ngạc nhiên đối với tiến trình phục hồi kinh tế mạnh mẽ trên toàn cầu.
Mối lo ngại ở đây là sự gia tăng giá cả có thể làm giảm thu nhập thực tế, trong khi có khả năng tạo ra một vòng xoáy giá cả – tiền lương và một thời kỳ lạm phát đình trệ (hiện tượng kinh tế tăng trưởng thấp trong khi tỷ lệ lạm phát cao). Đó sẽ là “cơn ác mộng” của các ngân hàng trung ương.
IMF lạc quan rằng lạm phát sẽ chỉ xuất hiện trong một quãng thời gian ngắn. Tổ chức này nhấn mạnh rằng các thị trường lao động vẫn còn đình trệ, cơ cấu tiền lương không nhạy cảm với áp lực trên thị trường lao động và kỳ vọng lạm phát được duy trì chủ yếu ở các nước lớn có thu nhập cao, thay vì tại các nước mới nổi và đang phát triển.
Mặc dù vậy, như IMF lưu ý, tương lai của kinh tế thế giới hiện khó đoán hơn bình thường. Hầu hết các rủi ro bên lề có khả năng xuất hiện bao gồm các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có tốc độ lan truyền dịch bệnh nhanh hơn, cung cầu liên tục không khớp và áp lực về giá khiến quá trình bình thường hóa chính sách tiền tệ bị thúc đẩy nhanh hơn, tình trạng hỗn loạn khi một lĩnh vực tài chính bị mở rộng quá mức…
* Bất ổn chính trị
Bên cạnh những lo lắng kể trên, thế giới cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức liên quan đến những bất ổn chính trị trong nước, các cú sốc khí hậu, tấn công mạng Internet, gia tăng căng thẳng thương mại và công nghệ, và tệ nhất là sự đổ vỡ trong mối quan hệ Mỹ-Trung.
Để tìm kiếm “lời giải” cho những lo lắng này, IMF đề xuất hai giải pháp, đó là thúc đẩy sản xuất và phân phối vaccine nhanh hơn nữa, đồng thời tăng năng suất bền vững.
Trả lời câu hỏi rằng liệu hai giải pháp này đã là đầy đủ, tác giả Martin Wofl cho rằng điều quan trọng nhất hiện nay, cũng là điều khó khăn nhất là làm thế nào để tạo lập sự hợp tác tích cực và hiệu quả. Nếu một cuộc khủng hoảng ở cấp độ toàn cầu như đại dịch và một thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu không thể làm thay đổi suy nghĩ c
ủa các nhà lãnh đạo thế giới, thì rất khó kỳ vọng vào bất kỳ một giải pháp nào.
Tín hiệu về sự tiến bộ trong hợp tác sẽ thúc đẩy nỗ lực tăng tốc trong việc tiêm chủng toàn cầu. Các nhà lãnh đạo thế giới cần thể hiện quyết tâm bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất trước tác động lâu dài của đại dịch COVID-19 và nên có một thỏa thuận đầy tham vọng, đáng tin cậy tại Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26) sắp diễn ra ở Glasgow, Vương quốc Anh.
Theo các tiêu chuẩn đó, trách nhiệm trong nước của các ngân hàng trung ương và các bộ trưởng tài chính là tương đối đơn giản. Khi các nền kinh tế thoát khỏi đại dịch, sự hỗ trợ của chính phủ có thể sẽ ít hào phóng hơn, nhưng phải đạt được các mục tiêu tốt hơn.
Điều này có nghĩa là sự hỗ trợ cần phải đến từ các cơ quan tài chính toàn cầu. Các nước có thu nhập cao không gặp khủng hoảng tài chính, do đó, sự thắt lưng buộc bụng sớm sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu không được lặp lại. Hỗ trợ tài khóa cần phải triển khai rộng rãi, đến những nơi cần thiết và mức độ thắt chặt cần được đo lường.
Trong khi đó, một số ngân hàng trung ương cần bắt đầu rút lại chính sách tiền tệ cực kỳ lỏng lẻo hiện nay. Việc tái cân bằng các chính sách tài khóa và tiền tệ như vậy sẽ giúp ích cho cả người dân và nền kinh tế, đồng thời loại bỏ luồng chảy tài chính thoát khỏi nguồn tiền tự do./.
Theo BNews/