BNEWS Theo các chuyên gia, Việt Nam nên tái cân đối chính sách phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, thúc đẩy hấp thụ và phổ biến công nghệ giữa nhóm các doanh nghiệp.
Ngày 3/11 tại Hà Nội, Ngân hàng Thế giới phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Sứ quán Australia tại Việt Nam tổ chức Lễ công bố các Báo cáo khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Sự kiện được quan tâm và tham gia bởi đại diện lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ và Đại sứ Astralia tại Việt Nam; đồng thời được kết nối trực tuyến trên nền tàng Facebook và YouTube.
Báo cáo “Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo Việt Nam” là sản phẩm của Chương trình Hỗ trợ phân tích và tư vấn của Ngân hàng Thế giới về nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo Việt Nam. Báo cáo được xây dựng theo đặt hàng của Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam, do Chương trình Đối tác chiến lược Giai đoạn II giữa Chính phủ Australia và Nhóm Ngân hàng Thế giới (ABP2) tài trợ.
Báo cáo nghiên cứu khung phát triển và chính sách về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo hiện tại, phân tích những điểm nghẽn cản trở các doanh nghiệp đổi mới và đề xuất một nghị trình cải cách toàn diện để thúc đẩy tăng trưởng dẫn dắt bởi đổi mới sáng tạo.
Bà Carolyn Turk, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nhận định: “Việt Nam sẽ cần những động lực mới cho tăng trưởng kinh tế để có thể đạt được tham vọng trở thành một nền kinh tế có thu nhập cao vào năm 2045 và đổi mới sáng tạo sẽ là nền tảng cơ bản trong việc nâng cao thu nhập và cải thiện chất lượng tăng trưởng. Tuy nhiên, có nhiều cách tiếp cận khác nhau để thúc đẩy đổi mới sáng tạo và báo cáo này đưa ra những ý tưởng có thể phù hợp cho Việt Nam”.
Báo cáo khuyến nghị Việt Nam nên tái cân đối chính sách phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của mình, chuyển từ tập trung đầu tư tạo ra công nghệ tiên tiến sang thúc đẩy hấp thụ và phổ biến công nghệ giữa nhóm các doanh nghiệp.
Sự lan tỏa công nghệ – không chỉ là nghiên cứu và phát triển – có thể mang lại hiệu quả năng suất và chuyển đổi kinh tế đáng kể. Đây chính là điểm mà các can thiệp chính sách và hỗ trợ từ Chính phủ có thể mang lại lợi ích lớn nhất.
Quan tâm xây dựng năng lực để tận dụng tối đa các công nghệ hiện đại nhất nên là ưu tiên hàng đầu. Việc thu hẹp khoảng cách về kỹ năng của lực lượng lao động – cả chất lượng và số lượng – cũng sẽ rất quan trọng để khai thác toàn bộ sức mạnh của đổi mới sáng tạo.
Tại sự kiện, các diễn giả thuộc nhóm nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới đã trình bày các báo cáo cụ thể với chủ đề: “Đổi mới sáng tạo ở các quốc gia đang phát triển khu vực Đông Á – Yêu cầu cấp thiết”; “Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo Việt Nam” và Đổi mới công nghệ ở Việt Nam – đóng góp của công nghệ vào tăng trưởng kinh tế”.
Trong các báo cáo, nhóm chuyên gia Ngân hàng Thế giới đã tập trung phân tích những thay đổi cụ thể về chính sách và đề xuất các phương án cải cách thể chế để tăng cường ứng dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp. Các thông tin này có ý nghĩa quan trọng, là thông tin đầu vào nhằm hỗ trợ xây dựng Chiến lược khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021-2030 và Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021-2030.
Để xây dựng báo cáo, Bộ Khoa học và Công nghệ và Ngân hàng Thế giới đã tổ chức nhiều cuộc gặp mặt cấp cao, trao đổi chuyên môn giữa hai bên nhằm thống nhất về phương pháp triển khai và nội dung của báo cáo. Các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới thông qua nhiều hội thảo, trao đổi và làm việc với các cơ quan có liên quan của Việt Nam thu thập thông tin. Nhiều bộ, ngành, Sở Khoa học và Công nghệ, trường Đại học cùng khoảng 200 doanh nghiệp trên cả nước đã cung cấp các thông tin đầu vào quan trọng cho báo cáo.
