Trang chủ » Thế giới vượt 227,4 triệu ca mắc COVID-19; châu Á tăng tốc tiêm chủng

Thế giới vượt 227,4 triệu ca mắc COVID-19; châu Á tăng tốc tiêm chủng

bởi unexpress
Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại New Delhi, Ấn Độ. Ảnh: Hindustan Times/TTXVN

Mỹ, Ấn Độ và Brazil vẫn là ba nước bị ảnh hưởng nhất thế giới, với số ca nhiễm lần lượt là 42.497.010 ca, 33.349.810 ca và 21.034.610 ca. 10 nước bị ảnh hưởng nhất thế giới nằm rải rác trên khắp các châu lục. Ngoài ba nước trên còn có Anh và Nga (đều trên 7,2 triệu ca nhiễm), Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ (trên 6,7 triệu ca), Iran và Argentina (trên 5,2 triệu ca) và Colombia hiện đã có trên 4,9 triệu ca.

Châu Á hiện là khu vực ghi nhận nhiều ca nhiễm nhất (73.461.192 ca), tiếp đến là châu Âu với 57.221.842 ca. Khu vực Bắc Mỹ có 51.012.670 ca trong khi con số này ở Nam Mỹ là 37.310.716 ca. Châu Phi tuy ít bị ảnh hưởng hơn nhưng đã ghi nhận hơn 8,1 triệu ca nhiễm, trong đó có 205.001 ca tử vong.

Trước diễn biến phức tạp của dịch, châu Á đang tăng tốc trên đường đua tiêm chủng. Một số quốc gia châu Á đang đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 khi các lô vaccine được bàn giao và người dân vượt qua tâm lý do dự với hy vọng các biện pháp hạn chế sẽ dần được nới lỏng. 

Nhật Bản và Hàn Quốc đã vượt qua Mỹ về số người được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine và được dự báo sẽ sớm bắt kịp Mỹ về số người được tiêm mũi thứ hai. Một quan chức Hàn Quốc cho biết nước này nhiều khả năng đạt được mục tiêu hơn 70% dân số được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine trước tuần này. Trong khi đó, Nhật Bản đã tiến hành tiêm khoảng 1 triệu mũi vaccine/ngày cho người dân kể từ giữa tháng 6, do mức độ khẩn cấp tăng lên sau khi biến thể Delta gây ra một làn sóng ca mắc và ca bệnh nghiêm trọng chưa từng có vào tháng 8.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN

Tính đến hết ngày 15/9, hơn 1 tỷ người tại Trung Quốc, tương đương 71% dân số, đã hoàn tất tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19. Về phần mình, Ấn Độ cho biết 42% trong tổng số gần 1,4 tỷ dân đã được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine.

Australia cũng tham gia cuộc đua này, hiện đã tiêm ít nhất 1 mũi vaccine cho 56% người dân. Ngược lại, một số nước như Mỹ và Anh đang chứng kiến tốc độ tiêm chủng chững lại do một lượng lớn người dân từ chối tiêm. Theo một cuộc thăm dò của Axios-Ipsos, mới chỉ có khoảng 62% dân số Mỹ được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine.

Cùng với nỗ lực tăng tốc tiêm phòng, một loạt nước châu Á đã thông báo các kế hoạch nới lỏng các biện pháp phòng dịch. Từ ngày 17/9, sẽ có thêm nhiều lĩnh vực kinh tế tại Malaysia được phép hoạt động trở lại, kể cả ở những bang đang trong giai đoạn I của Kế hoạch phục hồi quốc gia. Các cửa hàng và dịch vụ như chụp ảnh, bán hoa, lưu niệm và thủ công mỹ nghệ, đồ chơi trẻ em sẽ được phép mở cửa trở lại. Bên cạnh đó, các cửa hàng kinh doanh thảm, mỹ phẩm, thuốc lá, vốn được cho là những lĩnh vực kinh tế không thiết yếu trước đây, nay được phép mở cửa trở lại. Trong khi đó, đảo Langkawi của nước này đã trở thành địa điểm du lịch đầu tiên được thử nghiệm mở cửa trở lại đối với các du khách đã tiêm đủ vaccine ngừa COVID-19, trong chương trình “du lịch bong bóng” nội địa, với các quy định nghiêm ngặt nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan. 

