BNEWS Các chiến lược gia về năng lượng đã kêu gọi một nỗ lực thực sự để phát triển các nguồn cung mới tại nhiều nơi nhất có thể.
* Những va chạm tiềm ẩn
Trước triển vọng thiếu hụt nguồn cung và những khó khăn trong tiếp cận các nguyên liệu quan trọng này, các chiến lược gia về năng lượng đã kêu gọi một nỗ lực thực sự để phát triển các nguồn cung mới tại nhiều nơi nhất có thể.
Giám đốc điều hành Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) Fatih Birol từng tuyên bố: “Ngày nay, các kế hoạch cung ứng và đầu tư liên quan tới nhiều khoáng sản quan trọng đang cách khá xa với điều cần làm để duy trì đà gia tăng việc lắp đặt các tấm pin quang năng, các máy phát điện bằng sức gió và xe điện. Những nguy cơ này là có thật, nhưng có thể vượt qua. Câu trả lời từ các chính phủ và doanh nghiệp sẽ quyết định liệu các khoáng sản then chốt có tiếp tục là bệ phóng thiết yếu cho quá trình chuyển đổi sang cơ cấu năng lượng sạch hay sẽ trở thành nút thắt cổ chai của tiến trình này”.
Tuy nhiên, như ông Fatih Birol và những đồng nghiệp của ông tại IEA đã chỉ ra, việc vượt qua những rào cản này không hề là dễ dàng. Đầu tiên, việc thực hiện những dự án khai khoáng mới có thể là rất tốn kém và đối diện vô số rủi ro.
Các doanh nghiệp khai khoáng có thể sẵn sàng đầu tư hàng tỷ USD vào một quốc gia như Australia, nơi chế độ pháp lý khá “hiếu khách” và có thể chờ đợi sự bảo hộ trước các vụ tịch biên có thể có trong tương lai, nhưng rất nhiều các mỏ khoáng sản tiềm năng lại nằm ở các nước như Cộng hòa Dân chủ Congo, Myanmar, hay thậm chí cả Peru và Nga, nơi các điều kiện này lại không được chắc chắn như vậy.
Sự xuống cấp về chất lượng của các khoáng sản là một mối lo khác. Từ thời kỳ đồ đồng, loài người đã bắt đầu tìm kiếm một cách hệ thống các mỏ khoáng sản và một số lượng lớn các mỏ hiện tại đã được khám phá và khai thác từ khá lâu.
Báo cáo của IEA nhận định: “Trong những năm qua, chất lượng khoáng sản đã sụt giảm rất nhiều ở một loạt các sản phẩm cơ bản. Đơn cử, tỷ lệ tinh chất trung bình của quặng đồng tại Chile đã giảm 30% trong vòng 15 năm qua. Việc khai thác quặng kim loại có tỷ lệ tinh chất thấp hơn tiêu tốn nhiều năng lượng hơn, tạo sức ép gia tăng giá thành sản xuất và lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính cũng như khối lượng rác thải”.
Ngoài ra, hoạt động khai khoáng các mỏ quặng dạng đá dưới lòng đất thường bao gồm việc sử dụng acid và các chất độc hại khác mà nhìn chung cần lượng nước lớn làm dung môi và tẩy rửa, và lượng nước lớn này sẽ bị ô nhiễm khi trở lại môi trường tự nhiên. Vấn đề này ngày càng trở nên trầm trọng, trong khi ngày càng có nhiều luật lệ chặt chẽ hơn về bảo vệ môi trường và các vận động phản đối của cộng đồng địa phương cũng trở nên thường xuyên.
Tại nhiều khu vực trên thế giới, như trường hợp bang Nevada với dự án lithium đã nêu trên, những nỗ lực khai khoáng mới và xử lý quặng đã vấp phải sự phản đối trực diện ngày càng dữ dội hơn của người địa phương. Một ví dụ khác là khi doanh nghiệp mỏ của Australia Lynas Corporation muốn né tránh luật môi trường trong nước và định chuyển lượng quặng khai thác từ mỏ đất hiếm của mình tại Mount Weld tới Malaysia để xử lý tại đây, các phong trào địa phương đã tổ chức một chiến dịch kéo dài để cản trở kế hoạch này.
