BNEWS “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”.
Sáng 21/7, tại Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã trình bày chuyên đề “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”.
Tại Hội nghị Trung ương 5, khóa XIII vừa qua, Ban Chấp hành Trung ương đã dành nhiều thời gian thảo luận một cách dân chủ và đã thống nhất cao ban hành Nghị quyết mới về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao” (Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương).
Thủ tướng đã tập trung phân tích 5 nội dung, nhấn mạnh những điểm mới của Nghị quyết so với trước đây: Các yếu tố nền tảng làm cơ sở xây dựng, hoàn thiện thể chế về đất đai; tính cấp thiết phải tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất; một số quan điểm, mục tiêu; một số nhiệm vụ, giải pháp; công tác tổ chức thực hiện.
* Kịp thời tháo gỡ những vướng mắc trong công tác quản lý và sử dụng đất đai
Nhấn mạnh các yếu tố nền tảng làm cơ sở xây dựng, hoàn thiện thể chế về đất đai, Thủ tướng nêu rõ, trên cơ sở Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011), các chủ trương, đường lối, Nghị quyết của Đảng, chúng ta đã và đang phấn đấu xây dựng một xã hội xã hội chủ nghĩa trên cơ sở các nền tảng: Nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa; Xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; Nền dân chủ XHCN, phát huy ý chí và sức mạnh của đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp với sức mạnh thời đại.
Để xây dựng được các nền tảng này, chúng ta phải lấy con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, động lực, nguồn lực cho sự phát triển; phát huy tối đa yếu tố con người Việt Nam về trí tuệ, tài năng, phẩm chất, đạo đức và các năng lực khác; không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội, an sinh xã hội, môi trường để đổi lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần – Thủ tướng nêu rõ.
Hiện nay, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục có nhiều biến động nhanh, phức tạp, khó lường về cả kinh tế, chính trị, xã hội; các vấn đề an ninh truyền thống, phi truyền thống, như thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu… trong đó có cả những thách thức đối với nguồn lực đất đai đã tác động, ảnh hưởng đến xây dựng và thực hiện chính sách, pháp luật về đất đai ở nước ta.
Thêm vào đó, xu thế phát triển của thế giới, nhất là tác động mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đặt ra yêu cầu thay đổi căn bản từ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
Bối cảnh đó đã đặt ra yêu cầu cấp thiết phải tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc trong công tác quản lý và sử dụng đất đai, bảo đảm hài hòa các lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh, sử dụng hiệu quả đất đai, tạo nguồn lực và động lực mới, phấn đấu đến năm 2030 nước ta trở thành nước công nghiệp hiện đại, có thu nhập trung bình cao; và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
* Giải phóng, phát huy nguồn lực đất đai để tạo động lực cho phát triển
Thủ tướng nêu rõ: Tính cấp thiết phải tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất xuất phát từ 3 lý do chủ yếu: Yêu cầu cấp thiết phải giải phóng, phát huy nguồn lực đất đai để tạo động lực cho phát triển; căn cứ chính trị; căn cứ thực tiễn.
Về yêu cầu cấp thiết phải giải phóng, phát huy nguồn lực đất đai để tạo động lực cho phát triển, Thủ tướng nêu: “Thực tiễn cho thấy, nếu các chủ trương, chính sách, pháp luật về đất đai được đầu tư nghiên cứu kỹ, xuất phát từ thực tiễn, bám sát thực tiễn, đi vào thực tiễn thì mang lại hiệu quả rất lớn và ngược lại. Mặc dù vậy, các chủ trương, chính sách dù hoàn thiện tới đâu cũng không thể bao phủ hết các góc cạnh của cuộc sống, mặt khác, quá trình phát triển nói chung và việc quản lý, sử dụng đất nói riêng còn chịu tác động từ nhiều yếu tố và luôn thay đổi. Do đó, chúng ta bám sát thực tiễn, vừa làm vừa đúc rút, tổng kết kinh nghiệm, mở rộng, hoàn thiện dần, không cầu toàn, không nóng vội”.
Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII và các Nghị quyết gần đây đều đặt ra các yêu cầu: Hoàn thiện đồng bộ, có chất lượng hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển, nhất là đất đai, tài chính.
Thủ tướng nhấn mạnh, chủ trương, chính sách, pháp luật về đất đai là đặc biệt quan trọng đối với sự ổn định và phát triển bền vững đất nước. Thực tiễn, việc hoàn thiện chính sách, pháp luật về đất đai đều được xây dựng trên cơ sở định hướng chính trị của Đảng.
