BNEWS Thị trường việc làm của Trung Quốc dự kiến sẽ vẫn ổn định trong 5 năm tới khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tăng cường các biện pháp chủ động tạo việc làm nhằm đối phó với những thách thức.
Theo chính sách nhất quán ưu tiên việc làm, Trung Quốc ban hành kế hoạch thúc đẩy việc làm trong Quy hoạch 5 năm lần thứ 14 (2021-2025), với cam kết tạo ra thêm hơn 55 triệu việc làm mới ở thành thị trong 5 năm tới.
Phát biểu với báo chí, Thứ trưởng Bộ Nguồn nhân lực và an sinh xã hội Trung Quốc Li Zhong cho biết kế hoạch trên là “hướng dẫn” quan trọng cho công việc liên quan đến việc làm, vốn phải đối mặt với cả cơ hội và thách thức.
Trong khi đó, quan chức cấp cao của Ủy ban Cải cách và phát triển quốc gia Trung Quốc Gao Gao cho rằng triển vọng phát triển kinh tế tích cực của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ đặt nền tảng quan trọng cho việc thúc đẩy việc làm.
Theo quan chức trên, những động lực tăng trưởng mới cũng sẽ được hình thành để thúc đẩy việc làm, với dẫn chứng về nền kinh tế kỹ thuật và những nỗ lực của Trung Quốc trong việc thúc đẩy hàng loạt doanh nghiệp khởi nghiệp và sáng tạo.
Lĩnh vực dịch vụ ngày càng phát triển của Trung Quốc, với những ngành công nghiệp mới xuất hiện, đang thu hút lực lượng lao động. Theo Thứ trưởng Li, lực lượng lao động làm việc trong lĩnh vực dịch vụ chiếm 47,7% tổng lực lượng lao động trong năm 2020, tăng 4,4 điểm phần trăm so với năm 2016.
Ngoài ra, thị trường việc làm Trung Quốc cũng được hỗ trợ từ khu vực tư nhân. Các doanh nghiệp tư nhân với quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa, và các doanh nghiệp tư doanh đem lại hơn 80% vị trí việc làm và tạo ra hơn 90% việc làm mới ở Trung Quốc.
Theo kế hoạch việc làm 5 năm tới, Trung Quốc đặt mục tiêu giải quyết các vấn đề nổi cộm ảnh hưởng đến thị trường việc làm tại nước này. Ông Gao lưu ý những xung đột chính về việc làm chủ yếu là những vấn đề mang tính “cơ cấu”.
Ví như mô hình giáo dục và đào tạo trong hệ thống giáo dục không phù hợp với nhu cầu của thị trường, hay những người lao động lớn tuổi khó kiếm việc làm khi các ngành công nghiệp chuyển đổi và nâng cấp.
Tuy vậy, ông Gao nhấn mạnh việc Trung Quốc có 200 triệu lao động lành nghề, trong đó có hơn 50 triệu lao động tay nghề cao. Theo ông, những người lao động này đang là những trụ cột vững chắc hỗ trợ cho động lực “sản xuất tại Trung Quốc” và “thiết kế tại Trung Quốc”./.
Theo BNews/