Trang chủ » Thế giới vượt 231,5 triệu ca mắc COVID-19; Hàn Quốc ‘trả giá’ vì Tết Trung thu

Thế giới vượt 231,5 triệu ca mắc COVID-19; Hàn Quốc ‘trả giá’ vì Tết Trung thu

bởi unexpress
Chú thích ảnh
Người dân chờ xét nghiệm COVID-19 tại một điểm xét nghiệm ở Seoul, Hàn Quốc, ngày 10/9/2021. Ảnh minh họa: YONHAP/TTXVN

Điểm nóng của dịch bệnh trong ngày là Hàn Quốc khi nước này trong vòng 24 giờ qua đã ghi nhận 2.434 ca mắc mới. Đây là số ca nhiễm mới theo ngày cao nhất từ trước đến nay tại Hàn Quốc. Số ca mắc mới tăng vọt là do người dân di chuyển nhiều trong dịp nghỉ lễ tết Trung thu (còn được coi là lễ tạ ơn của người Hàn Quốc) kéo dài 3 ngày (20 – 22/9), khiến virus gây bệnh lây lan nhanh chóng trên cả nước.

Khu vực thủ đô Seoul và vùng phụ cận (trong đó thủ đô Seoul ghi nhận 903 ca, tỉnh Gyeonggi – 704 ca) chiếm 72,3% số ca nhiễm mới trên toàn Hàn Quốc. Các chuyên gia y tế cho rằng số lượng xét nghiệm giảm trong kỳ nghỉ lễ Trung thu và sau đó lại tăng lên, dẫn đến số ca mới tăng lên đáng kể.

Trong khi đó, tại Australia, số ca nhiễm mới ghi nhận tại bang Victoria ngày 24/9 đã tăng lên gần mức cao nhất với 733 ca mắc và 1 ca tử vong, dù nhà chức trách đã đẩy mạnh tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19. Hầu hết các ca nhiễm mới được phát hiện ở Melbourne.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Dubbo, Australia. Ảnh: AFP/TTXVN

Australia đang nỗ lực ngăn chặn làn sóng lây nhiễm thứ 3 do biến thể Delta có khả năng lây lan cao gây ra, khiến hai thành phố lớn nhất là Sydney và Melbourne cùng thủ đô Canberra phải phong tỏa, ảnh hưởng đến gần một nửa dân số nước này.

Các số liệu chính thức của Chính phủ liên bang Australia cho thấy 50,1% người dân Australia trên 16 tuổi đã tiêm đủ hai mũi vaccine phòng COVID-19, sau một tuần tiêm chủng kỷ lục trên toàn quốc. Tính đến ngày 24/9, Australia đã tiêm được hơn 26 triệu liều vaccine trên cả nước, trong đó 2.076.000 liều được tiêm trong tuần trước, đạt tốc độ tiêm chủng bình quân đầu người cao hơn cả Pháp, Đức, Italy, Thụy Điển, Anh và Mỹ.

Tại khu vực Đông Nam Á, Bộ Y tế Lào cho biết trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm 434 ca mắc mới COVID-19; trong đó có tới 406 ca cộng đồng, còn lại là các ca nhập cảnh được cách ly ngay. Thủ đô Viêng Chăn vẫn tiếp tục là điểm nóng về dịch bệnh với 229 ca lây nhiễm cộng đồng; trong đó tập trung phần lớn ở các ổ dịch nhà máy may được báo cáo trước đó, còn một số ca khác được ghi nhận rải rác ở nhiều địa phương do từng tiếp xúc gần với người bệnh. Đáng chú ý, hiện nhiều địa điểm công cộng như chợ, siệu thị và các doanh nghiệp trên địa bàn thủ đô được đưa vào nhóm có nguy cơ cao do là nơi bệnh nhân COVID-19 từng đến.

Trong bối cảnh số ca nhiễm cộng đồng tiếp tục gia tăng, cơ quan chức năng thủ đô Viêng Chăn đã lập nhiều chốt kiểm soát trên các tuyến đường quan trọng để đảm bảo quy định phòng dịch được tuân thủ nghiêm ngặt; đồng thời, người dân bị cấm rời khỏi nơi cư trú, ngoại trừ trường hợp cần thiết như mua thực phẩm, thuốc men, đi bệnh viện, đi làm nhiệm vụ. Lào sẽ cho phép sử dụng thiết bị xét nghiệm nhanh đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phê duyệt trong danh sách sử dụng khẩn cấp để giảm áp lực cho các phòng xét nghiệm. 