* Nhiều điểm mới trong các quan điểm chỉ đạo
Nghị quyết khẳng định quan điểm xuyên suốt của Đảng về đất đai: Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Điểm mới của Nghị quyết lần này là làm rõ hơn vai trò của Nhà nước với tư cách là đại diện chủ sở hữu và nội hàm, ý nghĩa của chế độ sở hữu toàn dân về đất đai; đồng thời đặt ra yêu cầu mới phải công khai, minh bạch và trách nhiệm phải giải trình trong thu hồi đất.
Nghị quyết nhấn mạnh quan điểm: Nhà nước thống nhất quản lý đất đai theo lãnh thổ quốc gia, cả về diện tích, chất lượng, giá trị kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, môi trường; phân công hợp lý giữa các cơ quan Nhà nư
ớc ở Trung ương, đồng thời có sự phân cấp, phân quyền phù hợp, hiệu quả đối với địa phương và tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát, xử lý vi phạm. Đây là nội dung có nhiều điểm mới, bổ sung, làm rõ việc quản lý về đất đai bao gồm cả diện tích và chất lượng; đồng thời phân cấp rõ hơn giữa các cấp.
Nghị quyết cũng kế thừa quan điểm của Nghị quyết 19-NQ/TW, trong đó tiếp tục khẳng định quyền sử dụng đất là một loại tài sản và hàng hóa đặc biệt, nhưng không phải là quyền sở hữu; đồng thời bổ sung thêm: Bên cạnh quyền sử dụng đất thì tài sản gắn liền với đất được pháp luật bảo hộ.
Điều này phù hợp với Luật Dân sự năm 2015 và đây là cơ sở để hoàn thiện các chế định về thúc đẩy thị trường quyền sử dụng đất và là nguyên tắc để giải quyết các vấn đề đất đai do lịch sử để lại.
Nghị quyết nêu rõ: Thể chế, chính sách về đất đai phải được hoàn thiện đồng bộ và phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Nội dung này của Nghị quyết là quan điểm mới, có tính khái quát cao, là định hướng lớn cho công tác hoàn thiện thể chế, chính sách về đất đai, trong đó trọng tâm là sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 và các luật khác có liên quan, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất.
Nghị quyết nhấn mạnh quan điểm đối với công tác quản lý Nhà nước về đất đai. Nội dung này có nhiều điểm mới, đặt ra những yêu cầu về kiện toàn tổ chức bộ máy; nâng cao vai trò của cơ quan tư pháp trong giải quyết khiếu nại, tố cáo, tranh chấp về đất đai; quy hoạch sử dụng đất phải có tầm nhìn dài hạn, bảo đảm phát triển bền vững, hài hòa lợi ích giữa các thế hệ, vùng miền, giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo đảm an ninh lương thực.
Đây là một định hướng lớn, với yêu cầu cao đối với công tác quy hoạch, sử dụng đất (yêu cầu mang tính đa chiều về cả không gian và thời gian).
Nghị quyết khẳng định: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị – xã hội và nhân dân trong xây dựng, thực hiện và giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đất đai.
Căn cứ vào các mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 đã được đưa ra tại Đại hội lần thứ XIII của Đảng; bám sát các quan điểm chỉ đạo, Nghị quyết xác định 3 mục tiêu tổng quát và 6 mục tiêu cụ thể.
Để hoàn thành các mục tiêu nêu trên, yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương theo chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao, phải tập trung thực hiện quyết liệt, hiệu quả với quyết tâm cao, nỗ lực lớn ngay từ bây giờ, đặc biệt phải tập trung sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 và trình Quốc hội khóa XV ngay tại Kỳ họp thứ 4 sắp tới.
Nghị quyết số 18-NQ/TW đưa ra 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp lớn với những nội dung chính: Thứ nhất, nhóm nhiệm vụ, giải pháp về thống nhất nhận thức trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về quản lý, sử dụng đất trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.
Thứ hai, nhóm nhiệm vụ, giải pháp về hoàn thiện thể chế, chính sách quản lý và sử dụng đất đồng bộ với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.
Trung ương đã phân tích, đánh giá và thống nhất cao về các giải pháp, chủ trương, định hướng tiếp tục đổi mới, hoàn thiện chính sách, pháp luật về đất đai, trọng tâm là “sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan, bảo đảm đồng bộ, thống nhất, đáp ứng yêu cầu phát triển mới” với 8 nội dung. Thủ tướng nêu lên nhiều điểm mới như yêu cầu nội dung quy hoạch sử dụng đất phải kết hợp giữa chỉ tiêu các loại đất gắn với không gian (trên không và dưới ngầm), phân vùng sử dụng đất, hệ sinh thái tự nhiên (phân theo khu vực cần bảo vệ nghiêm ngặt, khu vực cần giữ ổn định, khu vực phát triển), thể hiện được thông tin đến từng thửa đất.
