BNEWS Người Mỹ phải làm việc 114 giờ để mua được chiếc điện thoại iPhone 13. So với người dân tại Trung Quốc, Thái Lan, những nước sản xuất iPhone, mức giờ lao động bỏ ra để mua iPhone ở Mỹ là không tồi.
Khi đo lường chi phí sinh hoạt, chuyên gia kinh tế thường sử dụng các biện pháp thông thường, như chỉ số giá tiêu dùng (CPI), để theo dõi giá các mặt hàng thiết yếu trong giỏ hàng của của người tiêu dùng. Tuy nhiên, có một thước đo khác về chi phí sinh hoạt là chỉ số giá iPhone (iPI).
Khi lần đầu tiên ra mắt vào năm 2007, điện thoại thông minh iPhone là một sản phẩm kỳ lạ đối với “những người đổi mới” và “những người tiếp nhận đầu tiên” bị mê hoặc bởi những tính năng mới lạ của chiếc điện thoại này.
Ngày nay, iPhone và các mẫu điện thoại thông minh cạnh tranh khác được xem là “tiện ích”, những sản phẩm cần thiết cho mọi người để định hướng số hóa cuộc sống thường ngày. Tuy nhiên, các thước đo chi phí cuộc sống thông thường như CPI không tính đến chi phí của các thiết bị cầm tay này. Ít nhất là không có tính rõ ràng, như các chuyên gia tính toán với thực phẩm, năng lượng và tiền thuê nhà.
Chỉ số iPI do Grover.com tổng hợp, so sánh khả năng chi trả để mua điện thoại thông minh iPhone của công ty công nghệ Apple giữa các quốc gia với số giờ lao động mà những người làm việc với mức lương tối thiểu có thể mua được điện thoại iPhone.
Theo đó, người Mỹ phải làm việc 114 giờ để mua được một chiếc điện thoại iPhone 13. So với người dân tại Trung Quốc, Thái Lan, những nước sản xuất iPhone, mức giờ lao động bỏ ra để mua iPhone ở Mỹ là không tồi. Người lao động tại ba nước châu Á trên phải làm việc lần lượt 680 giờ, 760 giờ và 917 giờ để đủ tiền mua iPhone 12. Trong khi đó, tại Ấn Độ, người dân phải làm việc 3.667 giờ với mức lương tối thiểu, và đặc biệt người dân Venezuela cần làm việc tới 7.062 giờ để đủ tiền mua iPhone.
Lý giải cho việc giá iPhone cao là nhờ thương hiệu mạnh của hãng Apple, một hệ sinh thái rộng và hạn chế cạnh tranh với các hãng sản xuất điện thoại thông minh khác. Điều này giúp công ty công nghệ của Mỹ có sức mạnh định giá rất lớn. Không giống những sản phẩm tiêu dùng khác được bán giảm giá, iPhone không bán giảm giá và điều này cho phép Apple duy trì tỷ suất lợi nhuận cao trong 15 năm qua kể từ khi iPhone được tung ra thị trường.
Một trong số những giải pháp để giải quyết vấn đề chi phí sinh hoạt theo iPhone, là người tiêu dùng mua các sản phẩm cạnh tranh từ các hãng sản xuất điện thoại thông minh Hàn Quốc và Trung Quốc, những công ty này có giá bán điện thoại chỉ bằng một phần nhỏ giá của iPhone.
Ngoài ra, một giải pháp dành cho Apple là phát triển các phiên bản iPhone đơn giản hơn, thấp cấp hơn để phục vụ cho những người tiêu dùng ở dưới cùng của kim tự tháp thu nhập trên thế giới. Đó là hàng tỷ người tiêu dùng sẵn sàng mua những gì mà người thu nhập trung và đỉnh của “kim tự tháp” đã hưởng trong nhiều năm.
Đây sẽ là một chiến lược win-win (hai bên cùng thắng) có lợi cho Apple và những người lao động nghèo trên thế giới. Nó sẽ là một chiến thắng cho những người lao động nghèo trên thế giới vì chiến lược trên sẽ làm cho họ có thể tiếp cận một sản phẩm quan trọng như vậy. Và chiến thắng cho Apple là lợi nhuận sẽ đến từ số lượng lớn chứ không phải từ giá cả./.
Source: BNews