Tại Campuchia, thông cáo ngày 24/9 của Bộ Y tế cho biết trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 822 ca mới, trong đó có 106 ca nhập cảnh và có thêm 21 người tử vong. Như vậy tính đến  nay, Campuchia phát hiện tổng cộng 107.441 ca mắc COVID-19, trong đó 99.628 người đã khỏi bệnh và 2.197 người tử vong.

Trước việc số ca mắc COVID-19 trong vòng 24 giờ qua tăng lên mức cao nhất kể từ ngày cuối tháng 7, Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen đã quyết định tạm dừng Lễ Pchum Ben trên cả nước để ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Tuy nhiên, kỳ nghỉ chính thức của Lễ Pchum Ben kéo dài 3 ngày vào tháng tới cho công chức và người lao động sẽ vẫn được duy trì. Trong bối cảnh diễn biến dịch phức tạp, chính quyền thành phố đã tiến hành lấy mẫu xét nghiệm  trong hai ngày 24 và 25/9 đối với tăng lữ và những người lưu trú tại tất cả 151 ngôi chùa trên địa bàn.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Bangkok, Thái Lan. Ảnh: AFP/TTXVN

Cùng ngày, Thái Lan ghi nhận thêm 12.697 ca nhiễm mới COVID-19 cùng 132 trường hợp tử vong trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm từ đầu dịch lên 1.537.310 ca, trong đó có 16.016 người không qua khỏi. Do số lượng bệnh nhân COVID-19 giảm, Bộ Y tế Thái Lan đang chuẩn bị đóng cửa một bệnh viện dã chiến với công suất 3.700 giường bệnh tại trung tâm triển lãm Impact Muang Thong Thani ở tỉnh Nonthaburi vào ngày 30/9. Ngoài ra, Thái Lan cũng quyết định giảm thời gian cách ly đối với du khách nước ngoài từ 14 ngày xuống còn 7 hoặc 10 ngày, tùy từng trường hợp, chỉ áp dụng đối với khách đến bằng đường hàng không. Những người đến Thái Lan bằng đường bộ và chưa được tiêm chủng đầy đủ vẫn sẽ phải thực hiện cách ly đủ 14 ngày và làm 2 lần xét nghiệm RT-PCR.

Tiểu ban hoạt động thuộc Trung tâm xử lý tình hình COVID-19 (CCSA) đã quyết định đề xuất kéo dài tình trạng khẩn cấp để kiểm soát sự bùng phát của COVID-19. Truyền thông sở tại dẫn các nguồn tin cho biết tình trạng khẩn cấp hiện tại sẽ hết hạn vào ngày 30/9 và dự kiến sẽ được kéo dài đến cuối tháng 11. 

Chú thích ảnh
Cảnh vắng vẻ tại Vịnh Marina, Singapore. Ảnh: THX/TTXVN

Trong khi đó, do số ca lây nhiễm mới tăng cao trở lại, Singapore đã quyết định trở lại giai đoạn “Cảnh báo tăng cường” với việc thắt chặt các biện pháp giãn cách xã hội trong vòng 1 tháng, từ ngày 27/9 đến ngày 24/10, nhằm ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm gia tăng làm quá tải hệ thống y tế. Lực lượng liên bộ đặc trách COVID-19 nước này cho biết nếu xu hướng hiện nay tiếp tục, Singapore sẽ phải đối mặt với số ca nhiễm mới lên tới 3.200 ca/ngày vào tuần tới. Do đó, Singapore quyết định áp dụng trở lại các biện pháp giãn cách trong giai đoạn “Cảnh báo tăng cường”.

Với việc quay lại giai đoạn “Cảnh báo tăng cường”, Singapore sẽ giới hạn tụ tập theo nhóm tối đa 2 người tại các địa điểm ăn uống (hiện là 5 người), làm việc tại nhà sẽ là “mặc định” đối với tất cả các vị trí có thể làm việc từ xa, những người vẫn phải đi làm được khuyến cáo nên thường xuyên tự xét nghiệm COVID-19; học sinh tiểu học (dưới 12 tuổi, chưa tiêm vaccine) sẽ chuyển sang học trực tuyến trong 2 tuần tới. Tuy nhiên, các sự kiện tập trung vẫn duy trì số lượng trước đây, nhưng sắp xếp ngồi theo nhóm 2 người.

Ngoài thắt chặt các biện pháp giãn cách xã hội, Singapore cũng sẽ bắt đầu triển khai chương trình tiêm mũi vaccine bổ sung (mũi thứ 3) cho người trong độ tuổi từ 50-59 tuổi từ ngày 4/10 tới đây. Chỉ riêng trong 28 ngày qua, Singapore ghi nhận gần 16.000 ca lây nhiễm mới, trong đó 97,9% số ca nhiễm không có triệu chứng/hoặc triệu chứng nhẹ; 1,5% số ca trở nặng cần hỗ trợ thở ô xy, 0,2% số ca cần chăm sóc đặc biệt (ICU) và 0,1% số ca tử vong. Hiện tại, Singapore có 1.120 bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện, với 163 ca trở nặng cần hỗ trợ thở ôxy và 23 ca nguy kịch cần chăm sóc đặc biệt.

