BNEWS Bên cạnh sự gián đoạn chuỗi cung ứng và tình trạng thiếu hụt lao động, phi toàn cầu hoá cũng được coi là một phần nguyên nhân dẫn đến xu hướng gia tăng lạm phát trong ngắn hạn.
Theo tờ Wall Street Journal ngày 5/12, trong khi các vấn đề như gián đoạn chuỗi cung ứng, thiếu hụt lao động và kích thích tài khóa được cho là nguyên nhân dẫn đến xu hướng gia tăng lạm phát trong ngắn hạn, tình trạng “phi toàn cầu hóa” cũng được coi là một phần nguyên nhân.
Các nhà kinh tế và hoạch định chính sách từ lâu đã cho rằng toàn cầu hóa giúp hạ giá cả. Khi các rào cản thương mại giảm xuống, các công ty trong nước buộc phải cạnh tranh với hàng nhập khẩu rẻ hơn.
Tự do hóa thương mại và công nghệ đã khuyến khích các doanh nghiệp đưa sản xuất ra nước ngoài tới những quốc gia có chi phí lao động thấp. Nhìn chung, các chính sách nhập cư tự do cho phép nhiều người lao động ở những nước có mức lương thấp hơn chuyển đến các nước giàu hơn, mặc dù mối liên hệ giữa nhập cư và tiền lương vẫn chưa thực sự rõ ràng.
Tuy nhiên, mô hình này có thể đảo ngược khi đại dịch COVID-19 đẩy nhanh quá trình thoái lui khỏi toàn cầu hóa, vốn đã diễn ra trong vài năm. Trong khi các nút thắt trong chuỗi cung ứng cuối cùng sẽ giảm bớt, các xu hướng khác vẫn có thể sẽ kéo dài, ví dụ các chính sách bảo hộ như thuế quan và các quy tắc mua sắm “Mua hàng của Mỹ”, các doanh nghiệp chuyển hoạt động sản xuất trở lại nước Mỹ, nơi sẽ ít bị ảnh hưởng hơn bởi các chính sách nói trên cũng như tình trạng dòng người nhập cư giảm.
Bà Dana Peterson, chuyên gia kinh tế trưởng của Conference Board, một tổ chức nghiên cứu độc lập được hỗ trợ bởi các doanh nghiệp lớn của Mỹ, cho biết: “Việc tái tổ chức và rút ngắn chuỗi cung ứng sẽ tạo ra chi phí. Những chi phí này sẽ chuyển sang các nhà cung cấp và cuối cùng người tiêu dùng sẽ phải gánh chịu”.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng quá trình toàn cầu hóa đã ảnh hưởng đến môi trường giá cả ở Mỹ. Bà Kristin Forbes, một chuyên gia kinh tế học của Viện Công nghệ Massachusetts, đã phát hiện ra rằng những thành phần của chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã chịu ảnh hưởng bởi các nhân tố toàn cầu, chẳng hạn như giá hàng hóa, biến động tiền tệ và chuỗi giá trị toàn cầu.
Các nhà kinh tế học Robert Johnson của hai trường đại học Notre Dame và Diego Comin ở Dartmouth đã phát hiện trong một nghiên cứu công bố năm 2020 rằng thương mại quốc tế có tác động làm tăng giá tiêu dùng hàng năm của Mỹ từ 0,1%-0,4% trong giai đoạn các năm 1997-2018.
Theo các dữ liệu của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), được phân tích bởi Conference Board, tỷ lệ thành phần đến từ nước ngoài trong quy trình sản xuất chế tạo toàn cầu đã tăng từ 17,3% năm 1995 lên 26,5% năm 2011. Tỷ lệ này đã giảm xuống còn 23,5% vào năm 2020. Đầu tư trực tiếp nước ngoài toàn cầu, một thước đo chính của việc mở rộng kinh doanh xuyên biên giới, đạt đỉnh khoảng 2.000 tỷ USD vào năm 2015 và giảm xuống 1.500 tỷ USD vào năm 2019, theo Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) .
Trong quá khứ, quá trình phi toàn cầu hóa đã có động lực với việc xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, việc Vương quốc Anh bỏ phiếu tách khỏi Liên minh châu Âu (EU) vào năm 2016 và chương trình thuế quan của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump phát động. Phi toàn cầu hóa có thể góp phần làm gia tăng môi trường lạm phát cao hiện nay, mặc dù những tác động đó có thể là do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.
Các nhà kinh tế của ngân hàng Citi lưu ý rằng, giá cả đồ nội thất gia đình và kinh doanh, vốn đã giảm gần như liên tục sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, bắt đầu tăng vào năm 2017 khi chính quyền cựu Tổng thống Trump chuẩn bị đánh thuế quan đối với Trung Quốc, bằng việc áp mức thuế 25% đối với các sản phẩm này. Giá những mặt hàng này đã tăng 3% trong khoảng thời gian từ tháng 10/2017 đến tháng 3/2020 và kể từ đó đã tăng thêm 8,5%.