Một điểm mới nữa là cơ chế góp quyền sử dụng đất đối với tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, điều chỉnh lại đất đai đối với các dự án phát triển, chỉnh trang đô thị và khu dân cư nông thôn (trước đây, đối với các dự án phát triển, chỉnh trang đô thị và khu dân cư nông thôn thì Nhà nước đứng ra thu hồi và chưa có quy định về điều chỉnh lại đất đai đối với các loại dự án này).
Đối với các dự án phát triển kinh tế – xã hội phù hợp với quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất, sẽ xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách để tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có quyền sử dụng đất tham gia với nhà đầu tư để thực hiện các dự án dưới hình thức chuyển nhượng, cho thuê, góp vốn bằng quyền sử dụng đất.
Để giải quyết tình trạng chậm triển khai dự án do chậm bàn giao mặt bằng, Nghị quyết đặt ra yêu cầu tiếp tục thực hiện thí điểm và sớm tổng kết chủ trương tách dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư ra khỏi dự án đầu tư để thực hiện trước.
Nghị quyết yêu cầu có chế tài cụ thể và đồng bộ để xử lý các trường hợp đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất nhưng không sử dụng hoặc chậm sử dụng. Kiên quyết thu hồi đất của tổ chức, cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp sử dụng đất không đúng mục đích, nhất là tại các vị trí có lợi thế, khả năng sinh lợi cao, ngăn chặn thất thoát vốn, tài sản Nhà nước.
Nghị quyết cũng bỏ khung giá đất, đồng thời yêu cầu có cơ chế, phương pháp xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường, quy định chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm của cơ quan có nhiệm vụ xác định giá đất. Trung ương xây dựng tiêu chí và quy trình kiểm tra, giám sát các địa phương trong việc xây dựng bảng giá đất. Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định, kiểm tra, giám sát việc thực hiện giá đất.
Nghị quyết yêu cầu hoàn thiện các quy định bảo đảm công khai, minh bạch như: Công khai giá đất, bắt buộc giao dịch qua các sàn giao dịch, thanh toán qua ngân hàng, không dùng tiền mặt; xử lý nghiêm các vi phạm.
Nghị quyết đưa ra chủ trương quy định mức thuế cao hơn đối với người sử dụng nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở, đầu cơ đất, chậm sử dụng đất, bỏ đất hoang và có cơ chế điều tiết hợp lý, hiệu quả nguồn thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất giữa Trung ương và địa phương.
Việc hoàn thiện quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định c
ư, thu hồi đất là nội dung hết sức quan trọng, tác động trực tiếp đến người sử dụng đất khi Nhà nước thu hồi đất – Thủ tướng nhấn mạnh.
“Chúng ta đều biết, khiếu kiện liên quan đến đất đai trong giai đoạn 2014-2020 thường chiếm từ 60-70% số lượng vụ việc hành chính; trong đó 60-70% là liên quan đến bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; việc chậm giải phóng mặt bằng khiến nhiều dự án lớn chậm tiến độ, đội vốn… Đây là vấn đề rất lớn đặt ra cần giải quyết trong đổi mới chính sách pháp luật đất đai”, Thủ tướng nói.
Thứ ba, nhóm nhiệm vụ giải pháp về đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số và nâng cao năng lực quản lý Nhà nước về đất đai.
Thứ tư, nhóm nhiệm vụ, giải pháp về đổi mới, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm; giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Theo Thủ tướng, đây là nhiệm vụ then chốt để khắc phục những bất cập trong quản lý, sử dụng đất đai trong giai đoạn vừa qua, nhất là trong công tác tổ chức thi hành chính sách, pháp luật về đất đai.
Thứ năm, nhóm nhiệm vụ, giải pháp về tập trung giải quyết cơ bản những hạn chế, khuyết điểm, vướng mắc kéo dài liên quan đến quản lý và sử dụng đất.
Thứ sáu, nhóm nhiệm vụ, giải pháp về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; các tổ chức chính trị – xã hội và nhân dân trong quản lý và sử dụng đất.
Về tổ chức thực hiện, Bộ Chính trị sẽ ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết; lãnh đạo, chỉ đạo triển khai đồng bộ, kịp thời, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, hành động của cả hệ thống chính trị. Đây là điểm mới trong tổ chức thực hiện và điều này còn cho thấy tầm quan trọng của Nghị quyết cũng như chính sách, pháp luật về đất đai đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước./.
Theo BNews/