Singapore chính thức triển khai chương trình điều trị COVID-19 tại nhà từ 15/9 vừa qua đối với các bệnh nhân COVID-19 không có triệu chứng/triệu chứng nhẹ đã tiêm đủ 2 mũi vaccine trong độ tuổi từ 12-69 tuổi (nếu có phòng cách ly riêng có nhà vệ sinh tại nhà). Tuy nhiên, do số ca nhiễm tăng cao, Singapore đang phải thiết lập thêm các cơ sở chăm sóc trong cộng đồng để hỗ trợ những bệnh nhân nhiễm COVID-19 không triệu chứng/triệu chứng nhẹ không đủ điều kiện tự cách ly và điều trị tại nhà.

Chú thích ảnh
Một người cao tuổi được tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Oslo, Na Uy. Ảnh: AFP/TTXVN

Tại châu Âu, kể từ ngày 25/9, Na Uy sẽ mở cửa trở lại, chấm dứt các biện pháp phòng dịch vốn được triển khai trong 561 ngày qua. Quyết định nới lỏng toàn bộ các biện pháp hạn chế này cho phép tổ chức các sự kiện văn hóa hay thể thao với 100% công suất, các nhà hàng cũng được phục vụ số khách không giới hạn và các câu lạc bộ ban đêm mở cửa trở lại. Theo thống kê của Viện y tế công cộng của Na Uy, có 76% người dân Na Uy đã được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine ngừa COVID-19, trong khi 67% dân số đã tiêm đủ liều. Thống kê của trang worldmeters.info cho thấy kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát tới nay, Na Uy ghi nhận tổng cộng 185.330 ca mắc, trong đó có 850 ca tử vong.

Liên quan đến vaccine, hãng dược Shilpa của Ấn Độ thông báo đạt thỏa thuận sản xuất vaccine phòng COVID-19 do công ty Cadila Healthcare Ltd của nước này phát triển.  Tháng trước, giới chức y tế Ấn Độ cấp phép khẩn cấp cho vaccine phòng COVID-19 của Cadila, loại vaccine ADN đầu tiên trên thế giới, cho người trưởng thành và trẻ em trên 12 tuổi. Vaccine có tên ZyCoV-D này gồm 3 mũi cho một liệu trình tiêm phòng đầy đủ. Theo kế hoạch, Cadila sẽ bắt đầu cung cấp vaccine cho thị trường từ tháng tới, với mục tiêu sản xuất 100-120 triệu liều vaccine mỗi năm.

Trong khi đó, Viện Y tế quốc gia Italy khuyến nghị phụ nữ mang thai nên tiêm hai mũi vaccine phòng COVID-19 được sản xuất theo công nghệ mRNA ở tam cá nguyệt thứ 2 và thứ 3 của thai kỳ, tức là sau 3 tháng đầu tiên. Điều này cho thấy bằng chứng về sự an toàn của vaccine trong thời kỳ mang thai cho cả thai nhi và người mẹ. Mặc dù vậy, cơ quan này cũng cho biết việc tiêm phòng có thể dẫn đến phản ứng phụ là sốt – một hiện tượng có thể làm gia tăng nguy cơ dị tật bẩm sinh cho thai nhi. Theo viện trên, phụ nữ đang cho con bú nên tiêm phòng COVID-19 và trẻ sơ sinh có thể hấp thụ kháng thể ngừa bệnh qua sữa mẹ một cách an toàn. 

Cùng ngày, trang web chính thức của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã cập nhật thêm khuyến nghị về hướng dẫn điều trị bệnh COVID-19 với việc bổ sung sử dụng liệu pháp “hỗn hợp kháng thể” mang tên Ronapreve của công ty công nghệ sinh học Regeneron. Thông báo của WHO chỉ ra rằng các kết quả thử nghiệm lâm sàng cho thấy so với liệu pháp thông thường, việc sử dụng thuốc Ronapreve gồm hai loại kháng thể trung hòa là “casilibimab” và “imdevimab” đã giúp giảm nguy cơ bệnh chuyển nặng và giảm thời gian hồi phục đối với người mắc COVID-19. Do đó, WHO khuyến cáo các nước có thể lựa chọn liệu pháp này đối với bệnh nhân mắc COVID-19 thể nhẹ, không có nguy cơ phải nhập viện.

Theo Báo Tin Tức

Có thể bạn quan tâm