Thái Lan cũng có kế hoạch mở cửa trở lại thủ đô Bangkok và các điểm đến chính cho khách nước ngoài vào tháng tới trong bối cảnh quốc gia Đông Nam Á này đang nỗ lực phục hồi hoạt động thương mại du lịch thiết yếu bất chấp số ca lây nhiễm gia tăng. Người phát ngôn chính phủ Thanakorn Wangboonkongchan cho biết các điểm đến như Bangkok, Hua Hin, Pattaya và Chiang Mai sẽ được bổ sung vào danh sách triển khai chương trình kích cầu du lịch, trong đó khách du lịch đã tiêm đủ vaccine và tiến hành một loạt xét nghiệm có thể được đến thăm các địa điểm này. Chương trình này đang được áp dụng tại các đảo Samui và Phuket, nơi 70% người dân địa phương được yêu cầu tiêm đủ vaccine.

Về phần mình, Indonesia đã cho phép tổ chức các giải đấu thể thao với điều kiện áp dụng các quy định y tế nghiêm ngặt. Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide cũng khẳng định sẽ sớm nới lỏng các hoạt động kinh tế xã hội, mở đường cho việc khôi phục lại cuộc sống bình thường của người dân.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế chuyển một bệnh nhân nghi nhiễm COVID-19 tới bệnh viện ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 13/1/2021. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Tuy nhiên, bên cạnh các diễn biến tích cực trên, tình hình dịch tại Trung Quốc và Australia vẫn phức tạp. Ủy ban y tế quốc gia Trung Quốc cho biết Trung Quốc đại lục ghi nhận 80 ca mới trong ngày, tăng so với 73 ca ngày trước đó. Trong số này, 49 ca lây nhiễm cộng đồng, hầu hết tại tỉnh Phúc Kiến, Đông Nam nước này. Ngoài ra có 13 ca mới không triệu chứng. Không có ca tử vong mới nào được thông báo. 

Cùng ngày, bang Victoria của Australia thông báo bang này ghi nhận số ca mới trong 1 ngày cao nhất kể từ đầu năm 2021. Cụ thể, thành phố Melbourne của bang Victoria ghi nhận 514 ca mới, vượt số ca mới trong 1 ngày cao nhất trong năm là 473 ca ghi nhận ngày 13/9.

Trong khi đó, Chính phủ Lào đã tiếp tục gia hạn lệnh phong tỏa kéo dài thêm 15 ngày kể từ ngày 16/9. Đây là lần thứ 10 Lào gia hạn lệnh phong tỏa vốn được áp dụng từ ngày 22/4 đến nay. Các quy định phòng chống lây nhiễm được yêu cầu tiếp tục thực hiện nghiêm ngặt bao gồm: đóng cửa khẩu đối với người nhập cảnh phổ thông; cấm mở cửa tụ điểm giải trí, karaoke, rạp phim spa, trung tâm thể thao, karaoke, cà phê Internet, bi-a và casino; cấm tập trung đông người; cấm đầu cơ nâng giá bán hàng hóa thiết yếu… Chính phủ yêu cầu khẩn trương tiếp tục truy vết người nhiễm bệnh đưa đi điều trị, đưa người tiếp xúc gần đi xét nghiệm và cách ly đúng qui định; đồng thời tăng cường tiêm vaccine cho các đối tượng theo kế hoạch và mục tiêu đã đề ra.

Chú thích ảnh
Nhân viên an ninh kiểm tra chứng nhận COVID-19 của khách tham quan tại Rome, Italy. Ảnh: AFP/TTXVN

Tại châu Âu, các nước tiếp tục chính sách nhằm tăng tỷ lệ tiêm phòng. Italy có kế hoạch ban hành luật bắt buộc tất cả người lao động sử dụng “thẻ xanh” nhằm tăng tỷ lệ tiêm vaccine trước mùa Đông năm nay. Theo luật mới, người lao động không tiêm vaccine ngừa COVID-19 hoặc không có kết quả xét nghiệm âm tính virus SARS-CoV-2 gần đây sẽ bị phạt tiền lên tới 1.000 euro (1.177 USD). Ngoài ra, không loại trừ khả năng các trường hợp này còn có thể bị sa thải. 

