Cưỡi chiếc xe máy Honda Cúp 82 cà tàng, chiếc mũ cát ngả màu bạc phếch, chiếc túi xách bên trong là cuốn sổ ghi chép, cái máy ảnh, ông đi không ngừng nghỉ. Người ở thị trấn Thắng bấy lâu nay vẫn quen với hình ảnh của ông, một ông giáo già say mê viết báo, viết văn, nghiên cứu văn hóa… Ông vẫn đi khỏe và viết khỏe ở tuổi đã ngót “bát tuần” nên ai cũng phải khâm phục gọi ông là: Thầy Luân “bốn trong một”.
Thầy giáo Dương Quang Luân quê ở xã Quang Minh (Hiệp Hòa – Bắc Giang), bên con sông Cầu thơ mộng. Thời còn dọc ngang chặng đường công tác, từ lúc học sư phạm bên Trung Quốc, về dạy học, làm quản lý giáo dục ở Hải Phòng, rồi thị xã Bắc Giang, làm Báo Hà Bắc (cũ), hay trở về làm Hiệu trưởng trường cấp ba số 1 của huyện nhà, thầy Luân vẫn đau đáu một nỗi niềm rằng phải viết về vùng đất quê hương mình. Nhưng cũng phải đến cuối năm 1989, tức là tròn hai chục năm trước, nhận quyết định nghỉ hưu, thầy mới có thời gian, điều kiện để thực hiện tâm nguyện của mình.
Vậy mà trước khi làm điều này, thầy Luân lại dành thời gian ngồi mài bút nghiên để viết văn, hầu hết là truyện ngắn. Vốn là nhà giáo, lại là nhà báo, thầy tự nhủ, thời gian chiêm nghiệm lại những vốn sống rồi viết truyện là để “gây men” cho ngòi bút của mình. Và tập truyện ngắn xinh xắn mang cái tên nhẹ nhàng: “Bến mơ” của thầy đã được Nhà xuất bản Thanh niên ấn hành.
Khi tặng cuốn sách đầu tay cho những người bạn, không ít người bất ngờ, nhưng thầy Luân bảo: “Sinh thời, Bác Hồ bận trăm công nghìn việc còn viết báo, viết sách, rồi cả truyện ngắn, vẽ tranh… Mình giờ nghỉ hưu, có thời gian thì phải học Bác, làm những điều mà mình tâm đắc, say mê thì cứ cố công làm cho quê hương mình”. Có “lưng vốn”, thầy đã chuyển sang sưu tầm, biên soạn sách về văn hóa của vùng đất Hiệp Hòa. Và thầy quyết định vừa viết, vừa đi sưu tầm, nghiên cứu biên soạn sách. Thầy Dương Quang Luân vẫn thường tâm sự với mọi người: “Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, mỗi dòng sông, ngọn núi, tên xóm, tên làng, trên từng mảnh đất đều mang những truyền thuyết, dấu ấn lịch sử và ghi đậm những chiến công. Tổ quốc mình trường tồn và vững bước đi lên là vậy. Hiệp Hòa là vùng đất trung du có đầy đủ những đường nét lịch sử đó. Vậy nên, mình như thấy trách nhiệm phải làm sao để cho đời đời cháu con hiểu về những trang sử hào hùng, những nét văn hóa đặc trưng của vùng đất quê hương mình, để tự hào, gìn giữ, phát huy. Mà sách là một trong những loại sản phẩm văn hóa để đời”.
