BNEWS Các khái niệm này là một phần của thị trường cơ động bay tiên tiến (AAM) dự kiến sẽ đạt giá trị 17 tỷ USD vào năm 2025.
Lực lượng quân y dùng máy bay phản lực, cảnh sát biên phòng ở trên những chiếc ô tô bay và người lao động trong các thành phố đi lại bằng các động cơ bay không người lái nghe giống như một bộ phim khoa học viễn tưởng. Nhưng các khái niệm này là một phần của thị trường cơ động bay tiên tiến (AAM) dự kiến sẽ đạt giá trị 17 tỷ USD vào năm 2025.
Khi quá trình đô thị hóa khiến các đường phố trong thành phố tắc nghẽn và những tiến bộ trong công nghệ cho phép người ta nghĩ tới các phương tiện vốn được coi “viễn tưởng” cách đây vài thập kỷ. Việc sử dụng bầu trời cho các máy bay cỡ nhỏ ngày càng trở nên hấp dẫn.
Anna Kominik, Giám đốc khu vực châu Á – Thái Bình Dương của công ty khởi nghiệp Wisk do Boeing hậu thuẫn, cho biết: “Chúng tôi không thể tiếp tục sử dụng phương tiện giao thông đường bộ; tính di động 3D thực sự quan trọng”.
Wisk đã cho thử nghiệm Cora, một máy bay điện tự hành có thể cất cánh và hạ cánh như trực thăng, tại chi nhánh của công ty ở Tekapo, New Zealand, trong bốn năm qua. Wisk đang liên hệ với các cơ quan quản lý, bao gồm cả Cục Hàng không Liên bang Mỹ, để được chấp thuận cho phép sử dụng taxi hàng không một cách phổ biến. Loại phương tiện công cộng này có thể chở tối đa hai hành khách với quãng đường 100 km, đạt vận tốc lên đến 150 km/h.
Bà Anna Kominik nói: “67% dân số thế giới sẽ là cư dân thành phố vào năm 2030, và bầu trời đang trở thành một nguồn tài nguyên”.
Hãng PAL-V của Hà Lan đã cho sản xuất hàng loạt mẫu ô tô bay 2 chỗ với tốc độ tối đa 180 km/h và có thể bay 400 km. Mẫu xe này đã được chấp thuận sử dụng trên các con đường châu Âu trong năm nay.
Robert Dingemanse, Giám đốc điều hành của PAL-V International, cho biết việc giao hàng cho khách hàng sẽ bắt đầu vào năm 2023, sau khi họ hoàn thành khóa đào tạo bắt buộc. Ông nói thêm rằng, PAL-V đã nhận các đơn đặt hàng, bao gồm cả các khoản thanh toán trước, từ 15 quốc gia và sự quan tâm từ 193 quốc gia./.
Source: BNews