BNEWS Hiện vẫn có nhiều câu hỏi về việc Chính phủ Lào có thể làm gì để khắc phục nền kinh tế?
Theo tạp chí The Diplomat ngày 2/11, khi Thủ tướng Lào Phankham Viphavanh đã kết thúc cuộc họp chính phủ vào tháng trước. Tuy nhiên, hiện vẫn có nhiều câu hỏi về việc Chính phủ Lào có thể làm gì để khắc phục nền kinh tế?
Đồng nội tệ kip của Lào đang rơi tự do, trong khi lạm phát đã tăng đến 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngân hàng Thế giới (WB) hiện ước tính kinh tế Lào sẽ chỉ tăng trưởng 2,5% trong năm nay, giảm so với dự báo trước đó là 3,8%. Ngay cả trong những năm trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát, tốc độ tăng trưởng ở Lào vẫn gặp khó khăn. Trong khi đó, rủi ro vỡ nợ đối với những khoản nợ ngày càng tăng của Lào hoàn toàn có thể xảy ra.
Một giải pháp khả thi là đa dạng hóa quan hệ thương mại. Trong năm 2019, Trung Quốc, Thái Lan và Việt Nam đã mua khoảng 4/5 hàng hóa xuất khẩu của Lào, theo số liệu của Liên hợp quốc. Hàn Quốc cũng đã nổi lên là một đối tác quan trọng của Lào trong năm nay, với một loạt các thỏa thuận và hiệp định hợp tác mới được ký kết giữa hai bên.
Tuy nhiên, vấn đề lớn hơn với Lào chính là phương Tây. Kim ngạch thương mại song phương của Lào với Mỹ chỉ đạt giá trị 252 triệu USD vào năm ngoái; Mỹ chỉ mua 218 triệu USD hàng hóa trong tổng kim ngạch xuất khẩu khoảng 7 tỷ USD của Lào. Từ năm 2010 đến năm 2020, xuất khẩu của Lào sang Mỹ chỉ tăng 79%, trong khi của Campuchia lần lượt tăng 435% và 184% so với cùng kỳ. Theo các dữ liệu của Liên minh châu Âu (EU), mặc dù EU là đối tác thương mại lớn thứ tư của Lào nhưng năm ngoái trao đổi thương mại cũng chỉ đạt khoảng 500 triệu USD, chiếm khoảng 3,6% tổng kim ngạch thương mại của Lào.
Một số nhà phân tích cho rằng điều này có thể thay đổi nếu Lào kết nối tốt hơn với phần còn lại của khu vực. Tuyến đường sắt trị giá 5,9 tỷ USD nối thủ đô Viêng Chăn với thành phố Côn Minh ở miền Nam Trung Quốc đã khai trương vào năm ngoái. Các tuyến đường bổ sung cũng đã được xây dựng để cải thiện khả năng kết nối với Thái Lan, nối liền Viêng Chăn với cảng Laem Chabang của Thái Lan.
Một tiềm năng rất quan trọng là tuyến đường sắt trị giá 5 tỷ USD sẽ kết nối Viêng Chăn với cảng biển nước sâu Vũng Áng của Việt Nam. Tuyến đường sắt được đề xuất, dự kiến bắt đầu xây dựng vào tháng 11 tới, cũng sẽ xen kẽ với tuyến đường sắt Bắc Nam của Việt Nam, nối Viêng Chăn với thủ đô Hà Nội.
Theo một báo cáo tóm tắt gần đây của công ty nghiên cứu Dezan Shira & Associates có trụ sở ở Việt Nam, vận chuyển từ Đông Nam Á đến châu Âu có thể chỉ mất hơn 10 ngày bằng đường sắt. “Hiện tại, các nhà xuất khẩu ASEAN đang tận dụng cảng biển khổng lồ của Singapore làm trung tâm vận tải chính, mà thông thường sẽ mất khoảng 45 ngày để đến được châu Âu”, báo cáo cho biết.
Theo một phát ngôn viên của EU, “một tuyến đường thương mại nhanh hơn và rẻ hơn có thể khiến nhiều nhà đầu tư châu Âu xem Lào như một điểm đến đầu tư và thương mại tiềm năng mới”. Việc tiếp cận các cảng của Việt Nam “có thể cung cấp một tuyến đường thương mại thay thế tới EU, dẫn đến gia tăng thương mại với Lào”.
Tuy nhiên, ông này cũng nói thêm rằng hiện vẫn còn quá sớm để đánh giá tác động của cơ sở hạ tầng đường sắt theo kế hoạch này đối với thương mại Lào-EU. Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB), cơ quan chuyên cho vay của EU, đang hỗ trợ mở rộng Quốc lộ 13 – tuyến đường cao tốc quan trọng nhất của Lào.
Tháng Tám vừa qua, Hội đồng Kinh doanh Mỹ -ASEAN đã đến thăm Viêng Chăn lần đầu tiên kể từ năm 2018 và đã tổ chức một hội nghị bàn tròn tại đây. Đại sứ Mỹ tại Lào Peter M Haymond nói rằng: “Mục tiêu của chúng tôi là hỗ trợ Lào giúp các doanh nghiệp của họ phát triển mạnh mẽ”.
Tuy nhiên, ông Haymond cũng lưu ý rằng “đây là thời điểm quan trọng để chính phủ và khu vực tư nhân làm việc cùng nhau nhằm giải quyết các rào cản đối với đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo cơ hội việc làm cho nền kinh tế hiện đại./.
Theo BNews/