Trên đây là nhận định của các đại biểu trong và ngoài nước tham dự hội thảo “Phát triển Điện gió ngoài khơi vì tương lai năng lượng sạch của Việt Nam” do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Hội đồng Năng lượng gió toàn cầu (GWEC) tổ chức chiều tối 16/12.
Theo các đại biểu, những vấn đề đang được đặt ra và giải quyết đối với việc phát triển điện gió ngoài khơi bao gồm: việc xây dựng các cơ chế, chính sách, xây dựng cơ sở hạ tầng lưới điện, nâng cao năng lực thi công, xây lắp và phát triển chuỗi cung ứng nội địa.
Ông Keld Bennetsen, Phó chủ tịch Tập đoàn Copenhagen Offshore Partners (COP), đơn vị quản lý dự án điện gió ngoài khơi La Gàn chia sẻ, khó khăn trong triển khai các dự án điện gió ngoài khơi tại Việt Nam hiện nay là vấn đề khung pháp lý.
“Chúng tôi hiểu rằng khung pháp lý đang được hoàn thiện, nhưng vẫn chưa rõ ràng với các nhà đầu tư. Chúng ta cần các hợp đồng mua bán điện (PPA) và các cơ chế để tạo thuận lợi cho các tổ chức tài chính quốc tế tham gia”, ông Keld Bennetsen chia sẻ thêm.
Song song đó, hệ thống lưới điện cần được nâng cấp với kế hoạch phát triển điện gió ngoài khơi và giá FIT cũng là yếu tố giúp hỗ trợ cho các dự án đầu tiên; đồng thời, các dự đầu tiên phải được phát triển bởi các công ty giàu kinh nghiệm. Qua đó, giúp Việt Nam thu hút nhiều nhà đầu tư tài chính cũng như các nhà đầu tư quốc tế phát triển chuỗi cung ứng, kinh tế địa phương và phát huy chuỗi giá trị quốc gia.
Chia sẻ về dự án điện gió ngoài khơi La Gàn, ông Keld Bennetsen cho biết, dự án có công suất 3,5GW, tổng vốn đầu tư hơn 10 tỷ USD, với tỷ lệ nội địa hóa dự kiến chiếm khoảng 44,1% trong toàn bộ chuỗi cung ứng. Dự án này dự kiến đóng góp hơn 4 tỷ USD cho nền kinh tế Việt Nam, tạo ra hơn 45.880 công việc tương đương toàn thời gian (FTE) và khoảng 250 TWh điện năng cho Việt Nam.
Thực tế cho thấy, Việt Nam có lợi thế trong việc phát triển điện gió ngoài khơi với công nghệ dầu khí và có gió, song việc nâng cao tỷ lệ nội địa hóa trong chuỗi cung ứng cho các dự án này đang đặt ra thách thức không nhỏ.
Theo ông Nguyễn Anh Dũng, Phó giám đốc, Công ty trách nhiệm hữu hạn PTSC M&C, tới đây khi triển khai dự án điện gió ngoài khơi tại Việt Nam, cần xem xét cho Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam cùng tham gia, hợp tác cùng nhà đầu tư nước ngoài. Trên cơ sở đó, các doanh nghiệp khác trong ngành dầu khí sẽ có cơ hội tham gia chuỗi cung ứng điện gió ngoài khơi.
Bên cạnh đó, các chủ đầu tư xem xét để các doanh nghiệp được tham gia tổng thầu, bởi nếu chỉ nhìn ở góc độ là nhà thầu chế tạo hay làm dịch vụ nhỏ lẻ như dịch vụ hậu cần (logistics) thì giá trị sẽ giảm.
Ở góc độ tài chính, các đại biểu đánh giá việc thu hút đầu tư vào thị trường điện gió ngoài khơi tại Việt Nam đang rộng mở, hấp dẫn khi nhu cầu năng lượng xanh, năng lượng sách ngày càng tăng không chỉ ở trong nước mà còn phạm vi quốc tế. Trong khi đó, việc thu xếp vốn đối với các dự án nhiệt điện, than gặp khó khăn trước bối cảnh toàn cầu hóa và các biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu.
Ông Patrick Jakobsen, Giám đốc thẩm định tín dụng, Tổ chức Tín dụng xuất khẩu Đan Mạch (EKF) cho rằng, điện gió ngoài khơi là lĩnh vực đặc thù đòi hỏi quá trình phát triển dự án dài và phức tạp hơn so với các nguồn năng lượng tái tạo khác nên cần có chính sách linh hoạt trong việc thu xếp tài chính cho các dự án này.
Theo đó, với cấu trúc, quy mô dự án lớn, các nhà đầu tư có xu hướng thận trọng hơn trong việc đưa ra quyết định đầu tư, nhất là trong việc thẩm định hợp đồng mua bán điện (PPA), nguồn cung, nối lưới… cũng như thông tin rủi ro, cơ chế xác định rủi ro. Do vậy, để tăng tính hấp dẫn đối với các nhà đầu tư và tính cạnh tranh của dự án, ông Patrick Jakobsen khuyến nghị cần xem xét khả năng vay vốn đối với các dự án điện gió ngoài khơi tại Việt Nam hay có cơ chế phê duyệt tài chính đối với những hợp đồng này.
Theo báo cáo của Tập đoàn điện lực Việt Nam, tính đến hết ngày 31/10/2021, Việt Nam đã có 88 dự án điện gió hòa lưới với tổng công suất đặt khoảng 4,2 GW. Đối với điện gió ngoài khơi, hiện có 35 dự án đang nghiên cứu và triển khai với tổng công suất dự kiến lên đến 60 GW. Điều này cho thấy tiềm năng điện gió ngoài khơi là rất lớn, hoàn toàn đảm bảo đáp ứng nhu cầu điện năng trong tương lai.
Cùng với năng lực và kinh nghiệm xây dựng các công trình ngoài khơi, các công trình biển và hệ thống logistics phụ trợ của ngành dầu khí hiện nay, Việt Nam có thể phát huy tốt nội lực để phát triển ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi gắn với chuỗi giá trị công nghiệp hỗ trợ và dịch vụ logistic trong những năm tới.
Theo Báo Tin Tức