Số liệu lao động việc làm từ Tổng cục Thống kê (TCTK), bao gồm các số liệu cập nhật thị trường lao động theo quý tính đến cuối tháng 9 và chỉ số sử dụng lao động tại thời điểm 01/10 (công bố vào cuối tháng 10), vẫn cho thấy sự phục hồi mạnh của thị trường lao động sau các gián đoạn do đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, nhu cầu toàn cầu chững lại đã bắt đầu ảnh hưởng đến số lượng đơn hàng mới, dẫn đến tình trạng cắt giảm hoạt động sản xuất và giờ làm trong những tuần gần đây.
Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐVN), đã có 485 doanh nghiệp (trong đó có 352 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chiếm 72,6%) tại 25 tỉnh, thành phố đã phải cắt giảm hoạt động sản xuất và số giờ làm việc do số lượng đơn hàng giảm. Các doanh nghiệp bị ảnh hưởng chủ yếu nằm ở khu vực phía Nam, chiếm 61,9% tổng số doanh nghiệp và 87,4% tổng số lao động trong nhóm này.
Trong số 631.329 người lao động bị ảnh hưởng (chiếm 1,2% tổng lao động tính đến cuối quý 3/2022), 569.589 người lao động bị giảm giờ làm (chiếm 90,2%); 34.563 người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động (chiếm 5,5%); 31.012 người lao động nghỉ việc không hưởng lương, nghỉ có hưởng lương hoặc tạm hoãn hợp đồng lao động (chiếm 4,3%).
Các ngành bị ảnh hưởng nhiều nhất bao gồm ngành sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày và và chế biến gỗ. Một số doanh nghiệp điện tử, chế biến thực phẩm, dịch vụ, du lịch cũng bị ảnh hưởng. Theo các thông tin từ truyền thông, Pouyuen, nhà sản xuất giày lớn nhất Việt Nam, gần đây đã sắp xếp cho 20.000 công nhân nghỉ luân phiên tổng cộng khoảng 14 ngày (nghỉ có lương) trong khoảng thời gian từ 01/12/2022 – 28/02/2023.
Công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC) đã tổng hợp một số các phản hồi sau đây từ các công ty trong danh mục theo dõi của VCSC và một số các công ty không nằm trong danh mục theo dõi của VCSC.
Trong ngành dệt may, STK đã tạm ngừng 1/3 khối lượng sản xuất; tuy nhiên, nhân viên đang được sắp xếp tham gia các chương trình đào tạo (một số công ty cũng đang thực hiện tương tự). Trong ngành chế biến gỗ, theo BCTC của GDT, tính đến cuối quý 3, số lượng nhân sự của GDT giảm 15% so với cuối quý 2 (-20% so với cùng kỳ). VCSC cho rằng áp lực sẽ gia tăng trong quý 4/2022 – quý 1/2023 đối với cả GDT và PTB, tương tự như các nhà sản xuất đồ gỗ nội thất khác.
Mặt khác, một số công ty (FPT, PHR, IDC, GMD và BAF) cho biết đang thiếu hụt lao động và/hoặc có kế hoạch mở rộng sản xuất. Ngoài ra, DBC gần đây đã tuyển dụng thêm 200-300 nhân viên mới cho một dự án mới. Trong khi đó, DGW, FRT, MSN, VHC, DHC, DGC, CII, SCS, TLG, HT1, KBC và LHG cho biết hiện tại các doanh nghiệp chưa có kế hoạch cắt giảm lao động.
Các công ty phát triển khu công nghiệp (KCN) như KBC và LHG cho biết chưa thấy sự cắt giảm lao động trong số các khách thuê hoạt động trong các ngành sản xuất công nghệ cao và dịch vụ/sản xuất có giá trị gia tăng cao.
Nguồn: https://marketinsider.vn/