S&P Global Ratings nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam lên mức BB+, triển vọng “Ổn định”
Ngày 26/05/2022, S&P Global Ratings đã nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam lên mức BB+, triển vọng “Ổn định”. Việt Nam và Đài Loan là 2 quốc gia/vùng lãnh thổ duy nhất ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương được nâng xếp hạng tín nhiệm. Sau khi nâng xếp hạng tín nhiệm của quốc gia, S&P Global Ratings đã nâng xếp hạng tín nhiệm của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCB) từ BB- lên BB với triển vọng “Ổn định” trong ngày 27/05/2022.
S&P nâng hệ số tín nhiệm quốc gia của Việt Nam khi đánh giá nền kinh tế trên đà phục hồi trong bối cảnh Chính phủ gỡ bỏ hạn chế di chuyển trong và ngoài nước, tiến độ tiêm chủng nhanh và chính sách kiểm soát Covid-19 lịch hoạt. S&P đánh giá cao những cải thiện rõ rệt về quy trình, thủ tục hành chính của Chính phủ, đặc biệt là những biện pháp về thủ tục hành chính nhằm đảm bảo trả đúng hạn các khoản nợ được bảo lãnh, cùng với vị thế đối ngoại vững vàng và thu hút vốn FDI ổn định trước những gián đoạn do dịch COVID-19.
S&P dự báo tăng trưởng GDP năm 2022 của Việt Nam đạt 6,9% và duy trì mức tăng trưởng dài hạn 6,5%-7% từ năm 2023. Thâm hụt tài khóa có thể tạm thời vượt mức 4% (so với mục tiêu thâm hụt ngân sách trung bình của Chính phủ là 3,7% trong giai đoạn 2021-2025) do việc việc triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. S&P cũng lưu ý một số điểm yếu còn tồn tại trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, cũng như còn nhiều quy trình thủ tục kéo dài liên quan đến giải ngân đầu tư công.
Theo thang điểm xếp hạng của S&P Global Ratings, BB+ là thứ hạng cao nhất trong nhóm đầu cơ và chỉ thấp hơn một bậc so với hạng đầu tư. Chúng tôi tin rằng việc nâng hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam sẽ giúp Việt Nam thu hút nhiều nhà đầu tư quốc tế hơn.
Nguồn: https://marketinsider.vn/