BNEWS Diễn đàn Kinh tế – Xã hội Việt Nam 2022 khẳng định mạnh mẽ thông điệp nhất quán về kiên trì giữ vững nền tảng kinh tế vĩ mô để tăng cường năng lực chống chịu, tăng tính tự cường của nền kinh tế.
Diễn ra trong vòng 1 ngày, với hơn 450 đại biểu tham dự trực tiếp và kết nối 6 học viện, trường đại học, Diễn đàn Kinh tế – Xã hội Việt Nam năm 2022 đã thành công tốt đẹp.
Diễn đàn đã khẳng định mạnh mẽ thông điệp nhất quán về kiên trì giữ vững nền tảng kinh tế vĩ mô để tăng cường năng lực chống chịu, tăng tính tự cường của nền kinh tế, như phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại phiên bế mạc “có vĩ mô là có tất, mất vĩ mô là rất khó khăn”, giữ kinh tế vĩ mô cũng chính là giữ cho từng doanh nghiệp, cho cả ngân hàng, tổ chức tín dụng.
Nâng cao sức cạnh tranh, hiệu quả nội tại của nền kinh tế
Thời gian qua, nhờ các quyết sách đúng đắn, kịp thời của Trung ương, Quốc hội, sự chỉ đạo điều hành quyết liệt của Chính phủ, các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương, tình hình kinh tế – xã hội nước ta tiếp tục ổn định và đạt được những kết quả rất tích cực, quan trọng. Tăng trưởng kinh tế từng bước phục hồi từ quý IV/2021 và phục hồi mạnh mẽ từ đầu năm 2022 đến nay. Dịch bệnh được kiểm soát; sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng trưởng tốt; xuất nhập khẩu tăng trưởng tích cực, cán cân thương mại xuất siêu gần 4 tỷ USD.
Các tổ chức quốc tế như WB, IMF, ADB… dự báo tăng trưởng GDP năm 2022 của Việt Nam từ 6,7-7,5%, lạm phát dưới 4%. Mới đây, trong tháng 8/2022, tổ chức xếp hạng tín dụng Moody’s dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam có thể đạt 8,5% năm 2022, là mức cao nhất ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương…
Tuy nhiên, trước những biến động khó lường cả về kinh tế, chính trị, xã hội của thế giới, nếu không có sự chuẩn bị để ứng phó kịp thời, tăng trưởng kinh tế Việt Nam có nguy cơ gặp nhiều khó khăn như đã diễn ra cách đây hơn 10 năm, thậm chí nghiêm trọng hơn, sau khi nổ ra cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu.
Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh, vào lúc này, rõ ràng sự lựa chọn của Việt Nam là phải tập trung vào duy trì ổn định kinh tế vĩ mô đồng thời ứng phó chủ động, linh hoạt với sự thay đổi nhanh chóng của tình hình thế giới.
Đây là chìa khóa để nền kinh tế Việt Nam tiếp tục “lội ngược dòng” thành công và duy trì đà tăng trưởng trong bối cảnh thế giới, khu vực có nhiều biến động, bất ổn, đầy nghịch lý. Thực tiễn trước đây đã chứng tỏ rằng, chỉ khi các chỉ số vĩ mô được giữ ổn định, nền kinh tế mới hội đủ năng lực chống chịu, có dư địa để chủ động ứng phó có hiệu quả với các diễn biến bất ngờ và phục hồi nhanh chóng sau các biến động đó.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương đánh giá, với độ mở kinh tế lớn, trong khi tính tự chủ của nền kinh tế, năng lực sản xuất trong nước còn khiêm tốn, tác động của rủi ro, thách thức tới tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô của nước ta là rất lớn. Khó khăn, thách thức ngày càng tăng, nhất là áp lực lạm phát, tăng chi phí sản xuất, rủi ro về chuỗi cung ứng; nhu cầu các thị trường xuất khẩu lớn, truyền thống suy yếu…
Trong bối cảnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tham mưu, xây dựng Kế hoạch năm 2023, dự kiến xác định 15 chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội, trên cơ sở bám sát các mục tiêu phát triển trong cả giai đoạn 2021-2025, dự báo khả năng đạt được năm 2022, phấn đấu kiểm soát lạm phát ở mức phù hợp để tạo dư địa điều hành tăng trưởng kinh tế, hỗ trợ và phát triển lao động – việc làm, phát triển các lĩnh vực xã hội, tiếp tục nâng cao đời sống người dân.
Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà, lạm phát trong nước hiện vẫn trong tầm kiểm soát nhưng áp lực trong năm 2023 là khá lớn và không thể chủ quan với rủi ro này. Dưới góc độ của cơ quan quản lý vĩ mô, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục kiên định với mục tiêu kiểm soát lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, thận trọng trong điều hành chính sách tiền tệ, trong đó có điều hành tín dụng. Năm 2022, Ngân hàng Nhà nước định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2022 khoảng 14%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến thực tế.
Tiến sỹ Cấn Văn Lực (Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính- tiền tệ Quốc gia) khẳng định, việc nâng cao năng lực chống chịu, tính tự cường của nền kinh tế là yêu cầu cấp thiết trong bối cảnh phát triển mới, bởi đây là một trong những yêu cầu, nhiệm vụ trọng tâm của Nghị quyết Đại hội Đảng XIII, tạo tiền đề để xây dựng kinh tế độc lập, tự chủ, giảm phụ thuộc, chi phối bởi các nguồn lực bên ngoài, đồng thời mở rộng không gian phát triển, nâng cao sức cạnh tranh, chất lượng, hiệu quả nội tại của nền kinh tế.
Ông Cấn Văn Lực cho rằng cần xây dựng, vận hành hệ thống chỉ tiêu đánh giá, đo lường khả năng chống chịu và tính tự chủ, tự cường của nền kinh tế; tăng cường phối hợp chính sách nhằm ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, phục hồi, phát triển bền vững; đồng thời hoàn thiện thể chế, tạo môi trường thuận lợi hơn nữa cho phát triển kinh tế số, kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn…
Tháo gỡ điểm nghẽn
Nhìn ở góc độ tổng thể với tầm bao quát dài hạn, củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô không chỉ nằm ở chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ hay quản lý, điều tiết giá cả, mà còn nằm ở việc tháo gỡ những “điểm nghẽn” để nền kinh tế vận hành thông suốt, các doanh nghiệp tự tin đưa ra các quyết định kinh doanh và đầu tư, khơi thông dòng chảy trên thị trường và khai thác có hiệu quả mọi nguồn lực trong xã hội. Trong đó, giải quyết tốt chính sách đất đai sẽ thúc đẩy giải phóng sức lao động, các nguồn lực cho phát triển đất nước.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà chỉ rõ, công tác quy hoạch phải đổi mới về phương pháp, nội dung, hình thức và xác định lại vị thế để quy hoạch mang được quyền hạn, trách nhiệm của Nhà nước trong việc phân bổ
nguồn lực tài nguyên hết sức quý giá, đặc biệt và quan trọng là đất đai. Thông qua công cụ này thể hiện được tính dân chủ, công bằng, đặc biệt là người dân có thể tham gia.
Về định giá đất, tài chính đất đai, Bộ trưởng cho rằng, đây là những vấn đề, cả về mặt lý thuyết và thực tiễn, đang còn khoảng cách, nhận thức rất khác nhau. Nếu giải quyết được vấn đề định giá đất đai một cách công khai, minh bạch, bình đẳng, thì sẽ giải quyết được các mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội; giải quyết được mối quan hệ của Nhà nước, những người dân có đất, những người dân bị thu hồi đất và doanh nghiệp.
“Từ đó chúng ta hoàn toàn có thể chuyển từ mệnh lệnh hành chính sang từng bước kết hợp với thị trường; công cụ kinh tế kết hợp với hành chính. Có như vậy, chúng ta mới giải quyết được những vấn đề liên quan hiện nay, như: đầu cơ thổi giá, đất đai sử dụng không hiệu quả, trường hợp có quá nhiều đất nhưng không sử dụng…”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
So với Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2021, Diễn đàn lần này đưa thêm nội hàm “xã hội” nhằm làm sâu sắc hơn lĩnh vực này trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội về lập pháp, giám sát tối cao những vấn đề quan trọng của quốc gia. Điều này cũng thể hiện đúng tư tưởng, quan điểm của Đảng, Nhà nước là phát triển kinh tế gắn với tiến bộ, công bằng xã hội.
Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cho biết, để phát triển kinh tế, xã hội bền vững phải phát triển chất lượng nguồn nhân lực có chất lượng, có kỹ năng và đây cũng là một trong những đột phá chiến lược để phát triển đất nước trong thời gian tới và đã được khẳng định trong Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII.
Thời gian qua, Việt Nam đã và đang tập trung để có nhiều giải pháp đẩy mạnh nguồn và chất lượng nguồn nhân lực, trong đó có các giải pháp trọng tâm gồm: Đẩy nhanh thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trong đó có chất lượng giáo dục đào tạo mà trọng tâm là chuyển đổi số, hiện đại hóa cơ sở vật chất, thiết bị, thay đổi phương thức giáo dục đào tạo, nhất là giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp.
