Trang chủ » Bí quyết “sợ chồng” [251]

Bí quyết “sợ chồng” [251]

bởi unexpress

Khi bị một người chồng “không còn gì để mất” bạo hành, nếu tìm đến chính quyền mà không được giải quyết triệt để thì khả năng các bà vợ bị bạo hành càng cao hơn. Ngoài lý do bị “lờn thuốc”, tâm lý của những người chồng dạng này thường rất “kỵ” với việc bị vợ xem thường.

Lờn thuốc

Cách đây một năm, chị Hồng Anh (nhân viên bảo hiểm) bị chồng đánh rách da đầu, chị đã trình báo công an và được cảnh sát khu vực vào giải quyết ngay. Một thời gian sau đó, chồng chị không dám đánh chị nữa. Gần đây, anh ta lại tái diễn trò bạo lực, chị Hồng Anh cũng chạy ra đồn công an kêu cứu, nhưng không gặp được anh cảnh sát khu vực nên đành “tay không” trở về. Từ đó, chị càng bị đánh thường xuyên hơn.
 
Vợ chồng chị lấy nhau đã 20 năm, có hai mặt con. Anh Nam – chồng chị, là bộ đội phục viên không có nghề nghiệp ổn định. Hơn chục năm nay, mình chị phải lo kinh tế gia đình. Cậy có ngôi nhà do bố mẹ để lại nên anh chẳng chịu làm ăn gì, suốt ngày rượu chè cờ bạc rồi sinh tật ghen tuông, đánh đập vợ. Mỗi lần bị chồng chửi, chị nói lại thì bị chồng cho là láo, không nói gì anh ta lại bảo bị vợ coi thường. Bế tắc, tủi nhục nhưng chị không dám bỏ chồng vì “bỏ thì mấy mẹ con biết sống ở đâu?”.

Chị Nguyễn Thị Lan ở huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang cũng đã sống chung với bạo lực gia đình hàng chục năm qua. Từ khi biết có Luật Phòng chống bạo lực gia đình, chị em trong xóm mách chị nên đi báo công an xã nếu bị chồng đánh. Chị Lan làm đúng như vậy, công an xã cũng nhiệt tình vào tận nhà nhắc nhở chồng chị, nhưng kể từ ngày đó, chị càng bị đánh nhiều hơn. Mỗi lần không vừa lòng chuyện gì là chồng chị vừa đánh vừa chửi chị “ngu”, “trong nhà chưa tỏ ngoài ngõ đã tường”, “chồng mày bị gô cổ lại là mày sướng lắm chứ gì?”. Với “điệp khúc” đó, chị Lan càng bị chồng đánh nhiều hơn nhưng chỉ cắn răng chịu đựng, không dám hé với ai một lời.

Bà Tô Thanh Tâm, chuyên viên tư vấn tâm lý Trung tâm tư vấn Tuổi trẻ hạnh phúc và kỹ năng cuộc sống (Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh) cho rằng: về mặt lý thuyết, phụ nữ kêu cứu chính quyền khi bị chồng đánh là hoàn toàn đúng. Tuy nhiên, biện pháp đó chỉ hiệu quả khi được chính quyền giải quyết triệt để. Nếu chính quyền giải quyết không triệt để, càng tạo tâm lý “lờn thuốc” ở các ông chồng.

Qua nhiều vụ giải quyết bạo lực gia đình, ông Nguyễn Tiến Quyết (Trung tâm Phòng chống bạo hành phụ nữ – Bệnh viện Đa khoa Đức Giang) cho rằng, đa số nạn nhân bạo lực gia đình chỉ tìm đến chính quyền như một biện pháp cuối cùng. Một số ông chồng đã dừng hành vi bạo lực với vợ sau khi bị chính quyền nhắc nhở, nhưng có một số lại trở nên hung hăng hơn. Những ông chồng dạng thứ hai này thường thuộc thành phần “không có gì để mất”: không công ăn việc làm hoặc không có vị thế trong gia đình cũng như ngoài xã hội. Họ là những ông chồng “cùn”.
 