Điểm đầu tiên thầy chọn làm “đột phá khẩu” là vùng núi Y Sơn (thuộc xã Hòa Sơn, giáp với xã Quang Minh của thầy). Nơi ngọn núi Y Sơn linh thiêng này từ lâu đã để lại nhiều dấu ấn từ đền, chùa… đến những truyền thuyết, lễ hội truyền thống… Hơn một năm trời, thầy dụng công gặp gỡ các bậc cao niên, các nhà nghiên cứu để nghe, ghi chép, rồi chắp nối thành những phần có tính chất hệ thống như: “Ngọc phả quốc lục về Y Sơn linh tích”, “Những đạo sắc phong-qua 13 triều đại”, “Hoành phi, câu đối, thơ trong đền Y Sơn”, “Những ngày lễ hội trong năm”… Có tư liệu rồi, thầy lại lặn lội đến các thư viện, nhà sách để tra cứu tài liệu, đối chiếu chính xác; gặp các nhà Hán Nôm học để xin ý kiến đóng góp, chỉnh sửa. Và rồi, cuốn sách “Y Sơn linh tích” – công trình nghiên cứu, biên soạn đầu tay của thầy Dương Quang Luân đã được Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc ấn hành năm 2002. Cuốn sách ra đời, đã gây được dư luận rộng rãi trong giới nghiên cứu văn hóa dân tộc. Và một vinh dự lớn cho thầy, cuốn sách đầu tay này đã được tặng thưởng của Ủy ban toàn quốc các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam (2002) và Hội văn học nghệ thuật tỉnh Bắc Giang tặng giải thưởng Sông Thương lần thứ nhất (1997 – 2002).
Dù tuổi đã cao, sức khỏe có phần suy giảm, nhưng gần như mỗi năm, thầy Dương Quang Luân lại hoàn thành một tập sách. Năm 2003, học lối viết của các tác giả “Vũ trung tùy bút”, “Thượng kinh ký sự”, thầy hoàn thành cuốn “Hiệp Hòa phong thổ ký” tập hợp 43 câu chuyện liên quan đến sự tích của những địa chỉ văn hóa, lễ hội từ xa xưa còn lại hoặc đã thất truyền trong dân gian, như: “Đình Lỗ Hạnh và bức tranh tố nữ”, “Hội bơi chải trên dòng Như Nguyệt”, “Cẩm Bào và tục thi đọc văn”… mà thầy đã cất công thu lượm, ghi chép, nghiên cứu khắp 26 xã trong huyện trong suốt mấy năm ròng.
Năm 2004, thầy lại “thư giãn” ngồi viết truyện cho thiếu nhi, để cho ra đời tập truyện “Con bê vàng” với chất giọng trẻ trung, dí dỏm. Rồi tiếp đến là tập truyện tư liệu “Làng Đỏ” viết về làng cách mạng Hoàng Vân – trung tâm của An toàn khu 2 (ATK 2) trong kháng chiến chống thực dân Pháp. Sau đó là cuốn “Làng Việt cổ Hiệp Hòa”… Mỗi trang viết của thầy như một sức nặng của tình cảm, sự tri ân với quê hương.
Hoàn thành mấy tập sách về quê hương rồi, thầy nghĩ, trên đất nước Việt Nam mình có bao nhiêu danh lam thắng cảnh, vậy nên thầy đã dành nhiều năm sưu tập từ sách, báo, tạp chí… tất cả những tư liệu, để biên soạn thành một tập sách dày dặn, có hình ảnh minh họa mang tên: “Danh lam thắng cảnh đất Việt”. Cuốn sách đã được Nhà xuất bản Văn hóa-thông tin ấn hành năm 2006.
Tôi có may mắn được là học trò của thầy Luân thời cấp ba khi thầy là Hiệu trưởng. Giờ lại vinh dự là đồng nghiệp của thầy, nên cứ mỗi lần thầy có cuốn sách mới, là tôi lại được thầy gọi điện thoại mời đến nhà chơi để thầy tặng sách. Một ngày đầu thu, tôi chủ động đến nhà thầy. Vừa dắt xe vào sân nhà thầy ở khu 3 thị trấn Thắng, tôi còn đang như lạc vào không gian của hoa, cây cảnh, thì thầy đã làm tôi bất ngờ khi thông báo, thầy lại vừa có tập thơ Đường luật mang tên “Xuân khứ xuân lai” mới được Nhà xuất bản Văn hóa – Thông tin ấn hành. Tặng tôi tập thơ còn thơ
m mùi giấy, thầy bảo tôi, một cuốn sách nữa của thầy về con người vùng quê Hiệp Hòa đang ở công đoạn hoàn chỉnh bản thảo.