Bên cạnh đó, đảm bảo quy mô, cơ cấu ngành nghề đào tạo cho phục hồi và phát triển kinh tế xã hội của đất nước; hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút các nhà đầu tư, cả doanh nghiệp, người sử dụng lao động tích cực tham gia vào hoạt động đào tạo, phát triển kỹ năng nghề. Ngoài ra, xây dựng các mô hình gắn kết giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp và thị trường lao động theo từng vùng, từng địa phương phù hợp với từng nhóm đối tượng, trong đó chú trọng đối tượng đặc thù; đẩy mạnh dự báo nhu cầu về đào tạo nghề nghiệp, đặc biệt là ngành nghề khoa học và kỹ thuật công nghệ…
Để chính sách sát thực tiễn
Với một phiên toàn thể – tọa đàm cấp cao và 2 phiên chuyên đề, Diễn đàn Kinh tế – Xã hội Việt Nam 2022 đã thu hút sự quan tâm rất lớn của xã hội, của người dân, cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước. Tại các phiên chuyên đề và tọa đàm cấp cao đã có 44 ý kiến của các diễn giả, chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp, lãnh đạo các bộ, ngành. Theo báo cáo của Ban Tổ chức, trong buổi sáng đã có hàng triệu lượt xem livestream trên các nền tảng số, mạng xã hội.
Cử tri Ngô Ngọc Chuẩn, ở phường Bình Khánh, thành phố Long Xuyên (An Giang) cho rằng, sau thành công của Diễn đàn Kinh tế năm 2021, Diễn đàn Kinh tế – Xã hội Việt Nam 2022 được người dân, doanh nghiệp tiếp tục đặc biệt quan tâm và kỳ vọng đây sẽ là một “Hội nghị Diên Hồng” về các vấn đề nóng của kinh tế – xã hội đất nước và quốc tế trong bối cảnh mới; đề ra những giải pháp mang tính đột phá, không chỉ trong ngắn hạn mà có tác động lâu dài, nhất quán, nhằm thúc đẩy thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội; tạo tiền đề thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021-2025 và những năm tiếp theo.
Cử tri Ngô Ngọc Chuẩn khẳng định: Các chuyên đề được thảo luận tại Diễn đàn rất cấp thiết và cần sớm thực hiện, nhất là các chính sách liên quan đến cách thể chế, hoàn thiện chính sách về đất đai, nhằm tạo động lực cho phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội.
Đánh giá cao các nội dung thảo luận ở diễn đàn, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tô Thế Nguyên, Phó Trưởng khoa Kinh tế Chính trị – Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ: Nội dung các thảo luận rất trúng và đúng với mong muốn của Diễn đàn. Các bài tham luận đã phân tích được đầy đủ các vấn đề kinh tế – xã hội, thực trạng và các thách thức, đưa ra được các giải pháp khá bao trùm và cả cụ thể nhằm phục hồi kinh tế đất nước trong giai đoạn mới.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tô Thế Nguyên nhấn mạnh: Diễn đàn được tổ chức thời điểm này là vô cùng cần thiết, nhằm rà soát, đánh giá lại các chính sách mà Chính phủ, Quốc hội, các ban, ngành đề xuất. Các tham luận được trình bày tại diễn đàn là những nghiên cứu có chất lượng từ các nhà khoa học và các tổ chức, hy vọng sẽ là chìa khóa quan trọng để tiếp tục cải thiện các chính sách sát hơn với thực tiễn.
Việc tổ chức Diễn đàn Kinh tế-Xã hội Việt Nam 2022 trong bối cảnh Quốc hội đang chuẩn bị tổ chức Kỳ họp thứ 4 để xem xét, quyết định nhiều vấn đề hệ trọng về kinh tế-xã hội, xây dựng pháp luật… có ý nghĩa quan trọng. Các tham luận, ý kiến tại Diễn đàn sẽ là kênh thông tin “đầu vào” quan trọng để các cơ quan của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội, các cơ quan hữu quan có thêm dữ liệu; từ đó phân tích, dự báo, kịp thời có các giải pháp chính sách củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, giảm thiểu tác động tiêu cực, nắm bắt các cơ hội, thời cơ, để hỗ trợ nền kinh tế vượt qua khó khăn, phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng, phát triển bền vững./.
Theo BNews/