Sợ cũng là bí quyết!

Khi không muốn ly hôn, các bà vợ cần phải nắm được đặc điểm tâm lý của chồng mình để còn biết “liệu cơm gắp mắm”. Nín nhịn, chấp nhận sống chung với bạo lực là tự mình đi vào ngõ cụt, nhưng chấp nhận tính cách của chồng, tìm cách ứng xử phù hợp với tính cách đó thì có thể hóa giải được nhiều điều, kể cả bạo lực gia đình. Tâm lý của những ông chồng “cùn” là ưa ngọt, ưa nịnh, bao giờ cũng muốn có uy thế trước vợ. Càng không có danh phận gì, người ta càng khao khát cái uy này. Những lời nói trống không, im lặng lườm nguýt, không thèm trả lời hay trả treo… sẽ khiến cho người chồng cảm thấy mình đang bị vợ coi khinh. Lúc này, sự thật về địa vị thấp kém càng khiến họ cay cú và chuyện đánh vợ để dằn mặt là điều sẽ đến. 

Đương nhiên kẻ gây ra bạo lực là có tội, nhưng nếu nhìn nhận một cách khách quan thì trong bất kỳ vụ xô xát nào cũng không thể nói một bên hoàn toàn có lỗi. Một mối quan hệ tốt là do cả hai người cùng tốt, cùng chủ ý xây dựng. Một người xấu nhưng một người tốt thì vẫn có thể có mối quan hệ tốt. Còn một mối quan hệ không tốt là do cả hai đều không tốt. Trong các vụ bạo hành gia đình cũng vậy, có nhiều người vợ bản chất tốt nhưng xét ở khía cạnh nào đó, họ lại không tốt trong mối quan hệ với người chồng đó. Trong quan hệ vợ chồng, bình đẳng giới chỉ mang tính tương đối, không thể có mẫu số chung.

Khi quan hệ vợ chồng “cơm không lành, canh không ngọt” thì người thiệt thòi nhất vẫn là… phụ nữ. Đàn ông như con chim, có thể rũ cánh bay đi, không thèm đoái hoài gì đến con cái, gia đình, nhưng phụ nữ lại không thể như vậy. Gia đình, con cái… chính là sự nghiệp, là cuộc đời của họ. Vì thế, lời khuyên cho các bà vợ khi lấy phải ông chồng “cùn” là nếu không muốn chia tay, hãy vận dụng mọi sự khôn khéo, để bảo vệ mình, bảo vệ hạnh phúc gia đình.

Nguyên tắc ứng xử với các ông chồng “cùn” là nói ngọt, nói nịnh và luôn tìm cách đề cao chồng. Nghệ thuật ứng xử là ở mỗi người, nhưng bí quyết hữu hiệu nhất chỉ có một: hãy thực tâm coi trọng chồng. Dù chồng có như thế nào, khi đã là chồng mình thì họ là nhất. Đừng so bì, đừng chê bai. Nhà tâm lý Trịnh Trung Hòa từng “mách nhỏ” một bí quyết cho các bà vợ “muốn được là hoàng hậu thì hãy coi chồng là vua”. Đặc biệt, khi xảy ra xung đột vợ chồng, chồng đang “nóng như Trương Phi”, thì các bà vợ càng nên kiệm lời. Đừng đẩy xung đột lên đỉnh điểm, đừng đổ thêm dầu vào lửa và đừng thách thức. Nên tỏ ra biết “sợ” chồng một chút để tạo cơ hội cho các ông chồng có được chút thể diện, dù chỉ là với vợ.

Biết cách tỏ ra “sợ uy chồng” là phương pháp hữu hiệu khiến các ông chồng, đặc biệt là các ông chồng “cùn” cảm thấy dễ chịu nhất. Chỉ có nước mát mới có thể dập được lửa.

 
Theo PNO, giadinh.net.vn, 16/12/2009 

 

Có thể bạn quan tâm