BNEWS Không phải ngẫu nhiên mà 5 trong số 7 công ty lớn nhất thế giới về giá trị vốn hóa thị trường, bao gồm Apple, Microsoft, Alphabet/Google, Amazon và Meta/Facebook, đều là các hệ sinh thái.
Việc cổ phiếu của Sony giảm 10% trong tuần này sau khi Microsoft công bố sẽ mua lại nhà phát triển nội dung trò chơi điện tử (game) Activision Blizzard cho thấy dù muộn màng nhưng thị trường đã nhận thức được một khiếm khuyết còn tồn tại trong đế chế của Sony, đó là “ông lớn” này còn thiếu một hệ sinh thái.
Trái ngược hoàn toàn, Microsoft lại là một hệ sinh thái đáng gờm mà các yếu tố cấu thành của nó, như các thiết bị, hệ điều hành, trình duyệt web, máy tìm kiếm, các ứng dụng, nội dung, bộ nhớ đám mây, hoạt động tương hỗ để cùng nhau thu hút và giữ chân người dùng.
Hiệu ứng hệ sinh thái này là thứ đã quá quen thuộc với những người dùng các máy tính cá nhân chạy trên hệ điều hành Windows OS, khi hệ điều hành này sẽ chuyển hướng người dùng sang trình duyệt Edge của Microsoft và máy tìm kiếm Bing dù người dùng không muốn.
Không phải ngẫu nhiên mà năm trong số bảy công ty lớn nhất thế giới về giá trị vốn hóa thị trường, bao gồm Apple, Microsoft, Alphabet/Google, Amazon và Meta/Facebook, đều là các hệ sinh thái.
Mỗi một quyết định của người tiêu dùng trong việc mua một thiết bị, dù là một máy tính cá nhân, điện thoại thông minh (smartphone), máy đọc sách Kindle, hay một thiết bị chơi trò chơi điện tử, đều là một “sự đầu hàng” trước một hệ sinh thái được kết nối lẫn nhau. Sự pha lẫn giữa các hệ sinh thái là có thể, nhưng về mặt thiết kế là không hề dễ dàng. Chính vì thế, các hệ sinh thái đang lao vào một cuộc chiến để tranh giành khách hàng.
Trớ trêu thay, không phải Sony không nhận ra ý nghĩa chiến lược của hiệu ứng hệ sinh thái. Quyết định của Sony trong việc thâu tóm CBS Records và Columbia Pictures vào cuối những năm 1980 khởi nguồn từ quan điểm cho rằng việc kiểm soát nội dung giải trí bằng cách này hay cách khác có thể sẽ thúc đẩy doanh số bán thiết bị, như Betamax VCR và Sony Walkman.
Thế nhưng, điều mà Sony không nhận thấy là việc độc quyền các nội dung bị kiểm soát này trên các thiết bị của Sony sẽ “gậy ông đập lưng ông”. Hầu như không ai đi mua một chiếc Walkman chỉ vì nó là cách duy nhất để nghe nhạc Michael Jackson.
Và việc Sony từ chối cấp phép nhạc Michael Jackson cho những người không sử dụng thiết bị của Sony sẽ khiến hãng vô lý mất đi khoản doanh thu từ phí bản quyền đối với bên thứ ba. Sony nhận thấy hiệu ứng hệ sinh thái giữa nội dung và các thiết bị, nhưng không may thay, lại hiểu sai và áp dụng không đúng cách.
Mối đe dọa trước mắt đối với Sony từ việc Microsoft thâu tóm Activision Blizzard là Microsoft sẽ biến những nội dung mà hãng này mua lại, bao gồm các trò chơi điện tử thuộc dạng “bom tấn” trên toàn cầu như Call of Duty và World of Warcraft, trở thành các nội dung độc quyền chỉ dành cho người dùng Xbox và “chiêu mộ” thêm những người dùng PlayStation muốn tiếp tục được chơi các trò chơi yêu thích này.
Nhưng đây chỉ là một yếu tố trong các hiệu ứng hệ sinh thái đa dạng mà Microsoft có thể triển khai để đánh bại Sony. Chẳng hạn như, Sony nên lo lắng dần về thực tế là hãng này không có năng lượng đám mây hay phát trực tiếp (streaming) của riêng mình và phải phụ thuộc vào nền tảng Azure của Microsoft để phát các nội dung streaming đến các người dùng Sony.
Mảng game và dịch vụ mạng của Sony hiện chiếm 30% doanh thu của hãng. Thật khó để tưởng tượng trong dài hạn Sony sẽ cạnh tranh như thế nào trong một mảng game nhỏ hẹp, khi mà hãng này còn chưa thể cạnh tranh với những đối thủ như Microsoft, Alphabet/Google và Amazon trong tất cả các mảng thuộc phạm vi hiệu ứng sinh thái giữa thiết bị và nội dung.
Tuyên bố sứ mệnh mới của Sony, “Fill the world with emotion, through the power of creativity and technology” (tạm dịch: Khiến thế giới tràn ngập cảm xúc bằng sức mạng của sự sáng tạo và công nghệ), là một sự thú nhận ngầm rằng di sản các thiết bị phần cứng điện tử tiêu dùng trước khi iPhone ra đời của “ông lớn” này đã “chết lâm sàng”, và giờ đây doanh thu của Sony sẽ dựa vào game, phim ảnh và âm nhạc./.
Source: BNews