Theo Diễn đàn Hành động Mỹ (AAF) – một tổ chức nghiên cứu chính sách trung hữu – thuế quan của chính quyền ông Trump đối với thép, nhôm và hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, kết hợp với các mức thuế trả đũa của các đối tác thương mại đã làm tăng chi phí hàng năm của người tiêu dùng Mỹ thêm khoảng 51 tỷ USD/năm. Tổng thống Biden đã thương lượng để chấm dứt một số chính sách thuế quan từ chính quyền ông Trump như đối với thép và nhôm từ châu Âu, nhưng Washington vẫn giữ nguyên phần lớn thuế quan với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.
Bộ Thương mại Mỹ tháng trước đã tăng gấp đôi mức thuế áp dụng vào năm 2017 đối với gỗ xẻ của Canada lên 18%. Quyết định này xuất phát từ những lời phàn nàn kéo dài hàng thập kỷ của các nhà sản xuất Mỹ, cho rằng hàng xuất khẩu của Canada được trợ cấp. Chủ tịch Hiệp hội các nhà xây dựng nhà ở quốc gia Chuck Fowke cho biết, việc tăng thuế sẽ “gây áp lực lên giá gỗ xẻ và làm cho giá nhà ở đắt hơn”, đồng thời lưu ý rằng các doanh nghiệp xây dựng đang phải vật lộn với chi phí xây dựng tăng và giá gỗ xẻ cao hơn đáng kể trước đại dịch.
Chính quyền ông Biden vào tháng Sáu đã cấm nhập khẩu một số vật liệu tấm pin Mặt Trời từ khu vực Tân Cương của Trung Quốc. Hậu quả là giá polysilicon, một thành phần chính của tấm pin Mặt Trời, đã tăng lên hơn 20 USD/kg trong quý II/2021, so với mức chỉ 6,20 USD của một năm trước đó, theo công ty nghiên cứu Wood Mackenzie.
Ông Abigail Hopper, Giám đốc điều hành của Hiệp hội Công nghiệp Năng lượng Mặt trời, cho biết: “Sự không chắc chắn về chính sách đang có tác động rất lớn đến sự sẵn có và giá cả của sản phẩm”. Chính quyền ông Biden cũng đang tìm cách khôi
phục chuỗi cung ứng đối với một số sản phẩm quan trọng như chất bán dẫn, dược phẩm và khoáng chất đất hiếm, đồng thời đề xuất đẩy nhanh yêu cầu các cơ quan liên bang mua sắm nhiều sản phẩm do Mỹ sản xuất hơn.
Ông Gary Clyde Hufbauer, một chuyên gia kinh tế của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, nhận định: “Chính quyền ông Biden không chỉ tiếp tục các chính sách thương mại của ông Trump mà còn khuếch đại chúng bằng các điều khoản nghiêm ngặt hơn về ý tưởng “Mua hàng của Mỹ”, các yêu cầu đối với tỷ lệ sản xuất nội địa và các đề xuất ủng hộ công đoàn đối với xe điện và pin trong các dự luật chi tiêu mới”.
Ông Hufbauer ước tính những biện pháp do chính quyền hai Tổng thống Trump và Biden thực hiện có thể khiến lạm phát của Mỹ tăng thêm 0,5 điểm phần trăm trong thời gian bị ảnh hưởng bởi các chính sách.
Trong khi đó, các chuyên gia kinh tế tại JPMorgan Chase & Co. ước tính số người nhập cư vào Mỹ trong năm nay sẽ thấp hơn khoảng 3 triệu người nếu xu hướng nhập cư trước năm 2017 vẫn tiếp tục. Giám đốc điều hành của Domino’s Pizza Inc. Richard Allison cho biết tỷ lệ nhập cư thấp hơn trong những năm gần đây đã góp phần vào sự thiếu hụt lao động do đại dịch gây ra, đặc biệt là tài xế, làm tăng chi phí và phí giao hàng.
Nhiều công ty Mỹ đã thúc đẩy chính quyền nới lỏng thuế quan để giảm chi phí sản xuất một số sản phẩm, chẳng hạn như giày trẻ em, thép và nhôm. Trong khi đó, Phòng Thương mại Mỹ cũng yêu cầu nâng giới hạn đối với thị thực nhập cư.
Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cho rằng việc chuyển chuỗi cung ứng trở lại nước Mỹ có thể có tác động lâu dài hơn so với việc thay đổi thuế quan, nhất là vào thời điểm khi các quy định hạn chế nhập cư và việc nghỉ hưu đối với những người thuộc thế hệ “bùng nổ trẻ sơ sinh” (những người sinh vào giai đoạn từ 1950-1969) khiến thị trường lao động Mỹ gặp khó khăn./.
Theo BNews/