“Thẻ xanh” là một hình thức chứng nhận một cá nhân đã được tiêm vaccine ngừa COVID-19, đã có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 trong 48 giờ trước đó hoặc đã bình phục sau khi mắc COVID-19 trong thời gian gần đây. Hiện Italy yêu cầu xuất trình loại thẻ này đối với giáo viên, cũng như tất cả những người đến nhà hàng, rạp chiếu phim, sân vận động, đi tàu hoặc xe buýt liên tỉnh hay bay nội địa. 

Đan Mạch là quốc gia đầu tiên trong Liên minh châu Âu (EU) dỡ bỏ các biện pháp hạn chế. Giới chức Đan Mạch nhấn mạnh rằng COVID-19 không còn là “mối đe dọa nghiêm trọng đối với xã hội”. Người dân Đan Mạch hiện có thể đến các hộp đêm và địa điểm ăn uống mà không cần xuất trình “hộ chiếu COVID”, sử dụng phương tiện giao thông công cộng mà không cần đeo khẩu trang và có thể tụ tập đông người mà không bị hạn chế về số người có mặt. Có thể nói, về cơ bản Đan Mạch đã trở về cuộc sống thường nhật trước đại dịch. Chìa khóa thành công của Đan Mạch một phần nằm ở việc triển khai tiêm chủng.

Chú thích ảnh
Hành khách đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại sân bay Copenhagen, Đan Mạch. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Theo ghi nhận của Our World in Data, tính đến ngày 13/9, hơn 74% người dân Đan Mạch đã được tiêm đủ liều vaccine ngừa COVID-19. Dù vậy, Chính phủ Đan Mạch không hề tự mãn. Bộ trưởng Y tế Đan Mạch Magnus Heunicke dù cho rằng “đại dịch đã được kiểm soát”, nhưng vẫn cảnh báo “chúng ta chưa thoát khỏi đại dịch” và “chính phủ sẽ không ngần ngại hành động nếu đại dịch một lần nữa đe doạ các chức năng quan trọng của xã hội”.

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 hoành hành và gây ra những tác động và thiệt hại vô cùng to lớn, kể cả người, vật chất lẫn tinh thần, các nhà khoa học đã đưa ra những nhận định về thời gian COVID-19 kết thúc. Hãng tin Bloomberg ngày 16/9 dẫn ý kiến của các nhà khoa học cho rằng khác với những đại dịch trước đây, COVID-19 sẽ không thể kết thúc trong vòng 6 tháng tới, mà cần nhiều thời gian hơn, dù rằng nhiều quốc gia đã nhanh chóng triển khai và thu được hiệu quả đối với chương trình tiêm vaccine ngừa COVID-19. Giới khoa học đều cho rằng đợt bùng phát hiện nay sẽ được kiểm soát khi hầu hết dân số toàn cầu, khoảng 90 – 95%, có khả năng miễn dịch nhờ tiêm chủng hoặc miễn dịch tự nhiên sau khi đã khỏi bệnh.

Giới chuyên gia đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiêm vaccine ngừa COVID-19. Giáo sư Lone Simonsen – một nhà dịch tễ học thuộc Đại học Roskilde ở Đan Mạch khẳng định: “Nếu không tiêm phòng, bạn sẽ giống như một mục tiêu dễ bị tấn công, vì virus sẽ lan rộng và tấn công hầu như tất cả mọi người vào mùa Thu và mùa Đông này”. Đây là lý do các nhà khoa học cho rằng thế giới cần đẩy nhanh tốc độ bao phủ vaccine và có thể sẽ giống như bệnh cúm, người dân cần phải tiêm vaccine nhắc lại thường xuyên để duy trì khả năng bảo vệ khi virus tiến hóa.

Theo Báo Tin Tức

Có thể bạn quan tâm