Trên thế giới, các mã chứng khoán ngành điện đang được chú ý do các diễn biến tiêu cực của ngành điện tại Châu Âu và Trung Quốc. Vì vậy, nhiều chuyên gia tin rằng các cổ phiếu điện cũng như nước Việt Nam sẽ được quan tâm hơn và sẽ lấy lại vị thế trong thời gian tới.
Dưới đây là báo cáo phân tích của Công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC) về 2 ngành này và một số khuyến nghị
Giá CGM duy trì ở mức cao mặc dù tiêu thụ điện thấp trong tháng 4
Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), sản lượng điện tiêu thụ trong 4 tháng 2022 đạt 75 tỷ kWh (+6,3% YoY). Tính riêng trong tháng 4, sản lượng tiêu thụ điện chỉ tăng 2,6% YoY, một phần do thời tiết mát hơn. VCSC kỳ vọng tiêu thụ điện sẽ tăng tốc trong những tháng tới và dự báo mức tăng trưởng tiêu thụ điện là 10% YoY so với mức cơ sở thấp 5% YoY trong năm 2021.
Năng lượng tái tạo và thủy điện đang dẫn đầu về nguồn cung, với mức tăng trưởng sản lượng trong 4 tháng 2022 lần lượt là 38% và 21% YoY. Trong khi đó, sản lượng điện khí gần như đi ngang (-1% YoY) và sản lượng nhiệt điện than giảm 6% YoY do thiếu hụt than. VCSC lưu ý rằng trong tháng 4, sản lượng thủy điện tiếp tục tăng so với tháng trước (MoM), một phần nhờ vào mùa mưa đến sớm.
Giá thị trường điện (CGM) hàng tháng trong tháng 4 tiếp tục tăng lên 1.793 đồng/kWh (+62% YoY và +2% MoM). VCSC cho rằng giá cao hơn trong tháng 4 là do giá khí và than cao mặc dù lượng điện tiêu thụ thấp. Trong 4 tháng 2022, giá CGM trung bình là 1.590 đồng (+44% YoY). VCSC dự báo giá CGM trung bình là 1.280 đồng/kWh (+28% YoY) trong năm 2022.
Giá CGM cao nên các nhà máy thủy điện được hưởng lợi nhiều nhất do chi phí cố định của các nhà máy này. Trong số các cổ phiếu VCSC theo dõi, REE có danh mục thủy điện lớn nhất (500MW) và HDG có danh mục thủy điện lớn thứ hai (314MW).
Trong báo cáo phân tích gửi các nhà đầu tư, Công ty chứng khoán Bản Việt đang có khuyến nghị MUA đối với HDG và đánh giá KHẢ QUAN đối với REE.
Đầu tư vào các công ty cấp nước Cần Thơ giúp gia tăng giá trị
BWE công bố đã mua thành công 48,86% cổ phần của CTCP Cấp nước Cần Thơ 2 (chưa niêm yết) và 24,64% cổ phần của CTCP Cấp thoát nước Cần Thơ (UPCoM: CTW). Các công ty cấp nước này chiếm tổng cộng khoảng 90% thị phần trong ngành cấp nước tại Cần Thơ với tổng công suất thiết kế khoảng 200.000 m3/ngày – xấp xỉ 1/3 công suất hiện tại của BWE. Theo BWE, công ty đã chi khoảng 300 tỷ đồng cho các khoản đầu tư này. Theo quan điểm của VCSC, giá mua tương đương trị P/E và P/B năm 2021 lần lượt là 15 lần và 1,3 lần là hợp lý, dựa trên thị phần thống trị này tại Cần Thơ và triển vọng tăng trưởng tiềm năng của các công ty. Nhu cầu nước công nghiệp ngày càng tăng của Cần Thơ và tiềm năng tăng giá nước sẽ cải thiện đáng kể khả năng sinh lời. Do chuyên môn của BWE, VCSC tin rằng BWE có thể giúp giảm tỷ lệ thất thoát nước của Cần Thơ còn 15% vào năm 2021. VCSC định giá các khoản đầu tư này ở mức gấp 2 lần giá trị sổ sách, điều này phần nào giúp tăng định giá của chúng tôi đối với BWE và TDM. Ngoài ra, TDM đã trình kế hoạch chi tổng cộng 213 tỷ đồng để mua cổ phần tại 2 công ty cấp nước Cần Thơ.
VCSC duy trì dự báo nhu cầu nước sẽ phục hồi vào năm 2022. VCSC dự báo sản lượng nước thương phẩm của BWE và TDM sẽ lần lượt tăng 10% YoY và 11% YoY vào năm 2022 khi tỉnh Bình Dương phục hồi sau khi các tác động của dịch COVID-19 giảm dần. Trong quý 1/2022, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh Bình Dương tăng 7,2% YoY so với mức 6,9% vào quý 1/2021. Ngoài ra, tỉnh đặt mục tiêu GRDP đạt 8,3% trong năm 2022 so với mức 2,6% vào năm 2021. VCSC lưu ý rằng sản lượng nước thương phẩm tháng 4 không tăng mạnh như VCSC kỳ vọng và giảm dự báo tăng trưởng sản lượng nước thương phẩm năm 2022 từ 12,5% còn 10,0% đối với BWE và từ 13% còn 11% đối với TDM. VCSC cho rằng sản lượng nước thương phẩm thấp trong tháng 4 do 1) các công ty sản xuất thận trọng trong việc mở rộng do chi phí đầu vào tăng và 2) mùa mưa đến sớm, một phần dẫn đến nhu cầu nước thấp.
VCSC tăng giá mục tiêu đối với cổ phiếu BWE thêm 10% lên 60.600 đồng/CP và giữ nguyên khuyến nghị MUA. Giá mục tiêu cao hơn của VCSC đến từ đóng góp giá trị từ các công ty cấp nước Cần Thơ và hiệu ứng tích cực của việc VCSC cập nhật giá mục tiêu đến giữa năm 2023, bù đắp cho mức giảm 5% trong dự báo tổng lợi nhuận của VCSC cho giai đoạn 2022-2026 do sản lượng nước thương phẩm 4 tháng đầu năm 2022 thấp hơn dự kiến. Định giá của BWE có vẻ hấp dẫn với P/E là 14,5 lần, tương ứng PEG là 0,6 và EV/EBITDA là 8,1 lần – chiết khấu 20% so với các công ty cùng ngành trong khu vực (xem trang 4).
VCSC hạ giá mục tiêu đối với TDM thêm 3% còn 39.900 đồng/CP và điều chỉnh khuyến nghị từ MUA xuống KHẢ QUAN. Giá mục tiêu thấp hơn của VCSC do giảm dự báo tổng LNST giai đoạn 2022-2026 thêm 17% tương ứng với sản lượng nước thương phẩm thấp hơn dự kiến trong 4 tháng đầu năm 2022 và dự báo chi phí khấu hao và lãi vay cao hơn từ việc mở rộng công suất mới, ảnh hưởng đóng góp giá trị từ các công ty cấp nước Cần Thơ và tác động tích cực của việc VCSC cập nhật giá mục tiêu đến giữa năm 2023 (xem trang 16).
Nguồn: https://marketinsider.vn/