Còn đối với Washington, có lẽ không có vấn đề nào gai góc hơn – xét từ khía cạnh mức độ sẵn có của các khoáng sản thiết yếu cho một cuộc cách mạng xanh – là mối quan hệ đang ngày càng xuống cấp của họ với Bắc Kinh. Dù thế nào, Trung Quốc hiện tại cũng đang cung cấp tới 70% sản lượng đất hiếm toàn cầu cùng nhiều mỏ quặng của các khoáng sản chiến lược khác.
Thêm nữa, quốc gia đông dân thế giới này cũng đang đảm nhận việc tinh chế và xử lý rất nhiều khoáng sản then chốt khai thác từ các nước láng giềng. Trên thực tế, nếu xét tới khía cạnh xử lý quặng, các con số còn đáng ngại hơn nữa cho “chú Sam”.
Trung Quốc có lẽ không khai thác lượng lớn cobalt và niken, nhưng lại là nơi xử lý tinh chế tới 65% lượng cobalt và 35% lượng niken thành phẩm được thương mại trên thế giới. Nếu Trung Quốc chỉ chiếm 11% lượng quặng lithium khai thác trên thế giới, thì họ nắm giữ tới 60% lượng lithium đã xử lý. Còn về đất hiếm, cho dù “chỉ” cung cấp hơn 60% nguyên liệu thô của toàn cầu, Trung Quốc lại kiểm soát tới 90% lượng đất hiếm đã chuyển hóa dạng thành phẩm.
Một cách giản lược, có thể nói Mỹ và nhiều nước khác không thể khởi động tiến trình chuyển đổi hàng loạt từ nhiên liệu hóa thạch sang một nền kinh tế dựa trên các năng lượng tái tạo mà không hợp tác về kinh tế với Trung Quốc. Không nghi ngờ gì, các nước này sẽ làm mọi việc có thể để giảm bớt mức độ phụ thuộc đó, nhưng chưa có bất kỳ triển vọng thực tế nào trong tương lai gần, về khả năng xóa bỏ được sự phụ thuộc vào Trung Quốc về đất hiếm, lithium và một số khoáng sản then chốt khác.
Hoàn toàn có thể tưởng tượng một tương lai trong đó các nước bắt đầu tranh giành các nguồn dự trữ khoáng sản thiết yếu trên toàn cầu, như họ đã từng làm với dầu mỏ. Đồng thời, một khả năng cũng lớn không kém là nhiều nước sẽ đơn giản là từ bỏ các kế hoạch về năng lượng xanh do thiếu các nguyên liệu phù hợp và tái kích hoạt các cuộc chiến tranh giành “vàng đen” trong quá khứ. Trong một thế giới vốn đã quá nóng, cả hai khả năng này đều có thể dẫn tới viễn cảnh hỗn loạn của nền văn minh nhân loại.
Trên thực tế, Washington và Bắc Kinh có rất ít lựa chọn ngoài việc hợp tác với nhau và với nhiều nước khác để đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu năng lượng. Các nước có thể hợp tác và mở thêm nhiều cơ sở khai khoáng và xử lý khoáng sản thiết yếu mới, phát triển các lựa chọn thay thế khả thi cho các nguyên liệu hiếm, cải thiện các kỹ thuật khai khoáng để giảm bớt rủi ro môi trường và đạt được bước tiến lớn trong việc tái chế các khoáng sản từ ắc-quy và các sản phẩm đã sử d
ụng khác.
Dường như tất cả những lựa chọn khác đều có thể sẽ dẫn tới một thảm họa quy mô toàn cầu, hay thậm chí một điều gì đó tồi tệ hơn./.
Theo BNews/