Cuốn sách này có một ý nghĩa đặc biệt, đó là tập ký thầy viết về 57 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng trong toàn huyện. Cái khó khi viết tập sách này là đại đa số các mẹ đã mất, tư liệu lại rất ít, nhưng với tấm lòng yêu kính những người mẹ đã dâng hiến những người thân của mình cho Tổ quốc mà thầy lặn lội khắp 21/26 xã trong huyện để hoàn thành tập bản thảo trong hơn một năm qua, cùng với nhiều ảnh tư liệu quý. Cầm bản thảo trên tay, thầy nói như là tâm sự với chính mình: “Tôi sinh ra và lớn lên trên quê hương Hiệp Hòa. Hồi thơ ấu, tôi đã chăm chú nghe bà, nghe mẹ, nghe các cụ trong làng kể chuyện, giảng giải về quê hương mình. Trưởng thành, tôi có may mắn được làm nghề dạy học, làm báo, sau ngày nghỉ hưu, tôi có điều kiện để viết văn, viết và biên soạn sách. Tôi viết như là để trả món nợ cho quê hương đã sinh ra tôi”.
Tôi mạo muội hỏi về kinh phí để in ấn mỗi cuốn sách, thầy cười, bảo: “Được in thành sách là vui lắm rồi. Mình liên hệ với Nhà xuất bản, in sách, rồi tự phát hành, chủ yếu là cho, tặng, nhất là các trường học, chứ đâu có tính chuyện lỗ lãi. Mỗi cuốn sách là để lưu lại cho đời, sản phẩm văn hóa, chứ đâu phải là thứ hàng hóa thông thường. Chưa xong cuốn này, mình đã lại có dự định cho cuốn khác nữa, chưa thể dừng được!”.
Nhà thơ Anh Vũ thật có lý khi viết giới thiệu cho tập thơ “Xuân khứ xuân lai” của thầy Dương Quang Luân: “Kể ra, trong anh em cầm bút Bắc Giang, hiếm có người nào chỉ trong mấy năm, lại viết và in liên tục nhiều đầu sách như ông… Từ truyện viết cho người lớn, truyện ngắn viết cho thiếu nhi, đến biên khảo, tản văn, truyện ký… bập vào thể loại nào ông cũng toàn tâm, toàn ý”. Chả thế mà không ít người bảo thầy là người “bốn trong một”, tức là thầy vừa là nhà giáo, nhà báo, nhà văn, nhà nghiên cứu văn hóa.
Thầy khiêm tốn nói rằng, mình chỉ là nhà giáo thôi, còn mấy “nhà” kia thì còn đang phải phấn đấu. Vâng, có câu “gừng càng già càng cay”, những trang viết của thầy Dương Quang Luân càng ở tuổi “xưa nay hiếm” càng mang chất đằm sâu trí tuệ chứ không chỉ là về số lượng. Tôi biết, ở tuổi thầy, quỹ thời gian còn lại không nhiều, mà dự định viết sách của thầy còn nhiều lắm. Tôi cũng biết được rằng, một người luôn nâng giấc và hết lòng phục vụ để thầy đi và viết suốt gần hai chục năm qua, đó là bà Vượng, người bạn đời yêu quý của thầy. Bà bảo, ông đi nhiều, tuổi đã cao nhưng bà yên tâm lắm, vì tính ông vốn cẩn trọng, biết lượng sức mình.
Tôi nhìn lên bàn làm việc của thầy với ngồn ngộn những tập giấy viết, kế bên là những sách từ cổ chí kim, cặp kính lão của thầy xệ xuống, ánh mắt còn tinh anh nhưng mái đầu bạc phơ, vầng trán hằn sâu những suy tư trăn trở. Tôi thầm nhủ: Giá cho một điều ước, tôi sẽ cầu ước cho thầy Luân của tôi khỏe mạnh, sống lâu để tâm nguyện của thầy với những trang viết về quê hương cứ dày thêm mãi…
Bài và ảnh: Nguyễn Hoàng Sáu
Nguồn: http://www.qdnd.vn/QDNDSite/vi-VN/61/43/111/111/111/92462/Default.aspx