Báo cáo “Đổi mới công nghệ ở Việt Nam – Đánh giá tác động của công nghệ đến tăng trưởng kinh tế” đã cung cấp bộ dữ liệu về công nghệ (với trên 4.5 triệu biểu ghi) trong tổng thể số liệu về kinh tế – xã hội của Việt Nam cả giai đoạn 2001-2019. Các dữ liệu này được tổng hợp, phân loại đồng bộ, thống nhất, sử dụng các mô hình toán kinh tế tiên tiến để bước đầu định lượng được đóng góp của tiến bộ công nghệ vào tăng trưởng kinh tế, cũng như cơ chế khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tác động vào nền kinh tế của Việt Nam.
Những kết quả của dự án này có thể là nguồn dữ liệu tham khảo quan trọng cho việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045; trong đó, các yếu tố về hiệu quả và tính sáng tạo đóng vai trò quan trọng, vượt qua các yếu tố cơ bản là vốn và lao động giá rẻ.
Đánh giá về các báo cáo được công bố tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy nhận định, các báo cáo đã được nhóm nghiên cứu thực hiện một cách sâu sát và kỹ lưỡng, cho thấy việc cần thiết phải đẩy mạnh hơn nữa năng lực hấp thụ công nghệ và đổi mới trong doanh nghiệp.
Đặc biệt là trong việc hỗ trợ, hoạch định chính sách phát triển hoạt động đổi mới công nghệ và sáng tạo ở Việt Nam. Báo cáo cũng cho thấy bức tranh khách quan, chân thực về những điểm mạnh điểm yếu, chỉ ra một số vấn đề trong đổi mới sáng tạo có sự mất cân đối phát triển tạo ra tri thức và hấp thụ tại doanh nghiệp.
Một thực tế, các doanh nghiệp sản xuất hiện vẫn là sử dụng công nghệ 1.0 (sản xuất bằng tay), 2.0 (tự động chưa kết nối máy tính) và có khoảng cách rất xa ở mức 4.0. Vì thế, cần có đầu tư tạo động lực cho doanh nghiệp và hỗ trợ đổi mới cho công nghệ để phát triển bền vững hơn. Thời gian qua, các doanh nghiệp vẫn duy trì được và phát triển tốt trong đại dịch đã là minh chứng rõ ràng nhất cho thấy hiệu quả đem lại của việc đầu tư đổi mới sáng tạo, Thứ trưởng Bùi Thế Duy nhấn mạnh.
Thảo luận về vai trò của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo đối với phát triển kinh tế – xã hội và tại doanh nghiệp, bà Phạm Hiền, đại diện Dự án Data61- CSIRO, nhận định, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là trụ cột trong quan hệ chiến lược giữa Việt Nam và Australia.
Việt Nam đang được
hưởng lợi từ việc áp dụng khoa học công nghệ và thực tế đã cho thấy sự khác biệt giữa các ngành nghề khác nhau khi vận dụng kết quả của khoa học công nghệ.
Tuy nhiên có nhiều ngành mới nổi vẫn cần phải tiếp tục tích lũy kiến thức đổi mới sáng tạo và làm thế nào để thương mại hóa kết quả khoa học công nghệ này.
Thông qua các nghiên cứu gần đây, bà Hiền cho rằng nhiều ngành tại Việt Nam có phát triển mạnh mẽ về khoa học công nghệ như ngành năng lượng (năng lượng tái tạo, năng lượng mặt trời, gió, quản lý điện lực).
Đặc biệt ngành dược trở thành lĩnh vực nổi trội trong việc áp dụng đổi mới sáng tạo trong việc đưa ra sản phẩm mới. Điều đó cho thấy thị trường Việt Nam đang trong giai đoạn đầu áp dụng đổi mới công nghệ.
Trước đây 5 năm, tỷ trọng đổi mới công nghệ mới chỉ ở mức 5% nhưng đến nay đã tăng đáng kể lên mức 20%. Việt Nam hiện cũng đang có những chủ thể “chơi lớn” – năng động, có đầu tư lớn, cũng như sẵn sàng phát triển ứng dụng công nghệ mới trên thị trường./.
Theo BNews/